Người nay không như người xưa. Cùng với kinh tế phát triển, con người càng ngày càng chú trọng hưởng thụ vật chất, mê đắm mỹ sắc, coi trọng tiền tài, đời sống tinh thần vì thế mà càng ngày suy đồi.
Người người hễ mở miệng là nói đến lợi ích, chuyện gì cũng không ngoài hai chữ ‘tiền tài’. Những thứ vốn đơn thuần như tình thân, tình bạn, tình yêu… thì nay đều gây dựng trên cơ sở lợi ích. Giao kết giữa người với người cũng bị hạn cuộc trong mối quan hệ bạc tiền.
Nhà tư tưởng Vương Dương Minh cho rằng: “Con người tâm vốn thiện, lương tri tự nhiên tồn tại. Nhưng xao động bởi dục vọng, tư tâm che lấp nên lợi hại tấn công, phẫn nộ kích động, loại người ham dục vật chất thì không việc gì là không làm”.
Vương Dương Minh cho rằng: Con người vì ‘tư’ (cá nhân) và ‘dục’ (ham dục) nên suy bại sa đọa, người người công kích nhau, phong thái tốt đẹp của xã hội cũng vì thế mà xói mòn, chuẩn mực đạo đức càng ngày càng sa sút, lòng người không còn được như xưa.
Có một họa sỹ nổi tiếng muốn vẽ hai bức tranh về Phật và ma quỷ, nhưng ông mãi vẫn không tìm được người mẫu phù hợp. Trong một lần đi lễ chùa ông tình cờ gặp một cư sỹ, toàn thân vị ấy toát lên lòng từ bi khiến họa sỹ cảm động sâu sắc.
Bậc danh họa tìm đến cư sỹ, hứa sẽ trả thù lao hậu hĩnh để cư sỹ làm người mẫu cho mình.
Sau khi hoàn thành, tác phẩm của ông được mọi người ca ngợi, nhờ đó mà danh tiếng của họa sỹ ngày càng được nâng cao.
Một thời gian sau họa sỹ lại chuẩn bị vẽ bức tranh ma quỷ. Nhưng cũng như lần trước, ông mãi vẫn chưa tìm được người thích hợp. Cuối cùng ông quyết định vào nhà giam một chuyến để tìm cơ hội. Lần này ông vô cùng vui mừng: Cuối cùng cũng tìm được một người giống ma quỷ rồi, người như vậy quả thực là hiếm thấy khó tìm!
Nhưng khi đối diện với họa sỹ thì người phạm nhân kia khóc nấc lên đau đớn. Họa sỹ cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi phạm nhân rằng đã xảy ra chuyện gì.
Phạm nhân nói: “Lần trước ông vì vẽ Phật mà tìm đến tôi, lần này vẽ ma quỷ ông lại tìm đến tôi”.
Thì ra kẻ tội đồ cũng chính là cư sỹ xưa kia. Họa sỹ nghi hoặc, hỏi: “Tại sao tướng mạo ông lại đến nông nỗi này? Hơn nữa tôi đã trả tiền cho ông theo đúng cam kết rồi, sau đó tôi cũng không làm gì phương hại đến ông cả”.
Người cư sỹ nói: “Từ khi có trong tay món tiền lớn đó, cả ngày tôi rượu chè gái gú, tìm thú chơi hưởng lạc, phóng túng sắc dục. Đến lúc tiêu hết tiền, mà tôi lại quá quen với cuộc sống thác loạn như thế này rồi, nên tư dục nổi lên khiến tôi không thể kiềm chế được nữa. Thế là tôi bắt đầu tìm mọi cách để có tiền. Chỉ cần có được tiền thì việc xấu nào tôi cũng làm. Kết quả là tôi đã như ngày hôm nay”.
Họa sỹ nghe xong vô cùng cảm khái. Ông cảm thán thốt lên rằng: Con người một khi đã đắm chìm trong ‘tư dục’ thì thay đổi nhanh chóng như thế này đây!…
Thế mới thấy, trên đời có hai chữ đáng sợ nhất, là: “Tư” (tư tâm, vị tư), và “Dục” (ham dục, dục vọng). Khi lý tính bị tư dục che lấp thì con người sẽ đối diện với quả ác cuồn cuộn bất tận. Vậy chúng ta nên đối phó với tư dục như thế nào?
Về vấn đề này, Vương Dương Minh đã đưa ra đối sách: “Chúng ta dụng công chỉ mong cầu ngày một giảm bớt đi, không mong cầu ngày một tăng thêm. Giảm một phần ham dục là đắc được một phần Thiên lý, thật nhanh chóng, phóng khoáng và dễ dàng làm sao”.
Câu nói của Vương Dương Minh đã nhắc nhở chúng ta rằng cần phải khắc chế bản thân. Người có thể khắc chế bản thân thì mới thành nhân, mới thành công.
“Biết đủ thường vui”, trong cuộc sống vật chất sung túc này, cần phải tận dụng từng giờ từng phút để khắc chế ‘tư dục’ và những ‘dục vọng’ không cần thiết, như thế chúng ta mới có thể trở nên sáng suốt, thoải mái, không lo được lo mất.
Tư dục giống như nước, nước có thể chở thuyền cũng có thể lật thuyền. Do đó chúng ta hãy luôn luôn cảnh giác với chính mình, như thế mới có được ngày mai tươi sáng.
Nam Phương
Theo Vision Times
Bạn đang đọc bài viết: “2 chữ đáng sợ nhất trên đời đã gây họa cho biết bao nhiêu người” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |