Có câu “Mãn chiêu tổn”, ý là cao ngạo sẽ tự mang đến tổn thất cho bản thân. Tổn thất này có thể không chỉ đơn giản là sự mất mát về vật chất, cũng có thể là sức hút nhân cách của mỗi người. Xưa nay con người không hề hứng thú hoặc nguyện ý chung sống với người cao ngạo tự đại. Bởi lẽ cao ngạo là do lòng tự tôn không được ủng hộ.
Trịnh Bản Kiều từng có đôi câu đối rằng: “Lòng không, lá trúc đầu cúi thấp; Cốt cách, mai không chính diện hoa.” Người quân tử yêu trúc là vì trúc thanh tú, tiêu diêu, có phong thái khiêm nhường của người quân tử. Người quân tử yêu mai vì hoa mai không sợ tuyết lạnh, vẫn luôn âm thầm tỏa hương. Bởi lẽ làm người cũng như cây mai, cây trúc, ai nấy đều tự nhiên kính cẩn mà muốn gần gũi, nên càng không thể khiến người khác ghét bỏ. Ngược lại, kiêu ngạo chỉ là sự ngu muội dễ thấy, sẽ chẳng ai muốn cống hiến cho tình bạn này.
Sau đây là những câu trí huệ của cổ nhân về đức Khiêm nhường.
1. Khiêm giả chúng thiện chi cơ, ngạo giả chúng ác chi khôi (Vương Dương Minh)
Dịch nghĩa: Khiêm nhường là nền tảng của mọi việc thiện, kiêu ngạo là căn nguyên của muôn điều ác.
2. Bất ngạo tài dĩ kiêu nhân, bất dĩ sủng nhi tác uy (Gia Cát Lượng)
Dịch nghĩa: Không nên ỷ bản thân có năng lực cao siêu mà kiêu ngạo, tự đại. Không thể vì bản thân được sủng ái mà tự tung tự tác.
3. Bất ngạo phương sư nhân chi trường, nhi tự thành kỳ học (Đàm Tự Đồng)
Dịch nghĩa: Một người chỉ khi không kiêu ngạo mới có thể học được những sở trường của người khác. Sau đó họ mới tự thành tựu sự nghiệp học hành của chính mình.
4. Thiên hạ cổ kim chi Đường nhân, giai dĩ nhất tình nọa tự chí bại, thiên hạ cổ kim chi nhân tài, giai dĩ nhất ngạo tự chí bại (Tăng Quốc Phiên)
Dịch nghĩa: Từ cổ chí kim những người bình thường trong thiên hạ đều do lười nhác mà chuốc lấy thất bại, từ cổ chí kim những người có tài trong thiên hạ đều do kiêu ngạo mà chuốc lấy bại vong.
Chữ “Khiêm” (Khiêm nhường) khắc ghi trong tâm, đối nhân xử thế đường chẳng lệch
Những bậc đại trí giả thường khiêm nhu, những người đại thiện ắt khoan dung. Khiêm nhường sẽ khiến người khác và bản thân cùng chung sống bình yên, dễ chịu. Người khiêm cung (khiêm nhường cung kính) sẽ khiến người khác hứng khởi, nguyện ý muốn xích lại gần bạn, cũng khiến người khác nể phục, kính mến. Nếu con người có thể đạt được bốn chữ “Khiêm” ấy thì sao phải khom lưng cúi đầu trước tiền bạc? Có được bốn cảnh giới này mới có thể sống bình an trong tâm, xử thế mới được thông thuận.
5. Tự khiêm tác nhân dũ phục, tự khoa tắc nhân tất nghi (Thân Hàm Quang)
Dịch nghĩa: Giữa những người mạnh còn có người mạnh hơn, đừng huênh hoang khoác lác trước mặt người khác. Hai câu trên nói với chúng ta rằng, dẫu bạn có được bản lĩnh cao siêu, đạt được thành tựu đáng nể cũng đừng tự mãn mà huênh hoang khắp nơi: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị, đừng khoe khoang trước mặt người khác”.
6. Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục (Dị Khiêm)
Dịch nghĩa: Dẫu ở địa vị thấp hèn cũng có thể dùng thái độ khiêm nhường để ước chế bản thân, chứ không thể vì địa vị thấp mà buông lơi việc tu dưỡng đạo đức.
7. Khiêm cố mỹ danh, quá khiếm giả, nghi phòng kỳ trá (Chu Hi)
Dịch nghĩa: Khiêm nhường đương nhiên là danh tiếng tốt đẹp. Nhưng những người quá khiêm nhường lại phải phòng ngừa họ. Bởi lẽ khi giả khiêm nhường kỳ thực họ lại rất kiêu ngạo.
8. Thịnh mãn dịch vi tai, khiêm xung hằng thọ phúc (Trương Diên Ngọc)
Dịch nghĩa: Khí vượng át người, người kiêu ngạo tự mãn dễ sinh họa hại, người khiêm nhường lại thường được hưởng phúc dài lâu.
9. Niệm cao nguy, tắc tư khiêm xung nhi tự mục; cụ mãn doanh, tắc tư giang hải hạ bách xuyên (Ngụy Trưng)
Dịch nghĩa: Nghĩ tới địa vị của mình cao thì phải khiêm nhường, cẩn thận ước thúc bản thân. Sợ mình kiêu ngạo tự mãn thì hãy nhớ tới biển ở dưới trăm sông (Khiêm nhường tiếp nhận dòng nước chảy từ trăm sông) mà khiêm tốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến về mọi phương diện.
10. Đạo trời kỵ đầy, người và việc kỵ toàn vẹn (Khuyết danh)
Sự vật trong thế giới tự nhiên kỵ đầy tràn, những việc của con người nơi thế gian kỵ quá toàn vẹn. Nghĩa là đừng theo đuổi sự toàn vẹn của sự việc một cách quá mức. Việc truy cầu quá mức thông thường sẽ đi sang phía phản diện. Mọi việc biết đủ mới dễ hạnh phúc.
11. Nhân duy hư, thủy năng tri nhân. Mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích. Mãn tất ích, ngạo tất bại (Thượng Thư)
Dịch nghĩa: Con người phải khiêm nhường mới có thể thấu hiểu người khác. Tự mãn chỉ chuốc lấy tổn thất, khiêm nhường mới được thọ ích dài lâu. Nước đầy thì sẽ tràn, kiêu ngạo ắt bại vong.
12. Bất tự thị giả bác văn, bất tự mãn giả thụ ích (Lâm Bô – Tỉnh tâm lục)
Dịch nghĩa: Những người không tự cho mình là đúng, sẽ khiến kiến thức của mình càng thêm sâu rộng. Những người không tự thỏa mãn với thành tích của bản thân thường được thọ ích nhiều hơn.
13. Phóng đãng công bất toại, mãn doanh thân tất tai (Trương Vịnh)
Dịch nghĩa: Phàm những người thông minh và mưu mô thích tâng công kể thưởng, vơ thành tích về bản thân mình đa phần đều có kết cục bất hạnh.
14. Cư cao thường lự khuyết, trì mãn mỗi ưu doanh (Giản Văn Đế)
Dịch nghĩa: Phải xử lý và nắm vững mức độ của sự khiêm nhường, phải học hỏi những điều mình không hiểu hay hiểu chưa thấu đáo.
15. Mãn doanh giả, bất tổn hà vi? Thận chi! Thận chi! (Chu Thuấn Thủy)
Dịch nghĩa: Con người phải khiêm nhường một chút, khi đắc ý hãy nhớ hạ mình, để tránh bị tổn thất.
Trái đất nằm trong vũ trụ bao la chỉ nhỏ bé như một hạt bụi lơ lửng giữa từng không. Vậy nên con người đứng giữa đất trời mà mình nghĩ là bát ngát ấy chiếm được bao nhiêu phần của hạt bụi? Vậy nên cổ nhân xưa nay vẫn luôn khuyên răn con người không nên kiêu ngạo mà tự mang họa vào thân. Khiêm nhường học hỏi và hoàn thiện bản thân mới là việc làm chân chính.
Theo Soundofhope
Hiểu Mai biên dịch