Khải Huyền là cuốn sách cuối cùng trong Kinh Thánh, là dự ngôn chuẩn xác nhất và cũng toàn vẹn nhất về lịch sử nhân loại. Khải Huyền nổi tiếng với những lời tiên tri về ngày tàn của thế giới, về cuộc đại thẩm phán, về Thiên Chúa và sự phục sinh, v.v. Đây là cuốn Thiên thư vĩ đại ẩn chứa nhiều huyền cơ mà trong lịch sử chưa có ai giải khai được trọn vẹn.

Những gì chúng ta biết và chiêm nghiệm từ Khải Huyền, dường như mãi mãi chỉ là lời suy đoán nông cạn của kẻ phàm nhân khi đứng trước những Thần dụ quá đỗi thâm sâu và huyền ảo. Vậy nên trong loạt bài dài kỳ này, người viết không tham vọng có thể giải mã Khải Huyền, mà chỉ mong muốn đóng góp một góc nhìn nhỏ bé, để mỗi chúng ta khi đọc lại Khải Huyền sẽ cùng suy ngẫm về thời khắc đặc biệt của lịch sử hôm nay. Bởi ‘trí tuệ không ở nơi người viết mà thuộc về độc giả’, rất mong sớm nhận được ý kiến vàng ngọc từ các bạn hữu xa gần.

Kỳ 2: Cuộn sách với bảy phong ấn

Trong những ngày lưu đày trên đảo Patmos, Thánh John tông đồ đã được Thần lĩnh lên Thiên quốc và tiếp nhận mặc khải của Đức Chúa Trời. Tại đây, ông được thấy cuộn sách niêm phong bằng bảy ấn mà không một vị Thần nào có thể mở ra.

Vậy, cuộn sách ấy là gì và vì sao lại đặc biệt đến thế?

Trước hết, chúng ta hãy cùng xem lại bối cảnh như được mô tả trong Khải Huyền:

Thánh John lên Thiên quốc

Sau đó tôi nhìn, và kìa, một cánh cửa trên trời mở ra, và tiếng tôi đã nghe trước đây có âm vang như tiếng kèn nói với tôi, “Hãy lên đây, Ta sẽ chỉ cho ngươi những điều sẽ xảy ra sau các việc ấy”. (4:1)

Lập tức tôi được ở trong Ðức Thánh Linh, và kìa, trên trời có một cái ngai, trên ngai có một Ðấng đang ngồi. Ðấng đang ngồi ấy trông giống như lục bửu ngọc và hồng bảo ngọc; bao quanh ngai có một cầu vồng trông giống như lam bích ngọc. Chung quanh ngai có hai mươi bốn ngai khác; trên các ngai ấy tôi thấy hai mươi bốn vị trưởng lão đang ngồi, mình mặc y phục trắng, và đầu đội mão bằng vàng. (4:2-4)

Và kìa, trên trời có một cái ngai, trên ngai có một Ðấng đang ngồi… (Ảnh: Chanhkien.org)

Cuộn sách bảy phong ấn

Bấy giờ tôi thấy trên tay phải của Ðấng ngự trên ngai một cuộn sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài, và được niêm phong bằng bảy ấn. Tôi lại thấy một vị thiên sứ mạnh mẽ tuyên bố lớn tiếng, “Ai xứng đáng để mở cuộn sách và tháo gỡ các ấn của nó?”. Nhưng không ai trên trời, dưới đất, hoặc trong lòng đất có thể mở cuộn sách ấy, hoặc nhìn vào đó. (5:1-3)

Chiên Con mở phong ấn

Kế đó tôi thấy một Chiên Con dường như đã bị giết đứng ở giữa ngai và bốn Sinh Vật và các vị trưởng lão. (…) Chiên Con ấy đến lấy cuộn sách từ tay phải của Ðấng ngự trên ngai. (5:6-7)

Khi Chiên Con nhận lấy cuộn sách, bốn Sinh Vật và hai mươi bốn vị trưởng lão sấp mình xuống trước mặt Chiên Con; mỗi vị có một cây đàn và một bát bằng vàng đựng đầy hương, đó là những lời cầu nguyện của các thánh đồ. Họ cùng nhau hát một bài thánh ca mới rằng: (5:8)

“Ngài thật xứng đáng để lấy cuộn sách và mở các ấn nó ra,
Vì Ngài đã bị giết và đã dùng huyết mình mua chuộc cho Ðức Chúa Trời những người từ mọi bộ lạc, mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc, và mọi quốc gia.
Ngài đã làm cho họ thành một vương quốc và những tư tế phụng sự Ðức Chúa Trời chúng ta, và họ sẽ trị vì trên đất.” (5:9-10)

Kế đó tôi thấy và nghe tiếng của vô số thiên sứ, hàng vạn của hàng vạn và hàng ngàn của hàng ngàn vị đang quây quần quanh ngai, hiệp với các Sinh Vật và các vị trưởng lão cất tiếng lớn tung hô rằng, (5:11)

“Chiên Con đã bị giết thật xứng đáng để nhận lấy quyền năng, giàu sang, khôn ngoan, sức mạnh, tôn kính, vinh hiển, và chúc tụng.” (5:12)

Chiên Con đến lấy cuộn sách từ tay phải của Ðấng ngự trên ngai… (Ảnh: Wikipedia)

Như vậy, cuộn sách bảy phong ấn không chỉ là thiên thư của con người trần thế, mà cũng là thiên thư của các vị Thần trên thượng giới; không chỉ là chỗ mê của chúng sinh, mà còn là huyền cơ bí ẩn của các sinh mệnh trên cao tầng. Trên khắp cùng trời cuối đất, không một vị Thần nào có thể khai mở, không phải bởi thần lực hay ngôi vị của họ cao thấp ra sao, mà là vì uy đức của họ chưa đủ.

Do đó, chỉ duy nhất Chiên Con – cũng chính là Chúa Jesus – Ngài đã hạ xuống nhân gian, dùng chính mạng sống và máu của mình để chuộc tội cho thế nhân, mới có đủ uy đức cao nhường ấy, và mới thật sự xứng đáng mở cuộn sách này. Điều ấy nói lên rằng, chỉ có uy đức của những vị Giác Giả đến thế gian cứu độ chúng sinh mới có thể mở được phong ấn.

Vậy thì, bên trong cuộn sách ấy có điều gì đặc biệt?

Khải Huyền viết rằng, sau khi nhận lấy cuộn sách, Chiên Con đã lần lượt mở từng phong ấn. Sau đó các cảnh tượng từ quá khứ đến vị lai lần lượt triển hiện trước mặt Thánh John, để ông có thể ghi chép lại trong Khải Huyền mà khải ngộ cho hậu thế. Những cảnh tượng này được mô tả trải dài từ chương 6 cho đến chương 22, cũng chính là chương cuối cùng.

Những điều mà Thánh John nhìn thấy được ông kể lại bằng lời văn vừa giản dị, lại vừa sinh động như một thước phim 3D quay chậm theo từng phân cảnh. Ông nhìn thấy Con Rồng Đỏ, là quỷ Satan và cũng chính là con rắn năm xưa từng dụ dỗ Eva trong vườn Địa Đàng, bị ném xuống địa cầu rồi gây hoạ loạn tại nhân gian.

Ông lại nhìn thấy các Con Thú được Con Rồng ban cho quyền phép và ngai vàng để mê hoặc và bức hại thế nhân. Ông cũng nhìn thấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đang giáng xuống, cả Con Rồng, Con Thú, và những kẻ ác nhân đều nhận sự trừng phạt, trong khi các thánh đồ và những ai không mang Dấu Con Thú sẽ được cứu rỗi và tiến về tương lai… Mặc dù giản dị dễ hiểu là vậy, nhưng nội hàm đằng sau đó lại quá đỗi uyên thâm huyền ảo, suốt 2000 năm qua vẫn mãi là ẩn đố cho chúng sinh.

Điều đáng nói là, khi xâu chuỗi các sự kiện và xem xét theo trình tự thời gian, ta lại thấy một sợi dây liên kết vô hình. (Ảnh: pinterest.com)

Nhưng điều đáng nói là, khi xâu chuỗi các sự kiện và xem xét theo trình tự thời gian – là trình tự thời gian của sự kiện, chứ không phải trình tự mô tả trong Khải Huyền – ta lại thấy một sợi dây liên kết vô hình. Sợi dây ấy nối liền Cựu Ước với Tân Ước, bắt đầu từ thời buổi sơ khai khi Thiên Chúa sáng thế cho đến thời khắc tối hậu của nhân loại – đó là khi con người phải đối mặt với cuộc phán xét cuối cùng, rồi “trời cũ đất cũ” kết thúc, và một “trời mới đất mới” mở ra, nhân loại tiến nhập vào sự huy hoàng của tân thiên – tân địa – tân nhân (chi tiết này viết trong Khải Huyền chương 21).

Chúng ta biết rằng, Kinh Thánh bao gồm Cựu Ước (viết trước khi Chúa Jesus giáng thế) và Tân Ước (do các môn đồ của Chúa Jesus viết ra), mở đầu bằng cuốn Sáng Thế trong Cựu Ước và kết thúc bằng Khải Huyền trong Tân Ước. Sách Sáng Thế kể về khởi nguồn của vũ trụ và nhân loại, rồi lại kể về nguyên nhân khiến loài người sa ngã (câu chuyện con rắn dụ dỗ Eva ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng).

Các cuốn sách tiếp theo kể về lịch sử của nhân loại, từ sự sinh sôi nảy nở của con cháu Adam và Eva, đến giao ước giữa con người và Thiên Chúa, cho đến khi Chúa Jesus chuộc tội cho nhân loại bằng cái chết trên thập tự giá. Cuối cùng đến Khải Huyền, con rắn từ thời sáng thế lại xuất hiện trở lại, nay đã trở thành thứ ma quỷ làm khuynh đảo nhân gian, khiến những người bị nó mê hoặc sẽ cùng chịu sự trừng phạt trong cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Và sau cuộc thưởng phạt trong đại thẩm phán, kỷ nguyên mới của tân thiên, tân địa sẽ bắt đầu.

Như vậy, Khải Huyền là sự kết thúc trọn vẹn của toàn bộ Kinh Thánh, cũng là lời tiên tri mà không một cuốn sách nào trước đó đề cập đến. Lời tiên tri ấy cho thấy kết cục không chỉ của nhân loại, mà còn là của chúng sinh toàn vũ trụ thời mạt kiếp. Vì đó là huyền cơ liên quan đến vận mệnh của chúng sinh toàn vũ trụ, cho nên mới cần phải niêm phong bằng bảy ấn, do đó mới có chi tiết không một vị Thần nào trên khắp cùng trời cuối đất mở được cuộn sách này.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Vậy thì hãy quay trở lại câu hỏi ban đầu: Cuộn sách bảy phong ấn có điều gì đặc biệt? Phải chăng đó chính là an bài cho đại sự tối hậu của toàn thể thiên khung, khi hết thảy chúng sinh phải đối mặt với kiếp nạn trước khi “trời cũ đất cũ” giải thể, và một “trời mới đất mới” sẽ ra đời? Và vì an bài của Chúa trực tiếp liên hệ đến nhân gian, nên trong Khải Huyền ta có thể tìm thấy tất cả các pháp lý ước chế con người, như ‘binh chinh thiên hạ’, ‘vương giả trị quốc’, ‘sinh lão bệnh tử’, hay ‘lương tâm là cán cân công lý’.

Và cũng vì đó là an bài – một an bài đặc biệt quán xuyến hết thảy, từ buổi hồng hoang sơ khai cho đến thời mạt kiếp – nên cuộn sách mới được niêm phong bằng bảy ấn, mỗi phong ấn lại niêm phong một bộ phận khác nhau của cuộn sách, do đó bí mật này không được vị Thần nào biết đến.

Khải Huyền không phải là cuộn sách bảy phong ấn, nhưng là một phần bí mật của cuộn sách bảy phong ấn mà Thánh John được phép nhìn thấy rồi viết ra để mặc khải cho nhân loại. Vậy nên, Khải Huyền dẫu chỉ gói gọn trong 22 chương mà chưa đến 1 giờ là có thể đọc xong trọn vẹn, lại có thể cất giữ mọi huyền cơ. Đọc Thánh Kinh mà bỏ qua Khải Huyền, thì cũng giống như chỉ nhìn thấy quá khứ mà không thấy vị lai; đọc Khải Huyền mà bỏ qua cuộn sách bảy phong ấn, thì cũng giống như chỉ thấy cánh cửa mà không thể mở khoá tiến vào bên trong vậy.

Tâm Minh