Mối tình đế vương cảm động nhất trong lịch sử! Trong Loạn An Sử, Dương Quý Phi phi kỳ thực chưa chết? Có phải bà đi hướng biển Hoa Đông và định cư tại Nhật Bản? 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị hai vị mỹ nữ tuyệt thế. Họ đến từ cùng một gia tộc, thời đại mà họ sống cách nhau hơn ngàn năm. Cả hai đều có thiên phú nghệ thuật cực cao, đều kết hôn vì tình yêu nhưng cuối cùng lại có những kết cục hoàn toàn bất đồng.

Câu chuyện bắt đầu với một tin tức bùng nổ vào năm 2002. Theo tin tức, Momoe Yamaguchi, nữ hoàng nổi tiếng vĩnh cửu của Nhật Bản, đã nói trong một cuộc phỏng vấn, rằng tổ tiên của bà là phi tần Dương Quý Phi.

Ai cũng biết, năm đó Dương Quý Phi tự vẫn dưới chân dốc Mã Ngôi, không để lại một người con nào. Thế thì làm sao có thể có đời sau được? Lẽ nào năm đó Dương Quý Phi không chết, mà đi về phía đông đến Nhật Bản, rồi kết hôn và sinh con ở đó sao? Điều này có khả năng không? Hôm nay, chúng ta hãy giải quyết bí ẩn này.

Câu chuyện của Momoe Yamaguchi

Trước tiên hãy nói về Momoe Yamaguchi.

Momoe Yamaguchi là minh tinh điện ảnh và truyền hình nổi tiếng  châu Á những năm 1970. Trong số đó, kỹ năng ca hát của cô đặc biệt xuất sắc và vô cùng tài năng.

Có một video được lan truyền rộng rãi trên Internet. Năm 1976, Momoe Yamaguchi 18 tuổi, và Đặng Lệ Quân 24 tuổi đã cùng nhau hát một bài hát “Tình yêu Yokosuka” tại Liên hoan Ca khúc Hồng Bạch, đại biểu cho danh ca trình độ cấp cao nhất trong nền âm nhạc Nhật Bản. Trước màn trình diễn hoàn hảo của Đặng Lệ Quân, Momoe Yamaguchi cũng không hề thua kém, biểu diễn của cả hai có thể nói là đều xuất sắc, có thể thấy khả năng ca hát của Yamaguchi Momoe. Trên thực tế, nhiều bài hát cổ điển của Trung Quốc trong những năm 1980 và 1990, chẳng hạn như “Gió tiếp tục thổi” và “Mạn Châu Sa hoa“, đều là những ca khúc nổi tiếng của Momoe Yamaguchi.

Momoe Yamaguchi không chỉ hát hay mà còn có ngoại hình vô cùng xinh đẹp. Chỉ trong vài năm theo nghiệp diễn xuất, cô đã đóng vai chính trong rất nhiều giai nhân tuyệt thế, đều là kinh điển trên màn bạc, khí chất trong sáng khó ai bì kịp. Năm 1984, bộ phim truyền hình “Huyết nghi” do Momoe Yamaguchi đóng vai chính đã gây chấn động sau khi phát sóng ở Trung Quốc. Hình ảnh cô bé mắc bệnh bạch cầu Sachiko do cô thủ vai đã ăn sâu vào lòng người xem. Cho đến ngày nay, Momoe Yamaguchi là một trong những người Nhật có lực ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, đầu năm 1980, bông huệ trắng Momoe Yamaguchi, người đang nổi như Mặt Trời giữa trưa trong giới biểu diễn nghệ thuật, tuyên bố quy ẩn, kết hôn với người tình màn ảnh Tomoka Yamaura, kể từ đó, cô rửa tay gác kiếm, trở thành bà nội trợ trong gia đình, không bao giờ quay lại làng giải trí. Năm đó cô mới 21 tuổi.

Nhưng Momoe Yamaguchi sao có thể thực sự bình tĩnh như nước mà từ bỏ sự nghiệp ca hát yêu thích nhất của mình? Mọi người đều không tin. Những lời kêu gọi cô trở lại vẫn tiếp tục không ngừng, nhưng cô không bao giờ dao động, kể từ đó, cô hạn chế tham gia các hoạt động truyền thông, cũng không trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, điều thú vị là làng giải trí vốn luôn thích mới chán cũ lại phi thường ưu ái Momoe Yamaguchi. Ngay cả khi Momoe Yamaguchi đã rời xa làng giải trí trong một thời gian dài, bất kỳ tin tức nhỏ nào liên quan đến cô cũng có thể dễ dàng xuất hiện trên các tiêu đề đầu mục.

Vì vậy, hãy quay lại tin tức năm 2002 đã đề cập từ đầu. Có người nói, phải chăng Momoe Yamaguchi muốn lợi dụng sự nổi tiếng của Dương Quý Phi để thổi phồng lượng tương tác? Người nói điều này có lẽ là do không biết rõ về bông huệ trắng. Momoe Yamaguchi căn bản là không muốn thổi phồng, nếu cô ấy muốn tỏa sáng, chỉ cần sẵn sàng nhận phỏng vấn là đủ để lên đầu cột báo, không cần mượn danh người khác.

Dương gia ở Triết Giang

Vậy, Momoe Yamaguchi có phải là hậu duệ của Dương Quý Phi? Một phóng viên đã khảo sát cẩn thận và quả thực đã tìm thấy một số manh mối.

Nguyên lai tổ tiên của Yamaguchi thực sự là họ Dương. Tuy nhiên, họ không phải là hậu duệ của Dương Quý Phi mà là xuất từ gia tộc họ Dương ở Khê Đầu, trấn Sa Liễu, huyện Tam Môn, tỉnh Chiết Giang, trên bờ biển Hoa Đông. Theo một báo cáo từ Sina.com vào năm 2003, một phóng viên của “Tân Dân Vãn Báo” đã đến làng Dương ở Khê Đầu để khảo sát thực địa, nhìn thấy một ghi chép như vậy trong gia phả của họ Dương:

“An Lôi, tự Nhữ Bình, tên Minh Châu, thất lạc ở Ninh Ba.”

Tiên sinh Dương Minh Châu này đã biến mất tung tích trong một trận cuồng phong vào năm Minh Tông Trinh thứ hai (1629). 357 năm sau, vào mùa xuân năm 1986, hai người Nhật Bản là ông Yoshimichi Koken và ông Mitsutomo Yamaguchi đến làng để tìm tổ tiên với bản sao gia phả họ Dương được biên soạn vào năm Khang Hy thứ 29 (1690). Nguyên lai Dương Minh Châu bị trôi dạt trên biển đến Yaeshan thuộc quần đảo Ryukyu, sau đó sống ở đó, trở thành một giáo sư Hán văn được kính trọng ở địa phương. Ông lấy vợ sinh con, lưu lại rất nhiều hậu duệ. Nhưng lúc đó họ đều có họ Dương. Sau đó, khi quần đảo Ryukyu quy về sở hữu của Nhật Bản, họ đã đổi họ, con trai cả đổi họ thành Koken, con trai thứ đổi họ thành Yamaguchi. Vào tháng 2 năm 1998, hai gia tộc Koken và Yamaguchi của Nhật Bản đã nhập lại gia phả họ Dương ở Khê Đầu, chính thức nhận tổ quy tông.

Điều này thật thú vị, phải không? Có thể Momoe Yamaguchi đã nói rằng cô ấy là hậu duệ của Dương Quý Phi sau khi cô ấy biết chuyện. Nhưng không biết ở đây có phải là phiên dịch sai hay không, điều mà Momoe Yamaguchi khi đó muốn biểu đạt hẳn là cô ấy và Dương Quý Phi có lẽ là cùng một tông tộc, như vậy mới chính xác hơn.

Ngôi mộ của Dương Quý Phi ở Nhật Bản

Tại sao khi nhắc đến họ Dương, Momoe Yamaguchi liền nghĩ ngay đến Dương Quý Phi? Bởi vì Dương Quý Phi thực sự rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Ở Nhật Bản, văn hóa đại Đường từ trước đến nay luôn rất được coi trọng, Dương Quý Phi được coi là tượng trưng sắc đẹp từ thời Đường, và dường như nó là danh từ đồng nghĩa với “đại Đường”. Có một ngôi đền dành riêng cho bà, còn có “Hội nghiên cứu Dương Quý Phi”, và có một vở kịch năng thuật lại câu chuyện tình yêu của hoàng đế Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Kịch năng là một trong những môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu nhất của Nhật Bản. Thậm chí còn có lăng mộ của Dương Quý Phi.

Bức tranh Dương Quý Phi (Ảnh: Internet)

Lăng mộ của Dương Quý Phi nằm trong một làng chài tên là Cửu Tân trên bờ biển Nhật Bản. Người dân nơi đây tin chắc rằng, Dương Quý Phi nương nương năm đó không chết mà theo sứ thần Nhật Bản lênh đênh trên thuyền trôi đến đây. Người ta nói rằng bà đã tách họ Dương (楊) để viết, cải danh thành “Yagi” (bát mộc 八木) và bắt đầu cuộc sống ẩn danh. Nhưng không lâu sau đó, Dương Quý Phi qua đời. Mọi người cùng nhau chôn cất bà trong sân. Đây chính là ngôi mộ quý phi mà mọi người nhìn thấy bây giờ.

Bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng của Dương Quý Phi đứng ở trung tâm của khuôn viên, với một búi tóc cao, đứng nghiêng, hướng ra biển, với khuôn mặt không biểu cảm, để lại cho mọi người trí tưởng tượng vô tận.

Từ quan điểm này, ngôi mộ chân thực tồn tại. Nhưng ai được chôn trong mộ, hoặc có ai được chôn trong mộ hay không, điều đó thật khó nói.

Trôi dạt về phía đông đến Nhật Bản?

Như vậy, Dương Quý Phi thực sự đi về phía đông đến Nhật Bản sao? Hãy xem sử sách nói gì.

Theo chính sử ghi chép, Dương Quý Phi được vội vàng chôn cất bên vệ đường cùng với một gói hương nang. Sau khi dẹp loạn An Sử, Đường Minh Hoàng đã bí mật sai người cải táng bà một cách trang nghiêm. Người được cử đi sau khi về đã viết báo cáo. Có hai ghi chép trong sử sách. “Cổ Đường Thư” nói: “Da đã hoại, nhưng gói hương nang vẫn còn”, còn “Tân Đường thư” chỉ nói: “Hương nang vẫn còn”, không hề đề cập người thế nào. Điều này dẫn đến giả tưởng.

Trước tiên tôi xin nói về lý do tại sao có hai sách Đường, cũ và mới. Mọi người đều biết rằng ở Trung Quốc, sử sách của các triều đại trước thường được các triều đại sau sửa đổi. “Cựu Đường thư” được viết vào triều đại hậu Tấn trong Ngũ đại thập quốc sau triều Đường. Triều đại hậu Tấn tương đối ngắn ngủi và đất nước lúc đó đầy biến động bất an, vì vậy, lịch sử của các triều đại trước không được viết chỉn chu, “Cổ Đường thư” chỉ được viết vội vàng trong bốn năm, văn tự có chút cẩu thả.

Vào thời nhà Tống, Tống Nhân Tông không hài lòng, cho rằng sử sách cần văn thái mà không có văn thái, cần sử thực mà không có sử thực, lộn xộn không nhất quán, không có chương pháp, bèn hạ lệnh viết lại. Sau đó, do đại văn hào Âu Dương Tu dẫn đầu một nhóm người đã biên soạn lại một bản khác trong 17 năm. Đây chính là “Tân Đường thư”.

Vì vậy, hậu đại thường cho rằng “Tân Đường thư” đáng tin cậy hơn “Cựu Đường thư”. Ví dụ, việc Dương Quý Phi từng là Thọ vương phi không được ghi chép trong “Cổ Đường thư”, nhưng lại được đề cập trong “Tân Đường thư”. Vậy tại sao “Tân Đường thư” không đề cập đến việc Dương Quý phi có còn ở trong mộ hay không? Liệu có ẩn tình gì đằng sau nó?

Và tư liệu lịch sử này, cùng với câu nói nổi tiếng của Bạch Cư Dị trong “Trường Hận Ca”, “Trong đất bùn dưới dốc Mã Ngôi, không thấy nơi nào ngọc nhan chết”, và đoạn sau là “Đột nhiên nghe nói trên biển có núi tiên… trong đó có rất nhiều tiên nữ. Một người trong đó tự Thái Chân, làn da như tuyết dung mạo như hoa”. Nó liền trở thành chứng cứ có lực nhất của thuyết pháp Dương Quý Phi qua Nhật Bản. Dương Quý Phi từng xuất gia làm Đạo cô trước khi tiến cung, và Thái Chân chính là pháp hiệu mà bà sử dụng năm đó. Trong bài thơ có nói Dương Quý Phi làm tiên nữ trong núi tiên trên biển. Núi tiên trên biển này có thể nào chính là Nhật Bản, còn được gọi là Đông Doanh?

Theo cách này, thuyết pháp về việc Dương Quý Phi đến Nhật Bản bắt đầu trở nên phổ biến. Nhưng chẳng mấy chốc đã có người nhảy ra nói, thơ ca, sáng tạo văn chương, có cường điệu, có tưởng tượng, không thể lấy làm sử. Đương thời, chính Trần Huyền Lễ, vị tướng quân cùng Huyền Tông giành lại giang sơn từ tay Vi hoàng hậu, đã giết Dương Quốc Trung và yêu cầu ban chết cho Dương Quý Phi. Mọi người không nên dễ bị lừa như vậy.

Vũ y cầu vồng

Chẳng mấy chốc đã có người đề xuất một phương án giải quyết, trích dẫn thuyết pháp của Đạo gia “thoát kiếp thăng thiên”. Trung Hoa có một đặc điểm khác biệt với các nền văn minh cổ đại khác, đó là tương đối khoan dung hơn trong tín ngưỡng. Đạo giáo bản địa và Phật giáo truyền đến từ Tây phương không bài trừ lẫn nhau. Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử, tin ai cũng được. Khi đó, hoàng đế Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi yêu thích Đạo giáo hơn. Danh ca thiên cổ “Bài hát về vũ y cầu vồng” do Đường Huyền Tông sáng tác đã được biểu diễn khi Cung Thái Thanh tế hiến Lão Tử.

Bản nhạc này được cho là bản tiên nhạc mà Huyền Tông có được sau khi mộng du Cung Trăng. Huyền Tông nhìn thấy tiên nữ mỹ lệ trên Nguyệt Cung, nhất niệm không quên, sau này khi gặp Dương Ngọc Hoàn thì vô cùng sửng sốt. Khi Dương Ngọc Hoàn đến ao Hoa Thanh lần đầu tiên, Huyền Tông đã ra lệnh cho người biểu diễn “Bài hát về vũ y cầu vồng” yêu thích nhất của ông để chào đón nàng. Sau đó, Huyền Tông đã may xiêm y vũ điệu cầu vồng cho Dương Quý Phi. Về phần Dương Quý Phi, nàng cũng là một vũ công rất có tài khiêu vũ, nàng khiêu vũ như một tiên nữ giáng trần. Hãy cùng xem đại thi hào Lý Bạch đã miêu tả vẻ đẹp của Dương Quý Phi như thế nào:

Vân tưởng y, thường hoa tưởng dung, 
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Nhược Phi quần ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng diêu thai Nguyệt hạ phùng.
____ Bài thơ “Thanh bình lạc”

Bài thơ nói, mây muốn biến thành xiêm y của quý phi, hoa muốn làm dung mạo của quý phi, vẻ đẹp của quý phi như hoa mẫu đơn được gió xuân thổi qua đình Trầm Hương. Nếu không phải tiên tử phiêu phiêu chỉ có thể nhìn thấy trên núi Ngọc Tiên, thì đó nhất định là một nữ thần tiên chỉ có thể gặp ở đài ngắm trăng.

Bài thơ này được viết trước mặt Dương Quý Phi khi Lý Bạch, khi đó đang làm hàn lâm, được Huyền Tông gọi đến. Tài năng của Lý Bạch và vẻ đẹp của Dương Quý Phi đều ở trong đó. Đương thời, Lý Bạch ở bên hai người rất lâu, khi Huyền Tông viết bất kỳ ca khúc mới nào, ông luôn yêu cầu Lý Bạch đến điền lời ca mới, bài thơ “Thanh bình lạc” này là một trong những ca từ. Những ca khúc của Huyền Tông, thơ của Lý Bạch và những điệu múa của Dương Quý Phi đều được coi là tuyệt vời nhất vào thời đó. Huyền Tông cực kỳ sủng ái người vợ tài mạo song toàn, muốn gì được nấy. Thật không may, điều này chôn giấu mầm mống cho đại họa sau này.

Lại nói, bởi vì cả hai đều tín phụng Đạo giáo, Dương Quý Phi lại là nhân vật như tiên nữ, lại từng xuất gia làm Đạo cô, nên có người nói, phải chăng Dương Quý Phi đã dùng thủ pháp “thi giải” của Đạo gia để kim thiền thoát xác? “Thi giải” là một pháp che mắt của Đạo gia. Mọi người đều nghĩ rằng người này đã chết, nhưng xác chết được đặt ở đó không phải là một xác chết thực sự, mà là một vật phẩm biến hóa mà thành, ví dụ là gói hương nang. Sau khi quan tài được chôn cất, vật phẩm liền biến trở lại nguyên dạng.

Vậy tại sao sau khi mộ của Dương Quý Phi được mở ra, chỉ có một gói hương nang mà không thấy người? Đó là nguyên do. Quý vị có nghĩ rằng lời giải thích này có thể được chấp nhận?

Tranh luận không ngừng

Mấy ngàn năm nay, mọi người đều thảo luận sôi nổi về việc Dương Quý Phi có chết hay không. Nhưng ai đã xem xét vấn đề từ góc độ của Dương Quý Phi chưa?

Trên thực tế, trong “Tân Đường thư” có đề cập rằng sau khi Dương Quý Phi nghe tin về cuộc tạo phản của An Sử, cảm thấy mình đã phạm sai lầm nên đến gặp Huyền Tông xin ban cái chết, nhưng Huyền Tông đương nhiên từ chối. Tuy nhiên, từ góc độ này mà nói, có lẽ chưa biết, Dương Quý Phi năm đó vì để hoàn thành nghĩa vợ chồng, đã nhận tấm lụa trắng tự nguyện chịu chết. Một số người phân tích rằng mặc dù Dương Ngọc Hoàn được sủng ái, nhưng dù sao bà không phải là một yêu tinh như Đát Kỷ, bà vẫn phân biệt rõ đúng sai.

Dù sinh ly tử biệt thế nào, Đường Huyền Tông chắc chắn đã trải qua những ngày cuối đời trong cô độc. Ông sai người vẽ bức tranh Dương Quý Phi treo ở biệt điện, sáng tối mỗi ngày đều ra ngắm. Đôi khi chỉ nhìn thôi cũng khiến ông bật khóc. Ngay cả khi giai nhân đã trở thành tiên nữ, vẫn luôn là thiên nhân vĩnh cách.

Hơn một ngàn năm sau, một cô nương khác từ Dương gia đã trưởng thành. Cô ấy có dung nhan tuyệt mỹ và thiên phú phi thường, từ nhỏ đã được hàng ngàn người yêu mến. Sau đó, cô nương kết hôn với một người đàn ông bình phàm. Họ cả đời chưa bao giờ lớn tiếng với nhau. Cuộc hôn nhân kéo dài 40 năm của họ vẫn bền vững như bàn thạch, mỗi khi ra khỏi cửa đều là tay trong tay.

Cô nương đó chính là Momoe Yamaguchi. Trong danh sách những cặp đôi đáng ghen tị nhất Nhật Bản, chỉ cần vợ chồng bông huệ trắng có tên trong danh sách, vị trí dẫn đầu sẽ luôn là của họ, và sẽ không bao giờ có bất kỳ sự phản đối nào. Một số người nói rằng nếu có một gia đình thần tiên trên thế giới này, thì đó là Momoe Yamaguchi và Tomoka Yamaura. “Trên trời nguyện làm đôi uyên ương, dưới đất nguyện làm cành liên lý”, lời thệ ước mà Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi năm đó không thể tuân thủ, đã được hiện thực bởi cặp đôi Nhật Bản bình phàm này.

Nếu được lựa chọn, bạn muốn tình yêu mãnh liệt của Dương Quý Phi, hay nguyện ý giữ một hạnh phúc bình phàm như bông huệ trắng Momoe Yamaguchi?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch