Ngày 23/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang tìm cách gia hạn thêm sáu tháng đối với thỏa thuận khoa học và công nghệ với Trung Quốc, để có thể đàm phán với Bắc Kinh nhằm “củng cố” hiệp ước này.

Thỏa thuận được ký kết khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Kể từ đó, thỏa thuận được gia hạn khoảng 5 năm một lần.

Nhưng những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và việc đánh cắp các thành tựu khoa học và thương mại của Hoa Kỳ đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ (STA), dự kiến hết hạn vào ngày 27 tháng 8, có nên tiếp tục hay không.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng thông tấn Reuters: “Việc gia hạn thêm sáu tháng sẽ duy trì hiệu lực của thỏa thuận trong khi chúng tôi tìm kiếm thẩm quyền đàm phán để sửa đổi và củng cố các điều khoản của thỏa thuận”.

Thỏa thuận này cung cấp các tiêu chuẩn nhất quán cho hợp tác khoa học của chính phủ và nếu nó hết hiệu lực, mỗi cơ quan sẽ phải đàm phán các thỏa thuận riêng với Bắc Kinh. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm:

“Chúng tôi nhận thấy rõ những thách thức mà chiến lược khoa học và công nghệ quốc gia của Trung Quốc đặt ra, các hành động của Bắc Kinh trong không gian này cũng như mối đe dọa mà họ đặt ra đối với an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ, đồng thời chúng tôi cam kết bảo vệ lợi ích của người dân Mỹ”.

Đảng Cộng hòa cho rằng thỏa thuận này nên bị hủy bỏ. Họ lo ngại về hoạt động gián điệp công nghiệp, ép buộc chuyển giao công nghệ và các chiến thuật khác có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Các quan chức ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cho rằng, nếu không làm như vậy thì Mỹ sẽ mất đi cái nhìn sâu sắc về những tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc.