Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 7/12. Trước thềm cuộc họp, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi EU gây áp lực lên ĐCSTQ để chấm dứt việc vi phạm nhân quyền.
Hôm 5/12, trong cuộc phỏng vấn với hãng AFP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ rút ngắn chuyến thăm Bắc Kinh, một phần nguyên nhân là tại Bắc Kinh, họ phải có những cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước thành viên EU dưới sự giám sát của Trung Quốc.
Trước thềm hội nghị, các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, ngoài việc thảo luận các vấn đề như giảm sự phụ thuộc kinh tế của EU vào Trung Quốc, và quan điểm của ĐCSTQ đối với cuộc xâm lược Ukraina của Nga, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU cũng nên chú ý hơn về vấn đề nhân quyền.
Trong cuộc họp báo ngày 4/12, bà Tirana Hassan, Giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết EU nên lên án thành tích nhân quyền kém cỏi của ĐCSTQ và có hành động hiệu quả chống lại điều đó. Bà kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thông qua các nghị quyết nhằm giải quyết mối đe dọa nhân quyền và vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Liên quan đến vấn đề ĐCSTQ vi phạm nhân quyền, hôm 6/12, tờ Sound of Hope đã phỏng vấn ông Phí Lương Dũng (费良勇), Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Hỗ trợ Trung Quốc và Dân chủ Châu Á. Ông Phí đánh giá rằng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ chú ý đến vấn đề này.
Ông Phí nói: “Các tổ chức nhân quyền quốc tế hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU và EU có thể gây áp lực lên Bắc Kinh. Về vấn đề nhân quyền, tôi hy vọng ĐCSTQ sẽ có những cải thiện và tôi nghĩ vấn đề nhân quyền chắc chắn sẽ được thảo luận. Bởi vì theo như tôi biết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Tất nhiên, khi nói về nhân quyền, chúng tôi sẽ đưa ra một số ví dụ, trong đó có nhân quyền ở Tân Cương, Nội Mông hay những nơi khác, trong đó có nhiều người phản đối ông Tập Cận Bình. Những vấn đề này sẽ được thảo luận, bao gồm cả việc ĐCSTQ tiếp tục đàn áp môn tu Phật Pháp Luân Công, tôi nghĩ những vấn đề này sẽ được thảo luận”.
Ngoài ra, ông Phí Lương Dũng còn nhắc nhở công chúng rằng người dân Trung Quốc nên dựa vào chính mình, hiểu bản chất của ĐCSTQ và tránh xa chế độ này.
Ông nói, người dân Trung Quốc và nhân loại không thể trông cậy vào các lãnh đạo của ĐCSTQ, họ đều đang làm hại người dân, thứ họ coi trọng là quyền lực của chính mình.
Cựu tổng bí thư ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã gây hại cho Trung Quốc, bây giờ ông Tập Cận Bình lại đưa Trung Quốc thụt lùi và tiếp tục gây hại cho người dân Trung Quốc, hướng tới chế độ độc tài cá nhân.
Nhà hoạt động nhân quyền Phí Lương Dũng giải thích rằng, bởi vì ông Tập đã xóa sạch mọi tiến bộ chính trị mà Trung Quốc đã đạt được kể từ cải cách mở cửa 40 năm trước. Ông Tập hiện muốn thiết lập chế độ nắm quyền trọn đời cho người lãnh đạo cao nhất, nên việc vi phạm Hiến pháp này là vi phạm nghiêm trọng. Động thái này thuộc về việc sửa đổi hiến pháp, chính là làm loạn.
Ông Phí cho biết thêm, khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đến Trung Quốc, ông phải nói chuyện với lãnh đạo các quốc gia thành viên EU dưới sự giám sát của Bắc Kinh.
Ông Phí nói rằng, qua tình hình thực tế có thể thấy việc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ là trắng trợn. Chế độ này sẽ không thay đổi bản chất, chỉ bằng cách giải thể ĐCSTQ, người dân Trung Quốc mới có được nhân quyền thực sự.