Mới đây, người dân Trung Quốc ở Hoa Kỳ, Canada, và Vương quốc Anh đã tổ chức các cuộc mít tinh và triển lãm nghệ thuật để kỷ niệm một năm “Cách mạng giấy Trắng” bùng phát từ Trung Quốc.

Vào ngày 24/11/2022, trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một tòa chung cư ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương. 

Chính sách phong tỏa nghiêm ngặt đã ngăn cản việc dập lửa và cứu hộ, khiến ít nhất 10 người chết, 9 người bị thương, làm dấy lên sự phẫn nộ của những người bị nhốt trong nhà suốt một thời gian dài. Chưa kể còn có thông tin là hơn 40 người chết.  

Sau đó, làn sóng biểu tình đã lan rộng ra ít nhất 21 tỉnh ở Trung Quốc, trong đó có 39 thành phố và hơn 100 trường đại học. Nó được gọi là cuộc “Cách mạng giấy trắng”.

Đây được coi là cuộc biểu tình lớn nhất ở Trung Quốc kể từ vụ Thảm sát Thiên An Môn (Tiananmen) ngày 4/6/1989. Hàng nghìn sinh viên và các tầng lớp trí thức đã mất mạng dưới xe tăng và họng súng của chính phủ.

Dưới áp lực của cuộc cách mạng giấy trắng, Bắc Kinh đã tuyên bố chấm dứt chính sách Zero Covid. 

Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 26/11 năm nay, các thành viên của Đảng Dân chủ Trung Quốc và các nhóm người Duy Ngô Nhĩ địa phương ở London, Anh, đã cầm giấy trắng và biểu ngữ phản đối trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở London nhằm kỷ niệm một năm ngày “Cách mạng giấy trắng”.

Cùng lúc đó, các nhóm người Hong Kong cũng đến đây để phản đối việc chính quyền Hong Kong bắt giữ 47 nhà dân chủ tham gia bầu cử sơ bộ Hội đồng Lập pháp Hong Kong năm 2020 với cáo buộc lật đổ quyền lực nhà nước.

Vào ngày 25-26/11, nhóm sinh viên phản đối ĐCSTQ đã tổ chức triển lãm nghệ thuật kéo dài hai ngày, kể câu chuyện về cuộc “Cách mạng giấy trắng”.

Kham Bân (谌彬/Chen Bin), người phát ngôn của trụ sở Đảng Dân chủ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, nói với tờ Sound of Hope rằng: “Mọi người Trung Quốc nên biết ơn cuộc Cách mạng giấy trắng. Nếu không có những người trẻ này tiến lên, chính phủ Trung Quốc có thể vẫn chưa dỡ bỏ lệnh phong tỏa dịch bệnh kéo dài.

Cho dù đó là cuộc triển lãm nghệ thuật hay sự kiện kỷ niệm do Đảng Dân chủ của chúng tôi tổ chức tại đại sứ quán ngày hôm nay, chúng tôi đều hy vọng rằng mọi người sẽ nhớ rằng những gì cuộc Cách mạng giấy trắng diễn ra vào thời điểm này năm ngoái đã để lại cho người dân Trung Quốc ít nhất một điều, là giúp cả thế giới đều biết: người dân Trung Quốc đang phản kháng, rất nhiều người Trung Quốc muốn phản kháng, nghĩa là ĐCSTQ đã thể tẩy não được tất cả người dân. Ít nhất từ ​​sự việc này, nhiều người cũng nhìn thấy được hy vọng của Trung Hoa”.

Cùng ngày 26/11, nhóm sinh viên quốc tế thuộc Hiệp hội Công dân Canada đã tổ chức mít tinh tại Đại học Toronto để kỷ niệm một năm cuộc Cách mạng giấy Trắng.

Ông Tương Giai Ký (Jiang Jiaji/蒋佳冀), một người tham gia cuộc mít tinh cho biết: Cuộc cách mạng giấy trắng rất đáng được kỷ niệm. “Nó đã trực tiếp thúc đẩy chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Vì lệnh phong tỏa dịch bệnh kéo dài ba năm, nhiều người Trung Quốc quả thực đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Nếu không có Cách mạng giấy trắng và người dân tiếp tục bị phong tỏa, chúng ta không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra, một thảm kịch của nhân loại.

Cuộc cách mạng giấy trắng hô vang ‘Đả đảo ĐCSTQ, đả đảo ông Tập Cận Bình’ (Xi Jinping), về cơ bản cho thấy sự thay đổi trong quan điểm, sự thức tỉnh và tầm nhìn của người dân ở Trung Quốc”.

Ông Tương Giai Ký cho biết thêm: “Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, tất cả người dân ở Trung Quốc đều là nô lệ, và chế độ cai trị này lớn hơn mọi thứ khác. Đảng viên ĐCSTQ, bao gồm cả bản thân ông Tập Cận Bình đều là nô lệ của Đảng. Chỉ có cách là nhân dân Trung Quốc đứng lên lật đổ nó. Hãy giành lấy quyền lợi của mình. Cuộc cách mạng giấy trắng là bước ngoặt để người dân Trung Quốc thực sự suy ngẫm về nguyên nhân sâu xa của các vấn nạn xã hội ngày nay”.

Ngoài ra, nhóm ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở New York và Los Angeles, Hoa Kỳ cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm một năm cuộc cách mạng giấy trắng vào ngày 25-26/11.

Trương Hoằng Viễn (张弘远/Zhang Hongyuan), người tham gia phong trào giấy trắng ở Vũ Hán (Wuhan) vào ngày 27/11 năm ngoái và hiện sống ở Hà Lan, cho biết, phong trào trên phố Hán Chính (Hanzheng) ở Vũ Hán chủ yếu là một lời kêu gọi mạnh mẽ đối với sinh kế của người dân. 

Ông nói: “Phố Hán Chính là một con phố nhỏ bán buôn hàng hóa và quần áo ở Vũ Hán. Nó là nơi cung cấp thực phẩm cho rất nhiều người. Nó đã bị phong tỏa trong một thời gian tương đối dài. Nhiều người dân Vũ Hán đã đổ xô ra đường và đập phá tất cả các chòi cách ly. Các bốt làm xét nghiệm axit nucleic cũng bị đập phá, nhu cầu lúc đó thực chất là dựa trên sinh kế của người dân, tức là yêu cầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Không chỉ các ông chủ mà còn có rất nhiều công nhân nhập cư, nếu một ngày không được làm việc, họ sẽ không có gì để ăn trong ngày đó”.

Thịnh Tuyết (Sheng Xue/盛雪), nhà văn người Canada gốc Hoa, cho rằng, cách mạng giấy Trắng là một sự kiện rất có ý nghĩa. 

Bà nói: “Đặc biệt là vì nó đột nhiên phá vỡ sự im lặng chết chóc của ĐCSTQ trong thời gian phong tỏa virus. Cuộc phong tỏa ngột ngạt này đã thực sự chọc thủng thực tế mờ ám. Hình thức của tờ giấy trắng gây được tiếng vang rất lớn, bởi vì nếu liệt kê những tội ác của ĐCSTQ thì thực sự là nhiều đến mức không thể diễn tả được, nhưng tờ giấy trắng đó lại có thể diễn tả được cả nghìn chữ. Nhìn lại, có thể nói đó là lời kêu gọi của thời đại đối với giới trẻ. Đồng thời, sự chuyên chế của ĐCSTQ đã đạt đến mức độ cực kỳ đen tối và tàn bạo”.

Nhà văn Thịnh Tuyết nói thêm rằng: “Năm nay, nhiều nơi tổ chức kỷ niệm một năm Cách mạng giấy trắng, điều này cũng có nghĩa là người dân hy vọng kiểu vạch trần sự chuyên chế của ĐCSTQ có thể tiếp tục được duy trì. Chính phủ Trung Quốc rất lo lắng, sợ hãi. Kể từ cuộc cách mạng giấy trắng vào năm ngoái, họ đã bắt và bỏ tù nhiều người tham gia phong trào này. Một số người còn bị đưa vào bệnh viện tâm thần, một số gia đình bị bức hại, khiến áp lực lên nhiều người tăng gấp đôi.

Trong hoàn cảnh như vậy, tình đoàn kết, tưởng niệm và các hành động ở nước ngoài là vô cùng quý giá. Chúng ta phải để những người phản kháng trong bức tường của chính quyền trung Quốc thấy rằng họ không đơn độc, và họ thực sự đại diện cho nhân loại theo đuổi các quyền cơ bản về tự do, dân chủ, nhân phẩm và ngôn luận, và điều này cần được các giá trị phổ quát của nền dân chủ tự do trên toàn thế giới thừa nhận”.