Bài viết không có những từ ngữ hoa mỹ, chỉ toát nên một tấm chân tình thuần phác, mộc mạc. Đọc xong ta mới hiểu rằng cuộc sống thật chẳng dễ dàng gì. Hy vọng chúng ta đều biết và nhớ đến nỗi khổ xưa mà trân trọng những gì đang có, từ đó dưỡng thành thói quen cần cù, tiết kiệm, nâng niu những điều tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại.

Từng đạt giải nhất cuộc thi sáng tác văn học lần thứ nhất của một trường đại học danh tiếng, nhưng nữ anh tài đoản mệnh, một năm trước khi được trao giải, khi tuổi đời mới tròn 24, tác giả Trương Bồi Tường đã rời xa cõi nhân gian vì bệnh ung thư máu. Câu chuyện cô để lại là những trải nghiệm vô cùng chân thực của chính bản thân mình.

Câu chuyện “Bán gạo”

Trời còn tờ mờ sáng mẹ đã gọi tôi dậy: “Quỳnh Bảo, hôm nay là phiên chợ, hai mẹ con gánh ít gạo ra bán đi con, kiếm thêm ít tiền mua thuốc cho ba”.

Tôi mơ màng mở to đôi mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, mặt trời vẫn còn chưa mọc. Quả thực tôi rất buồn ngủ nên lại nằm ì trên giường một lúc nữa. Tiếng ba ho sù sụ từ phòng kế bên vang lên, còn mẹ đang bận rộn dưới bếp. Mùi cơm thơm phức bay ra cùng mùi khói nhàn nhạt, dần dần xua tan cơn ngái ngủ của tôi. Tôi ngồi dậy, mặc quần áo chỉnh tề và bắt đầu gấp chăn đệm gọn gàng.

“Chị ơi, cho em đi ra chợ với được không? Chị mua mỳ vằn thắn cho em nhé!”, cậu em trai đầu tóc bù xù chạy vào phòng tôi.

“Nghị Bảo, con không đi được đâu, con phải ở nhà để còn ra đồng tháo nước”. Tiếng cha từ phòng bên nói vọng sang xen lẫn mấy tiếng ho. Cậu em trai phụng phịu nói với qua phòng bên: “Cha ơi, trời nóng thế này, tối qua cha mới bị cảm nắng xong. Hôm nay cha lại bảo con đi, lỡ con cũng say nắng thì sao?”.

“Người mà lại sợ nóng nực thì hoa màu ai lo? Không đi tháo nước, đất lại khô cong, mạ sẽ chết hết. Để đồ ăn thức uống trong nhà cuốn theo gió Tây Bắc hết cả à?”. Ba vừa tức giận một chút đã ho dữ dội hơn.

Em trai lè lưỡi, làm mặt ngáo ộp với tôi rồi đi vào phòng ba. Tôi chỉ nghe thấy tiếng ba dặn dò phải tháo nước như thế nào, dẫn nước từ trong cái đầm nào, dẫn tới mảnh ruộng bậc thang nào trước, cần để ý những nơi nào người ta ngăn nước…

Gia đình tôi rất nghèo (Ảnh minh họa: Youtube)

Ăn cơm xong, em trai tôi vác cái cuốc cha vẫn thường dùng lên vai đi thẳng ra ngoài đồng. Tôi và mẹ bắt đầu đựng thóc vào chiếc thúng cái. Xong xuôi đâu đấy hai mẹ con cân trước, mỗi gánh chừng 60 đến 80 cân.

Tôi nói: “Mẹ ơi, để con gánh gánh nặng cho”. “Con còn là học sinh, vai còn yếu, thôi để mẹ gánh”. Mẹ nói rồi, khẽ khom lưng gánh gánh thúng gạo nặng lên.

Tôi gánh thúng nhẹ, đi theo sau mẹ.

“Đi cẩn thận đấy! Gạo nhà mình ngon, đừng bán rẻ quá nhé!”. Ba khoác chiếc áo, đứng ở bậu cửa dặn dò.

“Tôi biết rồi. Ông mau lên giường nằm nghỉ đi”. Mẹ tôi khó nhọc xoay chiếc đòn gánh ngoái lại dặn dò: “Cơm canh ở trong nồi ý, trưa ông bảo Nghị Bảo hâm lại cho nóng nhé!”.

Chỗ chợ phiên cách nhà tôi chừng 4 dặm đường (hơn 6,5 km). Tôi và mẹ gánh gạo lúc đi lúc nghỉ trên con đường đồng chật hẹp, phải đi cả tiếng đồng hồ mới tới nơi.

Người đi chợ cũng không ít. Chúng tôi nhanh chóng tìm một khoảng đất trống rồi đặt gánh gạo xuống và để chiếc đòn gánh xuống đất. Hai mẹ con ngồi lên chiếc đòn gánh, cầm chiếc mũ lá quạt lấy quạt để.

Mới sáng ra mà đã nóng nực như thế này rồi, buổi trưa thì không sao chịu nổi. Tôi bất giác thấy lo lắng cho cậu em trai. Cậu đi tháo nước phải phơi nắng ở ngoài cả ngày. Tôi nhìn xung quanh thấy trong chợ có rất nhiều người bán gạo, lẽ nào mọi người đều đang cần tiền? Hầu hết mọi người trong phiên chợ đều quen mặt nhau. Họ đều là họ hàng thân thích ở cách đó chừng 8 dặm, 10 dặm (12-13 km), nhà ai cũng trồng lúa, thì ai đi mua gạo đây?

Tôi hỏi mẹ, mẹ nói: “Có người chuyên buôn gạo sẽ tới thu mua. Họ lái xe tới chợ quê thu mua gạo rồi chở về bán trong thành phố, sẽ có lãi hơn”.

Tôi nói: “Sao lại để cho họ lấy lãi thế ạ? Mẹ con mình cũng chở gạo vào trong thành phố bán cho rồi!”. Kỳ thực tôi cũng biết chẳng qua đó chỉ là những lời bực tức nhất thời của mình mà thôi. Quả nhiên mẹ nói: “Nhà mình có ít gạo thế này, lại không có xe. Nếu có chở lên thành phố thật thì cũng chẳng đủ tiền đi đường! Đợi ba con khoẻ lại, nhà mình gánh 100 cân gạo vào thành phố bán. Vài hôm đi một chuyến cũng kiếm thêm được một chút”. Tôi bất giác thấy thương cho ba mình.

Từ nhà vào thành phố phải đi hơn 30 dặm đường núi (khoảng 50 km), ba gánh nặng như vậy thật vất vả biết bao! Chỉ vì muốn kiếm thêm vài đồng mà phải chịu khổ như vậy, thật chẳng đáng! Nhưng còn cách nào khác đây? Nhà tôi chỉ trồng lúa, cũng chẳng có thu nhập nào khác, không bán gạo thì lấy đâu ra tiền cho hai chị em ăn học? Nghĩ tới những điều này, nỗi buồn cứ thi nhau xô đến trong lòng tôi. Ngước sang nhìn mẹ ngồi kế bên, mái đầu mẹ đã lốm đốm bạc, khuôn mặt đen nhẻm đã thêm nhiều nếp nhăn. Mồ hôi lấm tấm trên đầu, đôi mắt mẹ đã hơi đỏ ngầu lên.

“Mẹ, mẹ uống chút nước đi”. Tôi cầm ấm nước đưa cho mẹ, tay cầm chiếc mũ lá quạt cho mẹ. Mấy người buôn gạo cuối cùng cũng đến. Họ tìm những người bán gạo xung quanh, bước tới và xem kỹ màu sắc hạt gạo. Họ còn sọc cả tay vào thúng gạo rồi nắm một vốc lên nhìn rất kỹ. “1 đồng 5 hào” (chừng 3.650 VNĐ), người buôn gạo ra giá.

Những người bán gạo dường như chê giá thấp muốn mặc cả thêm. “Không kì kèo thêm nữa, tôi nói một giá thôi, thích thì bán, không thì thôi!”. Người buôn gạo tỏ thái độ cứng nhắc. Rốt cuộc thì trong chợ đều là những người bán gạo, chỉ có họ là người mua gạo, nên không nhân cơ hội này ép giá thì còn đợi lúc nào nữa?

Mẹ để ý thấy cảnh đó bèn nói: “1 đồng 5 hào thì rẻ quá. Lên chợ mà còn không bán nổi lấy một đồng mốt (chừng 4.100 VNĐ)”. Mẹ vừa nói dứt lời thì người buôn gạo đi về phía hai mẹ con tôi. Ông ấy sọc một tay vào trong sọt gạo, nắm lên một vốc, rồi xoay về phía ánh nắng mặt trời soi thật kỹ. “Gạo này ngon đấy, vừa trắng vừa đều, lại sàng sảy sạch sẽ, không có lấy một hạt cát!”. Mẹ mỉm cười đon đả, trong nụ cười có chút tự hào.

Quả thực là gạo nhà tôi ngon hơn mấy người bán ngoài chợ. Người đàn ông ấy gật đầu nói: “Gạo thì ngon đấy, nhưng mấy hôm nay trong thành phố cũng rớt giá. Gạo có ngon nữa thì cũng không bán được giá tốt. 1 đồng 5 hào, có bán không?”. Mẹ tôi lắc đầu: “Sao lại rẻ thế? Trên chợ còn bán 1 đồng mốt (1 đồng 1 xu). Hơn nữa, cậu cũng biết nhìn hàng, tiền nào của nấy. Gạo của tôi chắc chắn ngon hơn nhà người ta!”.

Người ấy lại nhìn lại sọt gạo, do dự một lát rồi nói tiếp: “Lẽ ra tôi chỉ trả một lời, không có kỳ kèo thêm bớt. Nhưng thấy gạo nhà chị ngon, tôi thêm một chút, 1 đồng 8 hào (khoảng 3.850 VNĐ) thì thế nào?”. Mẹ tôi vẫn lắc đầu: “Không được, gạo nhà tôi chí ít cũng phải bán được 1 đồng mốt. Cậu trả thêm một chút đi”.

Người đàn ông cười nhạt, nói: “Hôm nay chắc chắn không thể bán được giá 1 đồng mốt. Tôi trả một đồng 8 hào mà chị không bán, thì lát phiên chợ tan chị có bán 1 đồng 5 hào cũng chẳng ai mua!”.

“Không bán được thì chúng tôi gánh về nhà!”. Thái độ của người đàn ông khiến mẹ nổi giận. “Thế thì chị cứ đợi mà gánh về nhà nhé”. Người đàn ông cười nhạt, buông một câu rồi bỏ đi.

Tôi ngồi bên cạnh, thầm nghĩ 1 đồng 8 hào với một đồng mốt, mỗi cân chỉ chênh nhau có 2 hào. Ở đây toàn bộ có 150 cân gạo, tổng cộng cũng chỉ có chênh nhau 3 đồng. Đường xa thế này, sao lại phải gánh về? Vai của tôi còn đang đau ê ẩm.

Tôi nói nhỏ với mẹ: “1 đồng 8 hào thì 1 đồng 8 hào đi mẹ, dẫu sao cũng chỉ chênh nhau 3 đồng thôi mà. Hơn nữa còn phải đợi tiền mua thuốc cho ba nữa”. “Thế đâu có được?”, mẹ có vẻ hơi tức giận. “Ba đồng không phải là tiền à? Hơn nữa đây cũng không chỉ là chuyện mấy đồng tiền. Làm ăn cũng phải coi trọng lương tâm chứ. Chúng ta vất vả đêm hôm mới làm ra được hạt gạo, lại là gạo ngon, sao có thể bán rẻ như vậy được”.

Mẹ phải vất vả bán gạo mỗi ngày để kiếm tiền nuôi chúng tôi (Ảnh: Youtube)

Tôi chẳng dám nói thêm lời nào bởi lẽ tôi cũng hiểu là trồng lúa vất vả như thế nào. Chỉ nói riêng việc mùa hè phải đi tháo nước cũng đã khiến cha tôi đổ bệnh đó hay sao? Em trai tôi cũng mới 11, 12 tuổi mà đã phải vác cuốc ra đồng tháo nước rồi! Rốt cuộc thì đây cũng là kế sinh nhai của cả một gia đình.

Lại có mấy người buôn gạo đến, họ cũng chỉ trả 1 đồng 5 hào, có một, hai người cũng chỉ ra giá 1 đồng 8 hào, chứ không chịu tăng thêm. Mẹ vẫn kiên quyết không chịu bán.

Nhìn người trong chợ đã thưa thớt dần, tôi cũng hơi sốt ruột. Mẹ chắc chắn cũng rất sốt ruột, tôi thầm nghĩ. “Mẹ, mẹ tới gốc cây kia ngồi nghỉ cho mát!”, tôi nói. Mẹ vừa lau mồ hôi, vừa lắc đầu: “Không được, mẹ đi rồi người ta đến mua gạo thì làm thế nào? Con lại không biết trả giá!”. Tôi hơi xấu hổ, đúng là “chẳng làm nên trò trống gì là đám thư sinh” mà. Mặc dù trên trường tôi học giỏi nhưng những chuyện này thì tôi còn kém mẹ xa.

Lại có vài người mua gạo đến, bởi gạo nhà tôi thực sự rất ngon nên mọi người đều đổ xô đến xem. Nhưng không ai chịu trả giá 1 đồng mốt cả. Nhìn thấy mặt trời cao đến đỉnh đầu, bụng tôi cũng đã đói meo. Tôi bèn mang cơm canh ra hai mẹ con cùng ăn.

Mẹ và được hai miếng thì không ăn nữa. Tôi biết rằng mẹ lo lắng gạo không bán đi được, nên trong tâm sốt ruột. Mẹ than: “Còn không biết có bán được nữa không đây”. Nhân cơ hội đó tôi nói: “Hay mình bán rẻ đi một chút mẹ ạ”. Mẹ nói: “Mẹ đã tính rồi”.

Buổi chiều người lại càng thưa thớt hơn, nắng càng oi ả, ai muốn phơi nắng ngoài chợ đâu. Nhìn mẹ mồ hôi ướt đầm, áo dính cả vào lưng, khuôn mặt đen nhẻm thi thoảng còn thấy những vệt da phơi nắng đỏ ửng. “Mẹ, để con bán cho, mẹ ra suối ngâm chân đi”. Mẹ vẫn lắc đầu: “Không được, mẹ bị phong thấp, không ngâm chân dưới nước lạnh được. Con sợ nóng thì trú dưới gốc cây ý”. “Không sao ạ, con không sợ phơi nắng”. “Thế con đi mua kem đi”.

Mẹ nói, rồi rút từ trong túi ra 2 hào lẻ đưa cho tôi. Tôi thích ăn kem nhất, đặc biệt kem nho là loại ngon nhất, mà cũng không đắt, chỉ có hai hào một que.

Nhưng hôm nay đột nhiên tôi lại chẳng muốn ăn: “Mẹ ơi, con không ăn đâu, con uống nước là được rồi”. Lúc trời nắng gay gắt nhất cũng qua đi, chớp mắt đã tan phiên chợ. Những người bán hàng tạp hoá cũng bắt đầu hạ giá. Những người bán rau, bán dưa hấu cũng cất tiếng rao: “Tan chợ rồi, bán rẻ đây!”. Tôi nhìn quanh thấy ngoài chợ cũng chẳng còn mấy người bán gạo nữa, đa số mọi người đều đã bán xong và ra về.

Mẹ tôi cũng bắt đầu sốt ruột, mồ hôi túa ra càng nhiều. Cuối cùng cũng có một người buôn gạo đến hỏi: “Gạo này có bán không? 1 đồng 5 hào, không kỳ kèo!”. Mẹ nói: “Ông xem gạo đi, ngon thế này cơ mà! Lên chợ còn bán được 1 đồng mốt…”. Chưa đợi mẹ nói xong người ấy đã không thể nhẫn nại, nói: “Giờ khác rồi! Muốn bán 1 đồng mốt thì chị gánh về nhà đi!”.

Cuộc sống mưu sinh vất vả không làm mẹ tôi mất đi sự kiên nhẫn (Ảnh: Youtube)

Kỳ lạ là mẹ tôi cũng không tức giận, ngược lại còn mỉm cười đon đả: “Này cậu, một đồng tám hào cậu có mua không?”.

Người đàn ông xì mũi nói: “Giá này của chị, chẳng phải là đầu phiên chợ cũng khó bán, huống chi bây giờ chợ đã tan rồi, ai mua? Đừng có nằm mơ nữa!”. Khuôn mặt của mẹ bỗng chốc trắng bệch ra, đôi môi mấp máy, nhưng không nói gì.

Tôi ngồi kế bên cũng không thể nhẫn nổi mà chen ngang: “Chú không mua thì thôi, ai tiếc? Không mua thì chú đừng đứng ở đây chắn đường nữa!”.

“A! Con bé này, đừng có giận dữ như vậy chứ!”. Người đàn ông cười nhạt: “Giữ chút hơi sức lát còn gánh gạo về!”. Đợi người đó đi khỏi, tôi không thể nhẫn được mà quay sang trách mẹ: “Ban đầu người ta ra giá 1 đồng 8 hào thì mẹ không bán. Giờ thì xong rồi đấy, người ta cũng chẳng muốn mua nữa!”.

Mẹ có vẻ hơi xấu hổ nhưng vẫn không chịu nhận sai: “Thì vốn là thế mà, tiền nào của nấy, gạo thì gạo ngon, sao có thể bán rẻ thế được? Trước khi đi ba cũng dặn dò được giá rồi hãy bán mà?”.

“Mẹ còn nhắc đến ba nữa! Ba đang ốm nằm ở nhà, chỉ mong có số tiền này đổi lấy thuốc chữa bệnh! Con người quan trọng hơn hay tiền quan trọng hơn?”.

Mẹ dường như không biết nói gì, một lát sau mới hạ thấp giọng tiếp lời: “Lát nữa nếu có ai mua 1 đồng 5 hào thì cũng bán vậy”. Nhưng không còn ai đến mua gạo nữa, lái buôn cũng đều cho gạo lên thùng và đi mất.

Tan chợ, tôi và mẹ phơi nắng cả một ngày trời mà một hạt gạo cũng không bán được. “Mẹ ơi, về thôi, đừng ngẩn ngơ ở đây nữa mẹ”.

Tôi vừa giục giã vừa dọn chiếc khăn bông, siêu nước, hộp cơm. Mẹ tần ngần mãi, cuối cùng cũng đứng lên. “Mẹ, để con gánh gánh nặng cho”. “Con còn học sinh, vai yếu…”. Không đợi mẹ nói xong, tôi đã gánh gánh nặng lên. Mẹ cũng không nói gì, gánh gánh nhẹ đi phía sau tôi, bước tấp tểnh trên con đường về nhà. Gánh nặng trên vai dường như oằn xuống, tôi cảm thấy như có cả một ngọn núi đè lên vai mình. Đột nhiên tôi trượt chân, suýt chút nữa thì ngã nhào.

Tôi vội vàng dồn hết sức lực vào đôi chân. Phải khó khăn lắm tôi mới có thể đứng vững, nhưng gánh gạo trên vai đã bị lệch và rất nhiều gạo sóng ra ngoài vãi tung toé dưới đất.

“Ôi, làm cái gì thế?”. Mẹ cũng buông gánh gạo xuống chạy tới, miệng nói: “Mẹ đã bảo con đừng gánh gánh nặng mà, con lại cứ không nghe. Sóng hết cả gạo ra thế này! Xót cả ruột! Đúng là quân ăn hại!”.

“Quân ăn hại” là câu cửa miệng của mẹ. Tôi và em trai mà làm việc gì xấu mẹ cũng thường quở trách chúng tôi như vậy. Nhưng hôm nay tôi thấy vô cùng ấm ức, cũng không biết tại sao lại vậy.

“Con ở đây đợi, mẹ về nhà lấy cái sàng hớt gạo về sàng. Thấy lãng phí mà xót cả ruột! Mang về cho gà ăn cũng được!”. Mẹ cũng không hỏi xem tôi có bị trẹo chân không, mà chỉ xót mấy hạt gạo vãi xuống đất. Tôi biết tính mẹ, mẹ xưa nay vẫn vậy “ác khẩu nhưng mềm lòng”. Dù cũng xót tôi, nhưng mẹ cứ nhất quyết phải mắng tôi vài câu trước đã.

Với tôi, mẹ là người phụ nữ giỏi nhất (Ảnh: Youtube)

Nghĩ tới đây, tôi cũng không thấy ấm ức nữa. “Mẹ ơi, mẹ về nhà thì cả đi cả về cũng phải 6, 7 dặm (chừng 10-12 km) nữa. Giờ cũng không còn sớm gì nữa”, tôi nói. “Thế thì chỗ gạo này làm thế nào?”, mẹ ngẩn người.

Tôi nhanh trí, lấy cái mũ lá trên đầu xuống: “Đựng vào đây ạ”. Mẹ mỉm cười: “Đúng là đầu óc nhanh nhạy, học sinh lanh trí có khác”. Nói rồi hai mẹ con lom khom dùng tay hớt gạo trên mặt đất cho vào trong mũ, sau đó đặt lên trên chiếc thúng gạo và tiếp tục gánh gạo tất tả về nhà.

Về tới nhà thì cậu em trai cũng đã về tới nơi. Mẹ lại bận rộn cơm cơm nước nước. Tôi vào nhà kể với ba hành trình bán gạo của hai mẹ con. Ba nghe rồi cũng không trách móc gì mẹ, chỉ nói: “Những người buôn gạo kia cũng ác quá. Trên thành phố đều bán 1 đồng rưỡi, mà lại ép giá người ta thấp thế! Đúng là cướp mồ hôi công sức của nông dân mà. Thật vô lương tâm!”.

Tôi nói: “Ba ơi, không có tiền mua thuốc cho ba, giờ làm thế nào?”. Ba nói: “Ba vốn cũng không cần phải mua thuốc mà, vài ba hôm là khỏi, mất tiền oan làm gì!”.

Buổi tối hôm ấy ba ho dữ dội. Mẹ nói với tôi: “Quỳnh Bảo này, mai là phiên chợ ngược, mẹ con mình chịu khó vất vả một chút, mang gạo đến đó bán, lấy tiền mua thuốc cho ba”. “Phiên chợ ngược ạ? Xa lắm, mười mấy dặm (gần hai chục km) lận!”. Tôi nghĩ đến chặng đường núi dài bất tận ấy mà so vai rụt cổ. “Mai hai mẹ con gánh ít gạo thôi. Mỗi người gánh 50 cân là được rồi”, ba nói.

“Thế thì mai không được để như hôm nay không bán rồi lại gánh về đâu nhé!”. Tôi nói: “Mười mấy dặm đường lại còn gồng gánh nữa, không phải chuyện đùa đâu ạ!”.

“Không đâu, không đâu”, mẹ nói. “Ngày mai 1 đồng 8 hào hay 1 đồng 5 hào cũng được. Tóm lại là bán hết!”. Trong lời mẹ nói có biết bao cay đắng và bất lực. Tôi cảm nhận được nhưng chẳng biết phải an ủi mẹ thế nào. Tôi cũng rất buồn, chỉ muốn khóc. Tôi nghĩ đừng để mẹ nhìn thấy, muốn khóc thì chùm chăn vào mà khóc. Nhưng quả thực tôi cũng đã thấm mệt nên vừa tựa vào gối đã ngủ mất, ngủ một giấc vừa nồng vừa say.

Tôi thấm mệt và thiếp đi trong niềm thương mẹ vất vả (Ảnh: Youtube)

Bài viết không dài nhưng đọc xong trong lòng không khỏi xót xa, cứ cảm thấy như có một thứ gì đó nghèn nghẹn trong tim

“Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Với họ từng hạt gạo đều rất đáng quý, đều không dễ dàng mà có được. Đó cũng là sức mạnh để họ duy trì sự sống.

Những người chưa từng trải qua chuyện này làm sao có thể hiểu được cảm giác ấy? Khó có thể tưởng tượng được rằng lại có những người chỉ vì cơm ăn áo mặc mà phải dốc hết toàn bộ sức mình.

Còn nhớ câu chuyện một đứa trẻ khi trông thấy người ăn xin rách rưới, lem luốc bên đường, cậu bé đã ngước mắt hỏi cha mình: “Cha ơi, ai kia?”.

Người cha nhìn cậu con trai bé bỏng âu yếm trả lời: “Đó là hình ảnh của chúng ta khi sa cơ lỡ vận”.

Xưa có câu: “Sông có khúc, người có lúc”, hay như câu: “Dù cho giàu có đến đâu, cũng như nước chảy qua cầu tràn đi”. Nhân tình thế thái lúc thịnh lúc suy nào ai biết trước ngày sau sẽ ra sao.

Có những người đời này kiếp này phận bạc phúc mỏng nên kiếm miếng cơm ăn cũng khó nhọc. Cũng có người “thấy người sang bắt quàng làm họ”, thấy người nghèo khổ lại chỉ muốn tránh xa. Nhưng lỡ một mai khi sa cơ lỡ vận chúng ta lại lâm vào cảnh ngộ của họ thì sao?

Những kẻ “đục nước béo cò”, nhân khi người khác yếu thế mà lấn lướt, chèn ép thì phúc đức cũng sớm tiêu tan. Chi bằng có cuộc sống ấm no không quên người nghèo khó, giúp người cũng là tích đức cho mình và con cháu về sau.

Theo Soundofhope
Minh Nguyệt biên dịch