Sự trưởng thành của một người không phải là được quyết định bởi tuổi tác mà là ở tâm tính. Sự hoàn thiện của tâm tính không phải bởi vì gặp được nhiều sự tình mà là thể hiện ở thái độ ứng xử, đối đãi với mỗi sự tình mà bản thân gặp phải.
Làm sao để hoàn thiện tâm tính, không phải hối hận khi gặp một sự tình nào đó? Hãy cùng ghi nhớ 6 lời răn dạy vô cùng hữu ích của người xưa dưới đây:
1. Lúc khỏe mà không điều dưỡng thì lúc bệnh sẽ hối hận
Người khi bị bệnh, mệt mỏi thường sẽ nghĩ lại và hối hận rằng đã không làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Nhưng khi bệnh có chuyển biến tốt thì người ta thường lại quên mất đạo lý này.
Khi khỏe mạnh thì không ngừng tính toán danh lợi, buông thả trong rượu và sắc, không để tâm tiết chế dục vọng mà khiến ăn không ngọn, ngủ không yên. Đến khi cơ thể mắc bệnh, lại rơi vào hối hận. Đây chính là vòng quay mà con người thường mắc phải. Đã hiểu được nỗi khổ ấy, vì sao khi an định, khỏe mạnh không để tâm được bình thản, giảm bớt hám muốn và sự hưởng lạc của bản thân?
2. Nói lời ngông cuồng, xằng bậy khi say rượu, đến lúc tỉnh sẽ hối hận
Rượu có thể làm loạn tính. Có những lời nói mà một người lúc tỉnh táo sẽ không dám nói nhưng khi say rượu thì dễ dàng tùy tiện nói. Hay có những việc mà một người lúc bình thường sẽ không dám phạm nhưng khi say rượu lại dám làm tất cả.
Bởi vì rượu mà đem lại rất nhiều mối họa cho con người. Đến khi tỉnh lại mới hối hận mãi không thôi, thậm chí có những việc mà hối hận cũng đã không lấy lại được nữa.
3. Gặp việc không học, lúc cần dùng đến lại hối hận
Người xưa có câu: “Đến lúc cần dùng đến sách vở, mới ân hận là tri thức của mình quá kém”. Trong cuộc sống, cứ trải qua một việc thì trí tuệ của con người được tăng thêm một phần. Nếu như một người có thể bảo trì tinh thần ham học hỏi, gặp việc thì lưu tâm, không hiểu thì hỏi người biết, học tập bất cứ lúc nào thì mới có thể tích lũy được kinh nghiệm và khiến bản thân ngày càng trưởng thành, thành thục hơn.
Con người chỉ ở vào thời điểm rời xa học hỏi thì mới thực sự là già yếu. Trong cuộc sống, rất nhiều người vì không ham học hỏi nên thiếu hiểu biết, khi gặp việc khó thì hối hận đã không kịp.
4. Khi còn trẻ không học nghề, đến lúc quá tuổi mới hối hận
Lúc còn trẻ, trí tuệ của con người thường tinh thông, tinh thần tràn đầy nhiệt huyết nên dễ dàng tiếp thu được những điều mới. Nếu khi còn trẻ tuổi mà lười biếng, mải chơi, đến khi tuổi đã nhiều, tóc đã bạc thì hối hận cả đời.
Đời người chỉ ngắn ngủi mấy chục năm, tuổi trẻ là khoảng thời gian vô cùng quý giá, lại trôi qua nhanh, nếu không cố gắng thì khi quá tuổi sẽ hối tiếc, bi thương.
5. Lúc giàu không tiết kiệm, lúc nghèo sẽ hối hận
Người ta thường nói: “Miệng ăn núi lở”. Người không biết tiết kiệm, chỉ một mực xa hoa lãng phí thì sẽ rất nhanh chóng chuyển từ giàu thành nghèo. Người xưa cũng có câu: “Từ nghèo mà thành giàu thì dễ chứ từ xa xỉ mà thành tiết kiệm thì khó.” Một người nếu nuôi dưỡng thói quen tiêu tiền vô độ, không cân nhắc tính toán thì đến lúc rơi vào quẫn bách thì chẳng những cảm thấy thiếu thốn vật chất mà về mặt thâm lý cũng không chịu đựng được.
Thường khi một người ở vào giàu có thì sẽ có người tôn kính, ngưỡng mộ nhưng khi rơi vào bần cùng thì lại có người đả kích, mỉa mai. Khi ấy, hồi tưởng lại cuộc sống trước đây thì hối hận vô cùng, thậm chí có người còn không chịu được mà tìm đến đường cùng.
6. Quan chức làm việc vì chiếm lợi của bản thân thì khi thất thế sẽ hối hận vô cùng
Người xưa thường dùng câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh” hay “Người đang làm, Trời đang nhìn” để khuyên răn mọi người, đừng nghĩ rằng làm việc xấu, không ai biết là không có tội.
Từ xưa đến nay, có không ít người khi còn tại vị đều làm việc công tâm và lấy dân làm gốc, được lưu danh muôn đời. Nhưng cũng có không ít người làm việc tư tâm, tư lợi, khi thất thế thì hối hận vô cùng, bị người đời coi thường.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch