Khi vua Nghiêu mới lên ngôi, thời gian đầu thiên hạ đói khổ, nhiều người không có ăn phải đi ăn trộm, người không có quần áo phải sống trong hang, thiên tai hạn hán, mất mùa xảy ra thường xuyên. Nhưng sau một thời gian, vua Nghiêu đã trị vì thiên hạ thái bình, ngoài đường không nhặt của rơi, đêm ngủ không phải đóng cửa.
Khổng Tử viết trong sách Luận Ngữ, ca ngợi Đế Nghiêu: “Làm vua như Nghiêu thật là vĩ đại thay, thật là cao quý thay! Chỉ có trời là cao lớn nhất, cũng chỉ có Nghiêu là người biết dựa vào đạo trời. Công đức của Nghiêu to lớn không cùng, dân chúng không thể ca ngợi cho xiết. Công lao của Nghiêu vô cùng vĩ đại. Chế độ lễ nhạc do Nghiêu đặt ra vô cùng sáng tỏ, chiếu tỏa hào quang khắp mọi nơi”.
Đằng sau thành công sáng ngời thiên cổ của vua Nghiêu có công lao to lớn của một người ẩn cư trong núi, người mà vua Nghiêu sau rất nhiều năm tìm kiếm bái phỏng đã gặp được và bái làm thầy. Quả đúng là “minh sư như đèn sáng”, ngọn đèn sáng đã dẫn dắt vua Nghiêu trở thành bậc Thánh đế lại là người sống trong mái nhà cỏ trong núi sâu, chẳng bước chân xuống núi.
Sách Hán Thư viết: “Doãn Thọ là thầy vua Nghiêu”. Sách Trinh Quán Chính Yếu cũng viết về Đường Thái Tông xuống chiếu, yêu cầu tôn sư trọng giáo, đặc biệt đã chỉ rõ: “Hoàng Đế học Đại Điên, Chuyên Húc học Lục Đồ, Nghiêu học Doãn Thọ, Thuấn học Vụ Thành Chiêu… Các bậc Thánh vương xưa, nếu không gặp những bậc đại sư như thế này thì đại nghiệp cũng chẳng thể vang danh thiên hạ, danh tiếng cũng chẳng thể lưu truyền sử sách… Nếu chẳng học thì không sáng tỏ được đạo xưa, mà lại có thể cai quản khiến cho thiên hạ thái bình thì chưa từng có người như vậy”.
Vua Nghiêu trị vì muôn dân thiên hạ, khiến cho khắp cõi thành bình, cất nhắc hiền tài, bổ nhiệm người tài, có thể nói, nhân tài đông đúc. Nhưng ông vẫn sợ bỏ sót nhân tài, vẫn thường xuyên vào núi sâu rừng già tìm kiếm, thăm hỏi, cầu hiền vấn Đạo.
Một lần vua Nghiêu tìm đến núi Vương Ốc, nghe thấy tiếng đọc sách từ trong rừng vọng ra. Lần theo âm thanh đến, ông thấy một căn nhà cỏ ba gian, một đứa trẻ đang đọc sách. Vua Nghiêu thấy sách mà đứa trẻ đang đọc là một bộ kinh điển thuyết giảng về đạo đức, bèn hỏi: “Cháu còn nhỏ tuổi mà cũng đọc được sách cao thâm như thế này à?”.
Đứa trẻ đáp: “Cháu ban đầu cũng không hiểu lắm, sau khi được sư phụ giảng giải thì đã hiểu rõ rồi ạ”.
Vua Nghiêu nói: “Sư phụ của cháu họ tên là gì? Có ở đây không?”.
Đứa bé đáp: “Sư phụ cháu họ Doãn, tên là Thọ, đi hái thuốc chưa về”.
Vua Nghiêu hỏi: “Khi nào trở về?”.
Đứa trẻ đáp: “Rất khó nói, hoặc là một tháng, hoặc là mười mấy ngày”.
Vua Nghiêu thấy trong nhà ba phía chứa đầy sách, đại đa số là sách luận về đạo đức, còn có các sách thiên văn, chiêm tinh, bói toán… Ông nghĩ thầm, Doãn Thọ ắt là ẩn sỹ cao nhân.
Sáng hôm sau, vua Nghiêu bảo tùy tùng chuẩn bị lễ vật, lại đến nhà Doãn Thọ thăm, thấy Doãn Thọ vẫn chưa về. Thấy đứa trẻ vẫn ở đó đọc sách, ông nói với nó rằng: “Trẫm thăm sư phụ của cháu mà chưa được gặp. Hiện giờ do việc gấp, ta phải trở về kinh thành, có chút lễ vật mọn này, nhờ cháu chuyển tới sư phụ cháu. Mùa xuân năm tới, ta lại đến yết kiến”.
Đứa trẻ nói: “Hôm qua cháu đã nghe hàng xóm nói ông là Đương kim Thiên tử, sư phụ cháu xưa nay rất hiếm qua lại với người phú quý, những thứ này cháu không nhận thay được, sợ sư phụ sẽ trách phạt. Ông nói sang năm ông lại đến, sao chẳng tự mình đem đến, bây giờ mời ông về đi”.
Vua Nghiêu đành phải thu lại lễ vật. Tùy tùng nói, đứa trẻ này vô lễ. Vua Nghiêu nói: “Trẫm lại thích sự ngây thơ của nó, nó không biết đến hai chữ ‘danh lợi’ của thế gian, quả không hổ danh đệ tử của ẩn sỹ cao nhân”.
Sau khi hồi kinh, vua Nghiêu nói với quần thần về Doãn Thọ. Hai anh em Hòa Trọng và Hòa Thúc là Lịch quan, nói Doãn Thọ thực sự là bậc thượng sỹ đạo cao, trước đây muốn tiến cử ông ấy, nhưng ông ấy ẩn cư quyết chẳng ra làm quan, do đó đã không tiến cử nữa.
Vua Nghiêu nói: “Trẫm nghĩ, các Thánh đế xưa nay đều cầu học các bậc đại Thánh, như Hoàng Đế học Đại Điên, Chuyên Húc học Lục Đồ, Hoàng Khảo học Xích Tùng Tử. Doãn tiên sinh đạo đức cao siêu, lại ẩn cư núi cao chẳng muốn xuống núi, trẫm sẽ bái tiên sinh làm thầy, đích thân đến thụ giáo. Hai khanh thụ mệnh trẫm đến đó giới thiệu trước, trẫm sẽ đến yết kiến sau”.
Chớp mắt là đông qua xuân về, vua Nghiêu chọn ngày lên đường, cùng anh em Hòa Trọng đến núi Vương Ốc. Từ xa đã thấy ngôi nhà tranh của Doãn Thọ, vua Nghiêu liền dừng xe lại, cùng hai người từ từ đi bộ. Đến bên nhà tranh, chỉ thấy đứa trẻ vẫn ở đó đọc sách. Vua Nghiêu bèn hỏi: “Sư phụ đâu?”.
Đứa trẻ vội chạy vào bẩm báo. Một lát, Doãn Thọ bước ra cảm ơn vua Nghiêu rằng: “Năm ngoái bệ hạ nhọc sức ngự giá mấy lần chiếu cố, đúng lúc thảo dân ra ngoài, không nghênh đón được bệ hạ, thực vô cùng có lỗi. Sau lại được anh em họ Hòa chuyển đạt ý bệ hạ, thảo dân vô cùng lo sợ. Việc các Thánh vương quay mặt hướng bắc bái sư học đạo, thời cổ xưa quả thực là có, nhưng những bậc làm thầy đó đều là người mà đạo đức và học vấn đều vô cùng trác việt. Còn thảo dân là kẻ thất phu nơi hoang dã như thế này, kiến thức nông cạn, tri thức chẳng có gì, đâu dám làm ‘Thầy của Đế vương’”.
Vua Nghiêu nói: “Đệ tử tầm sư đã lâu, vô cùng ngưỡng mộ tiên sinh, hôm nay đệ tử đến làm lễ bái sư, xin sư phụ đừng từ chối”.
Nói rồi, vua Nghiêu bước xuống dưới, quỳ xuống bái lạy. Doãn Thọ vội vàng đáp lễ. Hòa Trọng đem lễ vật bái sư dâng lên, Doãn Thọ vẫn muốn từ chối. Hòa trọng nói: “Hoàng thượng một lòng chân thành tột bậc, trai giới tắm gội rồi mới đến, xin tiên sinh chớ chối từ nữa”. Doãn Thọ mới đồng ý nhận lời.
Doãn Thọ mời vua Nghiêu và hai anh em Hòa Trọng ngồi xuống, mọi người đàm đạo, nói cả nửa ngày. Doãn Thọ giảng đạo đức và đạo lý trong thiên hạ, vua Nghiêu nghe vô cùng khâm phục. Vua Nghiêu nói: “Đệ tử muốn tìm một vị Thánh nhân để nhường ngôi, cũng muốn tìm mấy người hiền tài để phò tá”.
Doãn Thọ nói: “Theo đức sáng khiêm nhường của vua như thế này, thì đương nhiên sẽ có Thánh nhân xuất hiện, có thể toại nguyện chí vua, thành tựu đức vua, đồng thời có thể làm tấm gương ‘Thiên hạ vi công’ (thiên hạ là của chung mọi người). Nhưng lúc này vẫn chưa đến lúc. Nói đến các bậc đại hiền tài trong thiên hạ, như Hứa Do đứng ắt ở vị trí chủ, chiếu nghiêng ắt không ngồi, cỗ không đúng lễ ắt không ăn, cả đời hành sự đều theo nghĩa. Thiện Quyển học thức uyên bác, trọng nghĩa khinh lợi. Còn có Sào Phụ, Tử Châu Chi Phụ, Y Bồ Tử, Bị Y, Phương Hồi… đều là những bậc cao nhân đạo đức chân chính. Họ ẩn cư trong núi, không màng cái lợi thế tục”.
Sau này, vua Nghiêu lần lượt đi tìm bái kiến tất cả những cao nhân đạo cao này.
Vua Nghiêu ở trong núi Vương Ốc 10 ngày, Doãn Thọ mỗi ngày đều giảng cho vua những kinh điển đạo đức liên quan. Đến đêm, lại cùng vua xem thiên tượng, giảng thuật đạo lý và dự đoán thiên văn, tinh tượng… Từ đó trở đi, vua Nghiêu khi chính sự rảnh rỗi, lại đến nơi ở của Doãn Thọ học. Vua vô cùng cung kính đối với thầy của mình, để Doãn Thọ ngồi vị trí chủ, vua đứng bên dưới, hướng mặt về phương bắc làm lễ xin thầy dạy bảo.
Doãn Thọ nhiều lần giảng thuật đạo đức nhân nghĩa và đạo thanh tĩnh vô vi cho vua. Vua Nghiêu thực hành nền chính trị nhân đức, người dân được yên vui, trị vì thuận theo Trời, đại Đạo được hiển dương sáng tỏ. Vua đặt ra pháp luật, nghiêm cấm lừa dối. Vua đặt trống can gián, để bách tính trong thiên hạ được nói hết những gì muốn nói. Vua đặt gỗ phỉ báng, khuyến khích nhân dân bách tính phê bình những lỗi lầm của vua. Vua sáng suốt xét chọn người, sử dụng người hiền tài. Vua nhân từ yêu thương dân, quan tâm chăm lo cho nhân dân bách tính từng li từng tí. Vua đã làm được “cửu tộc ký mục” (chín nhóm sắc tộc đều hòa thuận), và “hiệp hòa vạn bang” (hiệp thương, hòa thuận vạn bang), quả xứng danh là mẫu mực trị vì trong lịch sử.
Sử ký viết: “Vua Nghiêu phẩm chất và tài năng đều phi phàm, tuyệt luân, vua nhân đức như Trời, trí tuệ như Thần, lại gần thì sáng như mặt trời, đứng xa trông như là mây. Tinh thần tôn thờ đạo đức, khiêm tốn vô vi, tôn sư trọng đạo của vua cũng là tấm gương sáng cho người đời sau noi theo”.
Theo Minghui.org
Nam Phương