Ashoka Đại Đế là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nhân loại chủ trương “tự thắng mình hơn chiến thắng người khác”, ý niệm này đã biến ông từ một con người cực ác thành một con người cực thiện và mở ra biết bao viễn cảnh an lạc trong cuộc đời. Ông cũng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử quyết định “dùng Pháp âm thay cho tiếng trống trận”…

Truyền thuyết kể rằng, trên đường du hóa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã gặp một cậu bé con nhà quyền quý đang ngồi giữa đường nhồi đất sét nặn giả làm thành trì sông núi. Cậu bé đem dâng cúng tất cả thành trì này cho đức Phật bằng cách bỏ hết vào chiếc bình bát của Ngài và phát nguyện sau này sẽ được thống trị muôn dân.

Đức Phật tiếp nhận lời nguyện ước, và báo trước rằng sau này cậu sẽ trở thành một vị vua ở thành Hoa Thị (Pataliputra) và là một ông vua tích cực hộ trì Phật Pháp. Kỳ diệu thay, hai trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, cậu bé cúng dường đất sét năm xưa ấy đã tái sinh thành Hoàng tử, rồi trở thành Vua A Dục – người về sau đã chinh phục đế chế bằng chính sách ‘bàn tay sắt đẫm máu’, cuối cùng trở thành đại đế của vương quốc Ấn Độ cổ rộng lớn. Người đã từng được miêu tả như là “A Dục bạo chúa” (Chandashoka), và cũng là một “A Dục sùng đạo” (Dharmashoka).

Hoàng Đế A Dục, là vị vua thứ ba của triều đại Mauryan, Ấn Độ. Ông sinh năm 304 trước Công Nguyên (TCN) tại thành Hoa Thị, kinh đô Ma Kiệt Đà, ông vốn là con cháu 9 đời của Vua Tần Bà Sa La. Vua A Dục lên ngôi năm 269 TCN khi ông tròn 35 tuổi, trị vì được 38 năm và băng hà vào năm 232 TCN, thọ thế 73 tuổi. A Dục Đại Đế (A-sho-ka) được xem là ông vua vĩ đại nhất của vương quốc Ấn Độ cổ, và là vị hoàng đế đầu tiên đã cai trị một đế chế rộng lớn trong khoảng thời gian lâu dài: từ 273 đến 232 TCN.

Từ một đấng quân vương khét tiếng bạo tàn

A Dục Vương tính tình nóng nảy và bạo tàn đến nỗi từng giết sạch những vị đại thần và thân quyến trước khi lên ngôi.

Sau khi lên ngôi, vua A Dục đã phát động những cuộc xâm lăng và mở rộng bờ cõi của mình liên tiếp trong tám năm ròng, để rồi sở hữu một đế quốc với phạm vi vô cùng rộng lớn từ Ấn Độ ngày nay trải dài đến Pakistan, Bangladesh, Afghanistan và Iran.

Cố nhiên, hệ quả của những đợt chinh phạt này là các cuộc chiến tranh, chết chóc đẫm máu. Cuộc chiến cuối cùng do Vua A Dục cầm quân đã diễn ra tại Kalinga, nằm trên bờ biển phía đông Ấn Độ (ngày nay là Orissa). Kết cục là quân Asoka chiến thắng, Kalinga thất thủ và bị tiêu diệt.

Hệ quả của những đợt chinh phạt của vua A Dục là các cuộc chiến tranh, chết chóc đẫm máu. (Ảnh minh họa: preceden.com)

Sau trận chiến khoảng 10 ngàn quân của A Dục Vương thiệt mạng nhưng có đến 100.000 người phía Kalinga đã bị giết một cách dã man cùng với đó là 150.000 người bị bắt làm tù binh.

Truyền thuyết kể lại rằng trong thời gian tại vị, A Dục Vương từng cho người xây một khu vườn lớn gọi là: “Ái Lạc viên”, thực ra đó là một “Địa ngục trần gian”, bên ngoài trang trí cực kỳ đẹp đẽ với ao sen, hòn non bộ, và đủ thứ kỳ hoa dị thảo, để cho dân tình mặc sức đến đó mà thưởng thức giải trí. Phía trong Ái Lạc viên lại có non đao rừng kiếm, lò lửa vạc dầu, và đủ các món khí cụ để hành hình con người một cách ghê gớm. Hễ người nào đi lạc vào bên trong vườn Ái Lạc thì kẻ đó lập tức sẽ bị ngục tốt bắt giam và hành hình. Những thế nữ ở trong cung mà cãi cọ, xung đột với nhau, cũng bị bắt đem vào cho chủ ngục hành quyết. Thật là một thảm trạng thống khổ của nhân gian lời lẽ không thể nào kể xiết.

Rồi một ngày nọ có một vị Tỳ kheo, nhân đi khất thực nơi thành Hoa Thị, vì không thông thạo đường xá nên mới bị lạc vào “Ái Lạc viên”. Nhìn thấy cảnh tượng bên ngoài thì tốt đẹp lạ lùng, còn phía trong quả là một chốn địa ngục, Tỳ kheo hoảng kinh, toan kiếm đường trở ra, ai ngờ bị ngục tốt đón bắt lại. Vị Tỳ kheo van nài mà bọn ấy không dung thứ, nên thầy bèn òa khóc. Chủ ngục thấy vậy liền hỏi:

– Thầy là người tu hành, sao mà sợ chết đến nỗi khóc như con nít vậy?

Vị Tỳ kheo đáp:

– Tôi chẳng phải sợ chết mà khóc, chỉ vì tâm nguyện tu hành chưa thỏa nên mới bi ai đến vậy.

Chủ ngục lại hỏi:

– Tâm nguyện tu hành thế nào, ngươi nói cho ta nghe thử?

– Vị Tỳ kheo đáp:

– Số là tôi mới xuất gia, chưa chứng đặng đạo quả. Tôi nghĩ lại thân người khó đặng, Phật pháp khó gặp, nay rủi sa vào chỗ ác địa này, thế nào cũng phải hủy bỏ thân mạng, thì còn đâu mà tu học nữa, mà không tu học thì còn biết cơ hội nào để đạt được giải thoát và giác ngộ, do vậy mà tôi mới khóc, chứ tôi nào có sợ chết.

Vị Tỳ kheo nói rồi, mới khẩn cầu với chủ ngục xin ông ta cho mình được sống sót trong bảy ngày, rồi sẽ hành hình sau đó cũng không muộn. Chủ ngục thấy người tu hành khẩn thiết van nài cũng động tâm, bèn y đó mà đình lại bảy ngày mới toan hạ thủ.

Vị Tỳ kheo bị lạc vào “Ái Lạc viên”. (Ảnh minh họa: mettapage.org)

Ngày đầu, vị Tỳ kheo nhìn thấy những hình phạt rất độc ác: nào là người phụ nữ thân hình tốt đẹp mà bị bỏ vào cối quết, xương tan thịt nát, xem rất ghê sợ; nào là bọn ca nhi nhan sắc tuyệt trần, cũng bị quăng vào lò lửa, người thì rút tay co cổ, kẻ thì há miệng nhăn răng. Vị Tỳ kheo thấy cảnh tượng ấy thì sinh lòng nhàm chán, mới nhớ lời Phật dạy rằng: “Sắc lịch dịu dàng dường như bọt nước, dung y đẹp đẽ mà đâu còn hoài”. Nhờ quán tưởng đến lời Phật dạy như thế mà Tỳ kheo tỏ ngộ, dứt hết các điều tạp nhiễm, liền chứng đặng quả A La Hán.

Đến ngày thứ tám, ngục tốt bèn bắt vị Tỳ kheo đem bỏ vào chảo dầu, rồi chất củi mà đốt. Song khi lửa hạ và củi thành tro mà dầu trong chảo vẫn không nóng. Chủ ngục thấy vậy nổi giận, đánh đập bọn ngục tốt, rồi hối chất thêm củi và chụm thêm vào mãi, nhưng khi xem lại trong chảo dầu vẫn thấy vị Tỳ kheo ngồi kiết già trên một đóa hoa sen, xem dáng vẻ tự nhiên không hề lay động chút nào cả.

Chủ ngục hoảng kinh, lật đật đến tâu lại sự tình cho A Dục Vương rõ. Vua A Dục tính nóng như lửa, khi nghe tin ấy liền tức tốc đi thẳng đến vườn Ái Lạc. Vào đến nơi thì thấy vị Tỳ kheo đang bay lên giữa hư không, biến đủ 18 phép thần thông, trên người phun nước, bên dưới thì ngọn lửa vẫn đang cháy giần giật. Vua A Dục đứng nhìn sửng sốt một hồi, rồi tự nghĩ: “Mình với Thầy Tỳ kheo này cũng đều là loài người như nhau cả, cớ sao Thầy lại đặng phép thần thông tự tại như thế, còn mình thì lo việc sát hại nhân dân, làm việc đại ác”?

Đến con đường trở về với Phật Pháp

Lại nói ngay tại thời điểm đó, từ trên đỉnh cao tột cùng của một vị Đại Đế, A Dục Vương đã nhận ra sai lầm của mình: ngai vàng này, giang sơn này là có được từ sự tham lam, hung bạo và tàn sát. Chính nó được thiết lập từ thảm hoạ của chiến tranh, từ thương vong tang tóc, từ máu đổ thịt rơi của hàng vạn người dân vô tội, nên ông đã quyết tâm quay trở về với con đường thiện lành: ‘Phóng hạ đồ đao, nhất tâm hướng Phật’.

Ngay tại thời điểm đó, A Dục Vương đã quyết tâm quay trở về với con đường thiện lành. (Ảnh minh họa: timetoast.com)

A Dục Vương vội vàng quỳ xuống bạch với vị Tỳ kheo ấy rằng:

– Ngưỡng mong Thánh giả chiếu cố đến tôi, xin hạ xuống nơi đây, tôi nguyện từ đây về sau bỏ dữ làm lành mà quy y với Ngài.

Vị Tỳ kheo đáp:

– Hay thay! Hay thay! Nay đại vương đã tự hối mà biết quy hướng về Tam Bảo thì đó là phúc đức của muôn dân.

Tỳ kheo nói xong, liền dùng thần lực của mình mà bay trở về phía tịnh xá.

Kể từ đó về sau, A Dục Vương nguyện quy y Tam Bảo, bỏ ác làm lành, cứu người thương vật nên ông được người đời ca tụng là Đạt Ma A Dục Vương. Về sau lại nhờ Tổ Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta) giáo hóa thêm, nên vua càng tín ngưỡng Phật pháp hơn nữa, chính vua đã phái 256 vị Cao tăng đi khắp trong xứ để truyền bá Phật giáo:

“Chỉ có sự chiến thắng của Đạo Pháp mới thực là một cuộc chiến thắng vô thượng; ai ai cũng nhờ cuộc chiến thắng ấy mà được an cư lạc nghiệp”.

Đó là lời tuyên bố của Đại đế A Dục (A-sho-ka) sau khi ông trở về với Phật Pháp.

Còn tiếp

Đường Phong

(Tài liệu tham khảo: ‘Đại đế A Dục, một ông vua hộ trì Phật Pháp’ – Thích Nguyên Tạng).