Luân hồi và chuyển sinh vốn là những khái niệm hết sức quen thuộc trong văn hóa truyền thống. Nhưng ảnh hưởng của thuyết vô thần hiện đại đã khiến nhiều người bắt đầu hoài nghi về thuyết đó. Kỳ thực, giới khoa học đã có những phát hiện mới mẻ về hiện tượng kỳ lạ này.
Những năm gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về những trường hợp luân hồi, chuyển kiếp đã chứng minh rằng kiếp sau là chuyện hoàn toàn có thật. Năm 2014, một đài truyền hình ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã phát sóng một chương trình đặc biệt kể về hơn 100 trường hợp luân hồi chuyển sinh ở tỉnh Hồ Nam.
Tại xã Bình Dương, huyện Thông Đạo, thành phố Hoài Hóa (Hồ Nam) nhiều người có thể nhớ rất rõ ràng về tiền kiếp của mình, một dấu hiệu chứng minh hiện tượng luân hồi. Cả xã Bình Dương có hơn 7000 nhân khẩu, nay đã phát hiện 110 người có dấu hiệu chuyển sinh, một tỉ lệ rất cao. Dưới đây là một số trường hợp kỳ lạ điển hình.
1. Cụ cố nội chuyển sinh thành cháu trai
Trong gia tộc họ Dương, người cao tuổi và có quyền lực lớn nhất là ông nội. Tuy nhiên, một hôm cậu cháu đích tôn thông minh, lanh lợi trong nhà đột nhiên mở miệng nói những lời kỳ lạ: “Ta là mẹ của ông nội ở tiền kiếp“. Điều ấy quả thực trớ trêu. Ông nội bỗng chốc không còn là người có uy nhất nữa, lại còn phải “cung kính” với chính đứa cháu trai của mình.
Năm cậu cháu trai Nhật Ba lên 2 tuổi, một lần nọ vì ngang bướng cãi lời, người ông liền vung tay đánh cậu một cái. Đột nhiên cậu bé hét lớn: “Cái thằng con trai trời đánh này dám đánh cả mẹ, không sợ bị thiên lôi giáng tội à?“. Người ông có đôi chút sững sờ, rồi lại hỏi đùa cậu bé: “Cháu làm thế nào mà trở thành mẹ của ông thế?“.
Cậu bé nói kiếp trước mình tên là Ngô Nông Chi, ở cùng thôn rồi được gả về đây làm dâu. Sau đó cậu bé còn kể lại những sự việc khác, đều đúng đến từng chi tiết nhỏ. Người ông nghe xong, bản thân không thể thốt nên lời nào.
Từ đó, cậu bé luôn hồi tưởng và kể lại cho người nhà rất nhiều sự việc trước đây. Chuyện nào cậu kể cũng đều có bằng chứng rõ ràng, khiến tất cả mọi người đều vô cùng kinh ngạc. Cũng từ đó, người ông luôn nhìn cháu trai mình bằng một con mắt khác. Ông đối xử với nó có lúc như cháu, có lúc lại giống như mẹ của mình.
Ông cũng cho rằng điều này không có gì là không tốt. Đời người có luân hồi, chuyển thế là chuyện hết sức bình thường. Có lẽ một ngày kia ông có thể trở thành con cháu của con mình cũng nên.
2. Heo trắng chuyển thế thành người
Phổ Đầu Trại ở xã Bình Dương có một cậu bé họ Ngô. Lúc 1 tuổi, người nhà đưa cậu vào trong thôn chơi thì xảy ra hiện tượng kỳ lạ. Mỗi lần gặp mặt người đồ tể là cậu bé giãy giụa, khóc gào như bị ai đánh. Lần nào cũng như vậy làm người nhà vô cùng khó hiểu.
Năm lên 2, 3 tuổi, mỗi lần nhìn thấy có người hái rau lợn trong vườn, cậu liền nói với họ rằng loại nào đắng, loài nào cay, nếu hái nhiều thì không ăn. Ai cũng bật cười và nghĩ rằng lời trẻ con là vớ vẩn không đáng tin. Càng lớn cậu càng sợ gặp mặt những người làm nghề đồ tể hơn. Mỗi lần chỉ cần nhìn thấy bóng dáng họ là cậu bé chạy thục mạng về nhà.
Người trong thôn cảm thấy vô cùng kỳ quặc, liền hỏi đầu đuôi sự tình. Điều cậu bé nói khiến ai nấy đều kinh ngạc. Hóa ra kiếp trước cậu là một con heo trắng trong chuồng lợn nhà ông ngoại mình. Một ngày nọ, người đồ tể đến để mua heo. Khi vừa nhìn thấy, chú heo đã thục mạng chạy ra một ngọn đồi sau nhà nhưng vẫn bị người đồ tể bắt được và giết thịt.
Chuyện kỳ quái về kiếp trước của cậu bé này sau đó lan truyền khắp trong thôn, quả là một truyền mười, mười truyền trăm. Từ đó mọi người trong thôn đều gọi cậu bé là “heo trắng”. Còn người đồ tể nọ cũng thề nguyện đời này kiếp này không sát sinh nữa.
3. Kiếp trước là chị em sống chết có nhau, kiếp này là cặp song sinh
22 năm trước ở trại Đô Lũy, xã Bình Dương có hai chị em nhà nọ rất thân thiết, đi đâu cũng không rời nhau như hình với bóng. Một lần họ bị bố mẹ trách mắng thậm tệ sinh bất mãn, nảy ra ý nghĩ tự tử. Cả hai tự góp tiền mua thuốc trừ sâu, cùng chết bên nhau. Nhưng sau đó ít lâu, họ đầu thai chuyển kiếp thành một cặp chị em song sinh của vợ chồng ông Ngô cùng xã.
Vợ ông Ngô nhớ lại, mấy ngày trước khi sinh đôi, chị nghe mọi người kể chuyện hai chị em gái ở Đô Lũy uống thuốc trừ sâu tự tử. Sau đó trong cơn đau bụng chuyển dạ, chị nhìn thấy hai cô gái đi vào nhà cùng mình, sau quả nhiên sinh ra một cặp song sinh. Sau này khi lớn lên, cặp song sinh này thi thoảng lại nhớ lại những chuyện kỳ lạ kiếp trước. Ví dụ, năm đó hai người đã uống thuốc sâu như thế nào, hay bị chôn xuống đất ra sao…
Sau khi nghe được tin, bố mẹ kiếp trước của họ ở Đô Lũy tức tốc đến gặp hai chị em. Như lâu ngày gặp lại người thân thiết của mình, họ chạy tới ôm chặt bố mẹ, không muốn rời xa. Họ xin lỗi vì đã hành động nông nổi, tự hủy đi thân thể của mình. Họ mừng mừng, tủi tủi kể lại tất cả những chuyện đã qua, quyến luyến chẳng muốn rời.
Bố mẹ hai nhà cũng đã kết nghĩa thân tình, lấy đường đi lại. Hai cô gái trở thành con chung của cả hai nhà, rất được yêu thương, chiều chuộng. Cặp song sinh nọ cũng vô cùng lưu luyến ngôi nhà cũ mình từng ở trong kiếp trước, một lòng phụng dưỡng cha mẹ đã tuổi cao sức yếu.
4. Kiếp trước tôi tên là Trần Minh Đạo
Ở thành phố Đông Phương (Hải Nam) có một “kỳ nhân chuyển thế” tên gọi Đường Giang Sơn. Năm lên 3 tuổi (năm 1979), cậu đột nhiên nói với cha mình: “Con không phải là con của cha mẹ. Kiếp trước con tên Trần Minh Đạo, cha con tên là Tam Đa. Nhà con ở Đam Châu (huyện Đam) gần bờ biển“. Huyện Đam cách thành phố Đông Phương khoảng 160 km. Cậu còn kể rằng trong thời kỳ “Đại cách mạng văn hóa”, khi đấu võ bị người khác dùng đao và súng giết chết. Điều kỳ lạ hơn là cậu có thể nói tiếng địa phương của Đam Châu một cách lưu loát.
Đường Giang Sơn kể rằng, năm anh lên 5 tuổi, có một người Đam Châu tới thôn làm ăn buôn bán. Đường Giang Sơn nghe nói liền nhờ người đó dẫn về nhà cũ ở thôn Hoàng Ngọc trong kiếp trước của mình. Nhưng người này nghe chuyện cảm thấy rất quái dị nên không dám cho cậu đi cùng.
Năm lên 6 tuổi Đường Giang Sơn lại xin cha mẹ cho về thôn Hoàng Ngọc thăm người cha kiếp trước của mình. Cha cậu cũng không chịu. Thế là cậu bỏ ăn, không nói năng gì trong mấy ngày. Cuối cùng cha cậu cũng đồng ý. Trong suốt hành trình, cậu chính là người dẫn đường cha mình, cứ xăm xăm băng lối.
Khi vừa bước tới cổng thì hai người gặp ông Tam Đa, vốn là cha cậu bé ở kiếp trước. Cậu liền dùng tiếng địa phương gọi ông và nói mình là người con trai của ông năm đó bị bắn chết tên Trần Minh Đạo. Sau này cậu đã chuyển sinh vào gia đình hiện tại, nay tới tìm ông. Sự việc quá bất ngờ làm ông Tam Đa cứ đứng như trời trồng, nhất thời không biết phản ứng ra sao.
Thấy vậy Đường Giang Sơn liền đi vào phòng lấy bài vị của mình gói lại và nói: “Bây giờ con là người sống rồi, không cần đặt cái này trên bàn thờ nữa“. Sau đó, cậu còn kể lại cho ông ngày trước mình nằm ngủ ở giường nào và hỏi tìm những vật dụng mình thường dùng trước đây.
Những điều Đường Giang Sơn nói không sai lệch chút nào. Ông Tam Đa nhận ra đây chính là cậu con trai đã mất của mình chuyển sinh. Sau đó hai cha con ông đứng giữa sân nhà mà ôm nhau khóc ròng như người thân xa cách lâu ngày. Người cha hiện tại của Đường Giang Sơn cũng xúc động mà khóc theo. Sự việc khi đó thực sự đã làm kinh động cả một vùng. Hàng xóm, láng giềng tò mò đến tận nơi xem ngóng.
Ngày hôm đó, cậu còn gặp lại người em trai của mình là Trần Quân Trợ và những người bạn cũ trước đây. Gặp ai cậu cũng nhận mặt, gọi tên và kể lại kỷ niệm trước đây. Những điều đó chính xác tới mức ai cũng tin rằng Trần Minh Đạo năm xưa vẫn chưa hề chết. Ngoài ra, cậu còn nhận ra người bạn gái cũ trước đây của mình là Tạ Thu Hương.
5. Bà lão 3 lần chuyển sinh, kiếp trước là trạng nguyên kiếp này là thôn nữ
Sinh vào ngày 3/2/1916, dù chỉ là một phụ nữ nông thôn bình thường ở thôn Bùi Câu (Sơn Tây) nhưng bà đã trở nên rất nổi tiếng bởi những câu chuyện kỳ lạ của mình. Bà thậm chí có thể nhớ được mọi chuyện trong 2 kiếp trước của mình không sai chút nào.
Bà cho biết, lần thứ nhất bà đã chuyển sinh thành một người con trai tên là Chu Quý Tài, là thương nhân buôn bán lừa ngựa người ở tháp Đại Nhạn thành phố Tây An (Thiểm Tây). Chu Quý Tài mất năm 37 tuổi. Lần thứ hai bà đầu thai vào gia đình một quan lại họ Diệp, tên là Diệp Văn Quốc. Vào năm Thuận Trị thứ 16 khi tròn 29 tuổi, với thân phận nữ, bà cải trang là nam và thi đỗ Trạng nguyên rồi tới nhậm chức ở thành phố Tây Ninh (Thanh Hải). Sau này, bà qua đời vì mắc thương hàn.
Đến kiếp này, bà đầu thai lần thứ ba trong một gia đình nghèo khó ở thôn Hoàng Thạch Dụ (Sơn Tây. Bà được gả cho một gia đình ở Thôn Bùi Câu cách nhà 5 km. Mặc dù chưa bao giờ được đi học nhưng bà có thể thuộc lầu Tứ Thư, Ngũ Kinh, lại rất khéo tay, thêu thùa may vá đều đẹp.
Bà còn biết cả chữ Hán và có thể kể lại ngọn ngành việc học hành của mình ở kiếp trước. Bà kể kiếp trước mình học hành rất giỏi và từng đỗ Trạng nguyên. Thời nhà Thanh bà từng đỗ trạng cùng thời với Trạng nguyên Phạm Vô Bệnh. Phạm là võ trạng nguyên còn bà là văn Trạng nguyên.
Có lần, bà còn có thể đọc thuộc lòng một bài kệ rất dài, dù không có vần điệu cố định nhưng ngôn từ rất tao nhã và có tính triết lý. Một bà lão nông dân chưa từng được đi học không thể tự nghĩ ra được.
Theo lời kể của người dân trong thôn, từ năm lên 8 tuổi bà đã bắt đầu kể về những câu chuyện tiền kiếp của mình. Sau đó, bà còn tìm gặp lại những nhà mà mình đã chuyển sinh ở 2 kiếp trước. Bà lão còn có thể nói được tiếng địa phương của tỉnh Tây An và Hà Nam. Hơn nữa, tới nay trong thôn duy chỉ nhà bà là vẫn còn sử dụng loại bếp củi theo kiểu người Hà Nam vô cùng độc đáo do chính tay bà tự chế.
Bà lão cũng nói lẽ ra thọ mệnh của mình trong kiếp này chỉ tới tuổi 25. Bà phát nguyện tu sửa miếu Quan Âm ở thôn Bùi Câu nhưng mãi không có tiền và cứ sống cho tới năm 88 tuổi. Khi này bà mới đủ tiền quyên góp xây miếu. Bà muốn tu sửa miếu Quan Âm là để hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi mãi sống trong lòng dân gian.
***
Người xưa nói: “Gieo nhân nào gặt quả ấy“. Họ tin rằng sinh mệnh con người không chỉ có ở trong một kiếp này. Sau trăm năm, dù hai mắt khép lại, người ta chỉ là mất đi thân xác thịt ở trần thế này. Còn sinh mệnh vĩnh hằng của họ thì sẽ tiếp tục tiến nhập vào lục đạo luân hồi. Tùy theo phúc báo hay nghiệp ác mà người ta gây ra trong đời trước, họ có thể chuyển sinh thành người trời, con người hoặc súc sinh, quỷ đói…
Cổ nhân cũng quan niệm “Trên đầu ba thước có thần linh“, Thần Phật vô hình không thị hiện trước mắt người ta nhưng ở đâu cũng có. Họ đang ở đó, tĩnh tĩnh mà quan sát mọi biểu hiện, hành vi của con người. Họ còn có thể nhìn thấu tâm can con người. Luân hồi, chuyển kiếp cũng chính là sự việc nằm trong an bài của Thần Phật trên cao.
Nhưng thân người khó được lắm thay. Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng rất rõ về điều này bằng một câu chuyện sinh động. Ở biển có một con rùa mù. Ngày thường nó lặn dưới đáy, cứ 100 năm mới ngoi lên mặt nước hít thở một lần. Trên biển lại có một khúc gỗ trôi dạt, bên trên đục một lỗ tròn. Xác suất để người ta trong lục đạo luân hồi đắc được thân người giống như việc một con rùa mù kia nổi lên mặt nước và chui đầu được vào lỗ tròn trên thân gỗ mục.
Vậy mới nói, trong những năm tháng có được thân người cần phải biết quý tiếc, trân trọng. Chính là:
Luân hồi đằng đẵng một giấc mê
Nghìn năm phủ bụi luống nặng nề
Thân người khó được hoài trân quý
Đắc Đại Pháp tu luyện trở về
Kiên Định
Xem thêm:
- Đây là câu chuyện luân hồi từng kinh động đến hoàng đế Khang Hy
- Câu chuyện luân hồi: Cô gái không uống ‘món canh quên lãng’ trước khi đầu thai chuyển kiếp
- Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?