Lão Tử (600 – 500 TCN) là nhà tư tưởng, người sáng lập Đạo gia thời Xuân Thu, Trung Quốc. Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tên chữ là Bá Dương, là người làng Khúc Nhân, xã Lệ, huyện Khổ, nước Sở. Ông đã làm quan sử, giữ kho sách của nhà Chu, sau này ông từ chức về ở ẩn.
Lão Tử dùng “Đạo” để giải thích về sự phát triển biến hóa của vạn vật trong vũ trụ. Ông cho rằng: “Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Phù mạc chi mệnh, nhi thường tự nhiên.” Cho nên: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” (Tạm dịch: Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên). Đạo là quy luật tự nhiên khách quan, đồng thời lại sẵn có ý nghĩa: “Độc lập bất cải, chu hành nhi bất đãi” (Tạm dịch: Đứng một mình mà chẳng thay; đi khắp nơi mà không mỏi).
Trong các cuốn sách của Lão Tử, bao gồm rất nhiều những quan điểm biện chứng: Tất cả mọi sự vật đều là có hai mặt chính và phản, cũng có thể do đối lập mà chuyển hóa như: “Thiện phục yêu”, “trong họa có phúc, trong phúc có họa”. Đồng thời trong thế gian còn có “hữu” (có) và “vô” (không) cùng ở trong một thể thống nhất như câu: “Dân bất úy tử, nại hà dĩ tử cụ chi?” (Tạm dịch: Khi dân không sợ chết, sao lấy cái chết làm cho họ sợ được?)
Vai trò của Đạo gia trong văn hóa Trung Hoa là ngang hàng với Nho gia và Thích gia. Ngoài ra, tính biện chứng và độ thâm hậu của Đạo gia là “nguồn cung cấp nước” cho sức sáng tạo ra những tư tưởng triết học khác của Trung Hoa.
Dưới đây là 8 điểm tinh túy của Lão Tử:
1. Thánh nhân chi đạo vi nhi bất tranh. Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.
Tạm dịch nghĩa: Bậc thánh nhân chỉ làm việc chứ không tranh. Vì không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh giành với mình. Lão Tử viết: Nguyên tắc làm việc của người lãnh đạo là làm mà không tranh đoạt. Chính vì không tranh đoạt cho nên thiên hạ cũng không có ai tới tranh đoạt. Cũng giống như Lão Tử viết: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố kỷ vu đạo.” (Là có ý nói: Cảnh giới cao nhất của thiện hạnh là giống như đặc tính của nước. Nước không tranh giành lợi với vạn vật, nằm ở nơi mọi người không chú ý, cho nên nước là gần với Đạo nhất). Người không tranh giành, ngược lại, lại thắng được người khác là bởi vì mỗi việc làm của họ đều là phù hợp với bản tính con người, lợi người chứ không hại người.
2. Tri chỉ khả dĩ bất đãi.
Tạm dịch nghĩa: Biết dừng lại nên có thể không bị nguy hiểm. Lão Tử viết: Biết dừng lại đúng lúc thì có thể không lâm vào tình cảnh nguy hiểm. Bởi vì không đạt đến mức cuối cùng cho nên có thể tái sinh. Sự vật gì khi đạt đến mức cuối cùng thì đều sẽ đi về xu hướng suy yếu tử vong.
3. Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường
Tạm dịch nghĩa: Kẻ biết người được gọi là trí, tự biết mình được gọi là minh. Thắng người là người có sức mạnh, thắng mình là người mạnh. Một người thành công phải tự biết mình và thắng được bản thân mình. Một người quản lý nếu như thiếu khả năng này sẽ rất khó để quản lý hữu hiệu.
4. Vô vi nhi vô bất vi
Tạm dịch nghĩa: Không làm gì mà không gì là không làm. Lão Tử viết: Không trái với quy luật, thì không gì là không thể làm được. Lão Tử còn viết: ‘Thượng sĩ nghe Đạo cần nhi hành chi” ý nói, bậc thượng sĩ nghe Đạo liền nỗ lực thực hành theo. Rốt cuộc, Lão Tử muốn khuyên rằng cần nắm chắc quy luật và dùng nó để chỉ đạo thực tế mà không phải là nói suông. Lão Tử cũng viết rằng: Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên. Vô vi, cuối cùng chính là tuân theo quy luật tự nhiên để làm việc, cũng chính là thuận theo tự nhiên.
5. Đa ngôn sổ cùng, bất như thủ trung
Tạm dịch nghĩa: Càng nói nhiều, càng không sao nói hết được, thà là giữ lấy cái Trung. Lão Tử viết, nói nhiều thì 5 lần 7 lượt sẽ gặp lúc lúng túng không nói gì, chẳng thà tuân thủ đạo trung dung (trung là không ngả về một thái cực nào, dung là dung hòa, thích hợp với hoàn cảnh). Đặc biệt là lời nói suông, trống rỗng thì càng nên không nói.
6. Nhân chi sinh dã nhu nhược, kỳ tử giả kiên cường
Tạm dịch: Người khi mới sinh thì mềm yếu, mà khi chết thì cứng và mạnh. Lão Tử cũng viết: Vạn vật cây cỏ mới sinh thì mềm dịu; Mà khi chết thì khô héo. Nên cứng và mạnh là bạn của chết, mềm và yếu là bạn của sự sống. Cho nên binh mạnh thì không thắng, cây mạnh thì ắt gãy. Cứng và mạnh ở bậc dưới còn mềm và yếu là ở bậc trên, cũng giống như “lấy nhu khắc cương”.
7. Dĩ chính trì quốc, dĩ kỳ dụng binh, dĩ vô sự thủ thiên hạ
Tạm dịch nghĩa: Lấy ngay thẳng trị nước; lấy biến hoá dùng binh; lấy vô sự được thiên hạ. Lão Tử cũng viết: Thiên hạ càng nhiều kỵ húy, thì dân càng nghèo. Dân càng lắm lợi khí, thì quốc gia càng tối tăm. Dân càng tài khéo, vật lạ càng nẩy sinh, pháp lệnh càng rõ rệt, trộm cướp càng sinh ra nhiều. Ta vô vi mà dân tự hóa. Ta ưa tĩnh mà dân tự chính. Ta không làm mà dân giàu. Ta không có dục vọng mà dân tự động trở nên chất phác.
8. Thiện dụng nhân giả vi chi hạ
Tạm dịch nghĩa: Giỏi dùng người là hạ mình ở dưới người. Lão Tử viết: Người lãnh đạo giỏi dùng người là phải đặt mình ở dưới người. Còn nếu như chỉ cân nhắc tư lợi cho bản thân mình, không tôn trọng người khác, không thiện với người làm cho mình thì chính là đang đặt mình ở “vị thế cao”. Một khi đã đặt mình ở vị thế cao, người khác ở vị thế thấp thì sao có thể lấy được lòng người?
Theo Soundofhope
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: