Tại phía Tây Bắc huyện Hoành Châu, Quảng Tây, có một ngọn núi tên là núi Nương Nương, trên đó có một ngôi miếu thờ, tên là “Từ Cảm Miếu”. Trong miếu thờ phụng một người được nhân dân tôn làm “Nương Nương tiên nữ”.

Truyền thuyết kể rằng, vào khoảng những năm Văn Đế triều đại nhà Đường, vị tiên nữ này sinh ra tại một ngôi làng phía Bắc thành Hoành Châu. Vì là con thứ 10 trong gia đình nên mọi người thường gọi là Trần Thập Nương, nghe nói trước khi sinh Trần Thập Nương, mẫu thân của cô mơ thấy được Bồ Tát ban con.

Quả nhiên ngay từ nhỏ cô đã có Phật duyên, một lòng kính ngưỡng Thần Phật. Trần Thập Nương lại có tâm địa từ bi, hòa ái, yêu thương mọi người, thường bớt ăn bớt tiêu để tiết kiệm tiền quyên góp tu bổ chùa chiền. Không những vậy, cô còn biết cả y thuật, những bệnh nhân gia cảnh khó khăn đến khám chữa cô đều không lấy tiền.

Năm Đại Đường, Trinh Quán thứ 8 (634 sau Công Nguyên), khi cô ngoài 30 tuổi, một hôm trên đường về nhà, thấy một người đang xách một con cá toàn thân phát ánh vàng kim vẫn còn đang sống. Trần Thập Nương cảm giác con cá này không phải một con cá bình thường, mà rất có thể là cá có lai lịch. Vậy nên cô bỏ tiền mua con cá này mang về thả trong ang, sang ngày thứ hai thì mang ra ngoài sông thả. Sau khi con cá được thả xuống sông, nó không hề bơi đi ngay mà nhảy lên mặt nước mấy lần như muốn cảm tạ ơn cứu mạng của Trần Thập Nương, rồi mới từ từ bơi đi.

(Ảnh: GODY.VN)

Sau đó không lâu, một hôm Trần Thập Nương gặp một người áo trắng đến nói với cô: “Thôn cô ở sắp sửa bị chôn vùi, cô hãy mau chóng rời khỏi đây ngay, hãy chạy đến đỉnh núi Bát Lĩnh bên cạnh, ở trên núi đó mà tránh nạn.” Trần Thập Nương nghe xong liền có cảm giác người này chắc chắn là con cá mình đã cứu hôm trước, đến để báo trước đại nạn cho cô. Vậy là Trần Thập Nương vội vàng ra khỏi cửa, vừa đi vừa hô hào mọi người trong thôn mau chóng rời khỏi: “Đất ở đây sắp sửa bị chôn vùi rồi, hãy mau chóng rời khỏi đây ngay”. Cô vừa gọi vừa gõ cửa từng nhà, tuy nhiên có người tin, có người không, có nhiều người tin lời cô nói nên cùng chạy theo cô lên núi tránh nạn.

Trần Thập Nương đưa những người tin cô chạy nhanh lên núi Bát Lĩnh tránh nạn, khi vừa lên đỉnh núi thì đột nhiên nghe một tiếng động lớn phía sau, quay mặt nhìn lại thì ngôi làng phía chân núi đã biến thành một hồ nước lớn, toàn bộ thôn làng bị nhấn chìm trong nước, những người không tin lời cô nói cũng theo đó mà bỏ mạng vong thân.

Mọi người đoán rằng con cá mà Trần Thập Nương cứu chính là Long Vương biến thành, vậy nên gọi hồ nước là “Long Trì” (ao rồng) để tưởng nhớ sự việc này. Trần Thập Nương sau khi trải qua sự việc này, có được công đức vô lượng khi cứu được nhiều người, được Thần Linh điểm hóa, sau cùng cũng đắc đạo thành tiên.

Trần Thập Nương được người dân lập miếu thờ trên đỉnh núi Bái Lĩnh. (Ảnh: blog.sina.com.cn)

Những người được cô cứu đã xây dựng một ngôi miếu thờ trên đỉnh núi Bát Lĩnh để bái thờ Trần Thập Nương, tôn kính cô thành Nương Nương, cho nên núi Bát Lĩnh từ đó được đổi tên thành núi Nương Nương. Sau này Trần Thập Nương nhân hậu từ ái đã có rất nhiều lần linh nghiệm hiển linh, đến năm Tống Thiệu Hưng được hoàng đế khâm ban tên miếu thành “Từ Cảm Miếu”.

Theo Secretchina
Minh Vũ biên dịch