Khổng Tử nói: “Việc nhỏ không nhẫn sẽ làm hỏng đại mưu”. Đạo gia nói: “Nhẫn nại là Pháp bảo tránh xa tai họa”.
Tăng Quốc Phiên, người hội tụ cả tinh túy của Nho gia và trí tuệ của Đạo gia thì cho rằng: “Đối diện với vận mệnh thì nhẫn nại là phương pháp duy nhất bước tới thành công”.
Nhẫn là một biện pháp sinh tồn. Có lúc nhẫn là một loại “đại mưu”, cũng có lúc nhẫn là một loại “bất lực”, và có lúc nhẫn là một loại “trí tuệ”. Cho dù là loại nhẫn nào đi chăng nữa thì cũng đáng kính trọng và khâm phục.
Tam Quốc cuối đời Đông Hán gồm: Tào Ngụy, Thục Hán và Tôn Ngô. Đây là thời chiến tranh loạn lạc liên miên, anh hùng hào kiệt liên tiếp xuất hiện, và cũng có vô số những bậc anh hùng hô mây gọi gió vang danh sử sách. Văn có Gia Cát, Tư Mã, Quách Gia, Giả Hủ, võ có Lã Bố, Quan Vũ, Triệu Vân, Điển Vi. Nhưng những anh hùng đáng được mọi người ca ngợi phần lớn đều là trong chiến loạn liên miên đã dựa vào một chữ Nhẫn để sinh tồn, để mưu cầu bá nghiệp. Trong đó nổi tiếng nhất là 6 bậc đại Nhẫn nổi tiếng.
Đại nhẫn thành công nhất: Tư Mã Ý
Trong Tam Quốc, Tư Mã Ý được đánh giá là Vua nhẫn nại (Nhẫn giả chi vương).
Tư Mã Ý là trọng thần phò tá 4 đời quân chủ nhà Tào Ngụy. Ngay từ ban đầu ông đã bị Tào Tháo nhìn ra mối họa ẩn giấu bất an về ông. Đến những năm cuối đời ông lại được Tào Duệ giao phó ủy thác phò tá ấu chúa.
Ông đã nhẫn nhịn giấu mình suốt 50 năm để chứng minh là một trung thần, cuối cùng khi đã ngoài 70 tuổi ông mới nắm được đại quyền chấp chính, để rồi diễn lại màn kịch “Nhà Tào Ngụy soán ngôi nhà Hán”, lập ra nhà Tấn.
Đọc Tam Quốc chúng ta đều phục Tư Mã Ý. Ông tập hợp đủ cả tài dọc ngang trời đất của Gia Cát Lượng, chí lớn tranh hùng xưng bá thiên hạ của Tào Tháo, ý chí không chết không dừng của Chu Du, tính cách mặt dày vô sỉ của Vương Lãng, thể hiện đại trí nhược ngu của Lỗ Túc. Ông chính là bậc bá vương đích thực, là nhân vật thành công nhất có một không hai trong Tam Quốc.
Đại nhẫn khí phách nhất: Tào Tháo
Trong Tam Quốc, ấn tượng của mọi người đối với Tào Tháo chính là gian hùng bạo ngược đa nghi. Thực tế Tào Tháo chính là kẻ mạnh nhất thời Tam Quốc. Bởi vì ngoài tài năng chính trị và tài năng quân sự siêu mạnh ra, ông còn là người có tâm đại nhẫn và có tâm ái mộ tài năng.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Nễ Hoành (cũng gọi là Nễ Hành) chửi rủa Tào Tháo, chửi rủa thậm tệ có thể khiến người ta chết đi sống lại. Nhưng Tào Tháo vẫn trầm tĩnh nhẫn nại, dung thứ cho sự hỗn láo bừa bãi của Nễ Hoành, còn đưa ông ta an toàn về chỗ Lưu Biểu ở Kinh Châu.
Khi Viên Thiệu tấn công Tào Tháo, Trần Lâm từng giúp Viên Thiệu viết ba bài hịch mắng chửi ba đời tổ tông Tào Tháo. Sau này Trần Lâm rơi vào tay Tào Tháo, Tào Tháo không những không giết mà còn ban cho trọng trách.
Đó chính là Tào Tháo có cái tâm đại nhẫn mẫu mực của các bậc vĩ nhân. Chính vì thế mà xung quanh Tào Tháo luôn có những quan văn võ tướng tài giỏi. Tào Tháo xứng đáng là kẻ mạnh nhất Tam Quốc.
Đại nhẫn trí tuệ nhất: Tôn Quyền
Tam Quốc Chí đã đánh giá Tôn Quyền rằng: “Tôn Quyền khom người nhẫn nhục, trọng dụng hiền tài, ưa chuộng mưu kế, có cái nhẫn kỳ lạ của Câu Tiễn, có cái tuấn kiệt của bậc anh hào. Thế nên ông kiểm soát được vùng Giang Đông, tạo thành thế chân vạc”.
Tôn Quyền từ tuổi thiếu niên đã ôm chí lớn. Năm 15 tuổi, Giang Đông lâm nguy, anh trai Tôn Sách thất bại chết nên đã thọ mệnh kế vị. Ông đã ổn định được Giang Đông và mưu đồ bá nghiệp, tung hoành bãi hạp. Trận Xích Bích lừng danh chia ba thiên hạ. Ông lại dùng trí đánh thắng Quan Vũ, dùng mưu đoạn được Kinh Châu. Trận Di Lăng sức mạnh ngăn con sóng dữ.
Một thiếu niên nho nhã yếu nhược, chỉ dựa vào một góc Giang Đông mà có thể thiên hạ chia ba, tất cả chỉ dựa vào một chữ Nhẫn. Sau khi thắng trận Xích Bích, Tôn Quyền đã thu được thành quả bội thu, bắt đầu hình thành cục diện Tam Quốc.
Nhưng lúc này thế lực của Lưu Bị nổi lên. Để kiềm chế Lưu Bị, Tôn Quyền đã cúi người trước Tào Tháo. Năm 220 Tào Tháo chết, Tôn Quyền đã đoạt được Kinh Châu. Khi thực lực của Tào Ngụy đã sa sút, để bảo toàn đất Ngô và kiềm chế Lưu Bị, trong tình hình người dân Đông Ngô đều coi là mất thể diện thì Tôn Quyền vẫn tiếp tục xưng thần với Tào Phi.
Mãi cho đến năm 229 Tôn Quyền mới chính thức đăng cơ, và dời đô đến Kiến Nghiệp. Tôn Quyền trở thành vị đế vương có thời gian tại vị lâu nhất, tuổi thọ cao nhất thời Tam Quốc. Đó chính là người đại nhẫn trí tuệ nhất, người cười sau cùng.
Đại nhẫn cơ mưu nhất: Lưu Bị
Khi cục diện Tam Quốc chưa định hình, Lưu Bị không có thực lực nhất, bối cảnh xuất thân kém cỏi nhất. Nhưng chỉ dựa vào cái ô rách “họ hàng tông thất nhà Hán”, Lưu Bị đã cùng Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng dò dẫm tìm đường, vừa đi vừa vấp ngã mà chia ba thiên hạ. Việc này khiến mọi người không thể không khâm phục.
Nguyên nhân lớn nhất để Lưu Bị thành công chính là tính cách và cơ mưu của ông. Đặc điểm lớn nhất của Lưu Bị là nhẫn chịu giấu mình, có thể nhẫn những điều người thường không thể nhẫn nổi. Lưu Bị lòng ôm nhà Hán, chí ở thiên hạ, nhưng trong khi không có thực lực để tranh đoạt Trung Nguyên, ông chỉ có thể ẩn giấu nép mình với hình tượng một ông già tốt bụng, trọng nhân tài, trọng tình nghĩa, yêu thương bảo vệ thuộc hạ, rất được lòng người.
Lưu Bị đã đầu quân cho Lưu Yên, Lư Trực, Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu, đến đâu cũng nhờ dựa vào người khác, nhẫn nhục mang trọng trách.
Khi Lưu Bị đến Giang Đông bàn hôn sự, biết rõ là trò bịp, đến đâu cũng gặp mai phục, nhưng Lưu Bị không hề biến sắc, nhẫn nhịn giấu mình, đại lượng xử trí, cuối cùng đã có được mỹ nhân trở về.
Đại nhẫn cay đắng nhất: Hán Hiến Đế
Trong Tam Quốc, Hán Hiến Đế là người đại nhẫn bất lực nhất, cay đắng nhất. Để bảo tồn nhà Hán đang thoi thóp, ông đã phải nhẫn chịu 36 năm. Ông phải nhẫn chịu Hà Tiến, nhẫn chịu Đổng Trác, nhẫn chịu Tào Tháo, mất cả quý phi và nhạc phụ, mất cả hoàng hậu và quốc cữu, cuối cùng vẫn bị Tào Phi ép phải chết. Có thể nói Hán Hiến Đế là người đại nhẫn cay đắng nhất.
Đại nhẫn kết thúc có hậu nhất: Giả Hủ
Giả Hủ là mưu sỹ trứ danh, nhà chiến lược quân sự thuở ban đầu của Tào Tháo, cũng là khai quốc công thần của Tào Ngụy. Là mưu sỹ được Tào Tháo tín nhiệm nhất, Giả Hủ tính toán không lần nào bị sai sót. Nhưng trước trận Quan Độ, sau khi ông theo Trương Tú đầu quân cho Tào Tháo thì không bao giờ chủ động đưa ra mưu kế sách lược nữa. Nếu không phải Tào Tháo chủ động đến hỏi, ông không bao giờ nói một câu.
Bất kỳ việc gì ông cũng nhẫn nhịn giấu mình, lặng lẽ ít nói. Hàng ngày ông đóng cửa tự giữ mình, không kết giao với các quan lại khác. Con trai con gái ông cũng không kết hôn với gia đình quyền quý. Đương thời thiên hạ đàm luận về mưu sỹ trí tuệ thì ai nấy đều rất tôn sùng ông. Một nhân tài như vậy có thể nhẫn nhịn ẩn giấu trí tuệ của mình đến mức như thế thì ngoài Giả Hủ ra thì không thể tìm được người thứ hai.
Ông phò tá Tào Tháo, giúp đỡ Tào Phi, tước vị ở hàng ngũ Tam Công, thọ 77 tuổi, được thụy phong Túc Hầu. Con trai cả của ông là Giả Mục thừa kế tước vị.
Rất nhiều năm Giả Hủ cùng với Vương Lãng, Tào Chân, Tân Tì cùng được thờ cúng trong miếu Ngụy Vũ Đế.
Có thể nói Giả Hủ chính là người đại nhẫn có kết cục có hậu nhất.
Dịch Trung Thiên đánh giá Giả Hủ rằng: “Giả Hủ trong thời loạn thế có thể xem xét đánh giá được thời thế, bản thân sống lâu nhất, lại bảo toàn được cả gia đình, đó mới là đại trí tuệ chân chính. Giả Hủ có lẽ là người thông minh nhất thời kỳ Tam Quốc.
***
Người thành đại sự ắt có chí hướng xa xôi, mà nhẫn chính là một loại trí tuệ lớn, là thể hiện lý trí mưu cầu mục đích lâu dài. Người khéo nhẫn mới có thể thành đại sự.
Đại nhẫn có sức mạnh vô biên, những người đang dốc sức cố gắng lập sự nghiệp thì hãy học đại nhẫn của những nhân vật lừng lẫy trong Tam Quốc này.
Theo cmoney.tw
Nam Phương biên dịch