Trong cuộc sống, có nhiều người tự tư tự lợi nhưng cũng có những người phẩm đức cao thượng. Vì lợi ích của người dân, dân tộc, quốc gia, họ buông bỏ lợi ích bản thân, tiến cử hiền tài không vì ân oán.
Kỳ Hoàng Dương tiến cử nhân tài
Trong “Lã Thị Xuân Thu – Khứ tư” có chép câu chuyện Kỳ Hoàng Dương “Tiến cử bất kể là kẻ thù hay người thân”.
Kỳ Hề, tự Hoàng Dương, là quan đại phu của nước Tấn thời Xuân Thu. Ông là người hành sự chính trực. Một lần, Tấn Bình Công muốn Kỳ Hoàng Dương tiến cử một người làm huyện lệnh huyện Nam Dương, Kỳ Hoàng Dương tiến cử Giải Hồ. Tấn Bình Công kinh ngạc hỏi: “Ồ, chẳng phải ông ta có hiềm khích với khanh đó sao?”.
Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Vì Chúa thượng hỏi hạ thần là ai thích hợp đảm nhiệm huyện lệnh Nam Dương, chứ không hỏi kẻ thù của thần là ai”.
Bình Công khen ngợi rằng: “Khanh nói chí phải”.
Quả nhiên Giải Hồ không phụ lòng mong đợi, ông ta đã trị sửa Nam Dương rất tốt.
Sau đó không lâu, Bình Công lại muốn Kỳ Hoàng Dương tiến cử người tốt nhất nhậm chức Quốc úy. Kỳ Hoàng Dương đáp: “Kỳ Ngọ có thể đảm đương được”.
Tấn Bình Công hỏi: “Khanh tiến cử con trai khanh à?”.
Hoàng Dương đáp: “Vì chúa thượng hỏi hạ thần ai có thể đảm nhiệm được chức vụ đó, chứ không khỏi con trai hạ thần là ai”.
Bình Công lại khen Kỳ Hoàng Dương nói rất đúng. Kỳ Ngọ quả nhiên là sự lựa chọn chính xác.
Đối với hai lần tiến cử này, mọi người đều ca ngợi Kỳ Hoàng Dương chí công vô tư.
Sau khi Khổng Tử nghe tin, ngài nói: “Kỳ Hoàng Dương bất kể là kẻ thù hay người thân đều tiến cử, quả là người vô cùng công tâm”.
Tiến cử hiền tài, không vì tư lợi mà hại công
Sử Hạo triều Tống tiến cử Trần Chi Mậu đảm nhiệm chức quan Châu Quận, hoàng thượng biết Trần Chi Mậu đã từng nói xấu Sử Hạo, bèn hỏi Sử Hạo: “Khanh định lấy đức báo oán à?”.
Sử Hạo nói: “Vi thần không biết có oán hận gì”.
Ngoài ra, Mạc Tế đã phỉ báng Sử Hạo rất thậm tệ, Sử Hạo vẫn tiến cử ông nắm giữ công việc khởi thảo chiếu thư.
Hoàng thượng hỏi: “Mạc Tế chẳng phải là người đã phỉ báng khanh đó sao?”.
Sử Hạo nói: “Vi thần không dám vì việc tư mà tổn hại việc công”.
Giải Hồ là người chính trực, là người công tư phân minh. Đương thời ông và Triệu Giản Tử nước Tấn rất thân cận. Sau này Triệu Giản Tử muốn tìm người để cai quản đất phong của ông, Giải Hồ lại tiến cử Kinh Bá Liễu, người đã từng đoạt ái thiếp của mình, vì ông biết Kinh Bá Liễu cai quản thì bách tính mới không phải chịu khổ cực.
Quả nhiên Kinh Bá Liễu xử sự đâu vào đó. Sau khi ông biết Giải Hồ đã tiến cử mình, bèn đến nhà Giải Hồ cảm tạ.
Giải Hồ nói: “Tôi tiến cử ông vì coi trọng việc công, còn về việc riêng, tôi với ông vẫn không đội Trời chung”.
Tiến cử người công kích mình
Sách “Ngô chí – Lục Tốn truyện” có chép:
Một lần Thuần Vu Thức, thái thú Cối Kê dâng sớ hạch tội Lục Tốn, nói ông bòn rút của cải bách tính, quấy nhiễu dân thường. Vì vậy, Lục Tốn bị Tôn Quyền trách mắng, răn dạy.
Sau này Lục Tốn đến Kinh thành, trong khi nói chuyện có ca ngợi Thuần Vu Thức là vị quan tốt. Tôn Quyền không hiểu nổi hỏi rằng: “Ông ta đã từng phê phán khanh, sao khanh lại tiến cử ông ta?”.
Lục Tốn đáp: “Bản ý của Thuần Vu Thức là muốn bảo hộ bách tính, do đó phê phán hạ thần. Nếu hạ thần vì thế mà phỉ báng Thuần Vu Thức, chẳng phải làm nhiễu loạn đức nhìn nhận người của quân vương đó sao? Phong khí này không được phép nảy sinh!”.
Trong “Ngô chí – Lã Mông truyện” còn chép câu chuyện tiến cử nhân tài như sau:
Lã Mông là đại tướng Đông Ngô, đã từng phạm sai lầm trong quân ngũ nên bị thái thú Giang Hạ là Thái Khiển tố cáo với triều đình. Nhưng Lã Mông lại không vì thế mà ôm hận Thái Khiển.
Thái thú Dự Chương là Cố Thiệu chết, Tôn Quyền trưng cầu ý kiến Lã Mông: “Ai là người thích hợp kế nhiệm?”.
Lã Mông tiến cử Thái Khiển, Tôn Quyền cười và nói: “Khanh muốn trở thành Kỳ Hoàng Dương đời nay sao?”. Thế là Tôn Quyền bổ nhiệm Thái Khiển làm thái thú Dự Chương.
Trong lịch sử đã có rất nhiều nhân vật tiêu biểu không vì tình riêng mà ảnh hưởng đến việc công, lấy việc nước làm trọng, gác lại ân oán cá nhân. Đây quả thực là những quân tử có tấm lòng rộng lớn, xứng đáng lưu danh thiên cổ.
Theo bldaily.com
Nam Phương biên dịch