Nhân dịp một năm “Phong trào giấy Trắng” dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc đột ngột chấm dứt chính sách Zero Covid – chính sách thực thi các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh cực đoan, các hoạt động tưởng niệm đã được tổ chức tại nhiều nơi ở nước ngoài.

Tòa nhà bị bốc cháy ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương, nơi châm ngòi cho “Phong trào giấy Trắng” đã được canh gác bởi những người mặc thường phục trong một năm qua.

Nhiều người trẻ tuổi trong các cuộc biểu tình năm ngoái vẫn mất tích hoặc bị cầm tù, và một số thậm chí đã trốn ra nước ngoài.

Vào cuối tháng 11 năm 2022, hàng chục nghìn người tại hơn 20 thành phố lớn trên 21 tỉnh của Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải và Bắc Kinh đã xuống đường phản đối chính sách Zero Covid của chính phủ Trung Quốc.

Nhiều người lên án sự cai trị độc tài của ĐCSTQ, thậm chí còn hô vang các khẩu hiệu như “Đả đảo ĐCSTQ” và “Chúng tôi muốn nhân quyền”. Cho đến bây giờ, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc vẫn đáng lo ngại.

“Phong trào giấy Trắng” xảy ra trong người dân Trung Quốc vào năm 2022 được châm ngòi bởi vụ cháy chung cư ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương, khi chính phủ Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài đối với người dân. 

Vụ hỏa hoạn vào ngày 24/11/2022 tại tòa nhà chung cư cao tầng ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương có thể đã khiến hơn 40 người chết, trong đó có nhiều trẻ em. 

Vì bị chính phủ phong tỏa các cửa ra vào, các lối lên xuống cầu thang, nên người dân gặp hỏa hoạn đã không thể thoát ra ngoài. Sự phẫn nộ trước số người chết oan ấy đã gây ra “phong trào giấy trắng” quy mô lớn chống lại sự phong tỏa của chính phủ, thậm chí người Trung Quốc từ khắp nơi trên thế giới cũng tham gia đoàn kết.

Vào thời điểm đó, “Phong trào giấy trắng” lan rộng, sinh viên của hơn 200 trường cao đẳng, đại học ở Trung Quốc lần lượt hưởng ứng, tuy nhiên, nó đã bị ĐCSTQ đàn áp, nhiều thanh niên bị chính quyền bí mật bắt giữ, đến giờ vẫn mất tích.

Sau khi các cuộc biểu tình lan rộng, Bắc Kinh bất ngờ dỡ bỏ lệnh phong tỏa do dịch bệnh vào ngày 7/12. Người dân và các cơ sở y tế không chuẩn bị cho sự nới lỏng đột ngột này, dẫn đến số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 tăng vọt.

Thanh niên “Phong trào giấy Trắng” tiếp tục bị đàn áp và bỏ trốn khỏi Trung Quốc

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), sau một năm “Phong trào giấy Trắng” ở Trung Quốc, nhiều người biểu tình trẻ tuổi vẫn mất tích hoặc bị cầm tù. 

May mắn thay, Tiểu Bái (小沛) mới đến Canada để xin tị nạn. Anh nói rằng sau Phong trào giấy Trắng vào cuối tháng 11 năm ngoái, họ thỉnh thoảng bị cơ quan giám sát an ninh nhà nước sách nhiễu và bị đưa đến trại tạm giam nhiều lần. 

Không thể chịu đựng được sự tra tấn về thể xác và tinh thần, không còn cách nào khác, Tiểu Bái phải rời xa gia đình, chạy trốn khỏi Trung Quốc và tìm con đường khác để tiếp tục đấu tranh cho dân chủ và tự do của người Trung Quốc.Tiểu Bái, người không muốn tiết lộ tên đầy đủ của mình vì lý do an ninh, cho biết vào sáng sớm ngày 27/11 rằng, khi Thượng Hải đang trong thời gian bị kiểm soát dịch bệnh vào năm ngoái, anh đã vượt tường lửa và xem tin tức trên Internet. Anh và nhiều người đã xuống đường. Anh thấy những người biểu tình cầm giấy trắng bị bắt và đưa vào xe cảnh sát. Anh quay một số video và đã bị cảnh sát bắt giữ.

Tiểu Bái cho biết, suốt đêm anh đã bị đối xử vô nhân đạo tại đồn cảnh sát ở Thượng Hải, anh nói: “Họ ngoắc tay tôi ra sau lưng và đập đầu tôi vào tường xi măng khiến đầu tôi bị bầm tím. 

Tôi phản kháng nên bị bắt ngồi trên ghế hổ. Cổ tay và mắt cá chân của tôi bị cố định, tôi ngồi đó hơn một tiếng đồng hồ và không cử động được”.

Anh cho biết, ít nhất hơn 30 người trong đêm đó cũng chịu chung số phận như anh.

Mùa xuân năm nay, sau khi tham gia một cuộc thảo luận trên Twitter, nhà của Tiểu Bái đã bị lục soát, còn anh bị đưa đến trại tạm giam trong vài tháng. Vì phản đối sự bất công nên Tiểu Bái đã nhiều lần bị bắt và bị tra tấn. Tháng 10 năm nay, anh vẫn gặp khó khăn với hải quan khi lên chuyến bay ở Thượng Hải. Lúc đặt chân đến Canada, anh vẫn tưởng mình đang mơ.

Tiểu Bái cho biết, nhìn những gì đã xảy ra với cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang), mọi người có thể tưởng tượng rằng người dân Trung Quốc chỉ có thể sống như một thây ma biết đi. 

Anh nói: “Đây chắc chắn là một loại ám sát chính trị, một cựu thủ tướng còn bị đối xử như vậy thì đừng nói đến người dân thường, bị đối xử như con kiến ​​và bị giẫm chết bất cứ lúc nào. Cần rất nhiều can đảm để tham gia vào các hoạt động biểu tình ở Trung Quốc và phải đối mặt với rủi ro lớn, vì vậy người dân hải ngoại chúng tôi cần phải hỗ trợ và đoàn kết với họ”.

Có thông tin cho rằng Trương Tuấn Kiệt (张俊杰), một người tham gia “Phong trào giấy trắng” và là cựu sinh viên Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương, đã trốn khỏi Trung Quốc và sống lưu vong ở New Zealand. 

Trương tiết lộ rằng anh đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần và bị cảnh sát tra tấn hai lần vì tham gia Phong trào giấy Trắng và Phong trào Pháo hoa. 

Anh cho biết: “Tôi rời Trung Quốc chủ yếu để thoát khỏi cuộc đàn áp của ĐCSTQ”. Tuy nhiên, sau khi đến New Zealand, anh vẫn bị cảnh sát Trung Quốc đe dọa.

Vào tháng 12 năm ngoái, Ngô Á Nam (吴亚楠), phó giáo sư tại Đại học Nam Khai, đã được yêu cầu xóa các bình luận trực tuyến có liên quan đến việc ủng hộ sinh viên tham gia “Phong trào giấy Trắng”, và sau đó phó giáo sự bị cưỡng bức vào bệnh viện tâm thần. 

Nhà hoạt động nhân quyền biết ơn những người tham gia phong trào giấy trắng 

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), một năm kể từ Phong trào giấy Trắng, nhiều người trên khắp Trung Quốc vẫn đang ở tù hoặc bị hạn chế tự do và cấm xuất cảnh vì tham gia phong trào này.

Hồ Giai (胡佳), một nhà hoạt động nhân quyền có trụ sở tại Bắc Kinh, người đã bị chính phủ Trung Quốc theo dõi lâu dài và bị hạn chế các quyền tự do cá nhân, đã bình luận về tác động và ý nghĩa của Phong trào giấy Trắng đối với các cá nhân, và xã hội Trung Quốc nói chung.

Hồ Giai cho rằng dưới áp lực của suy thoái kinh tế, một chút tự do nhỏ nhất mà hiện anh cảm nhận được khi trở lại cuộc sống bình thường là nhờ những người trẻ tuổi đã dũng cảm đứng trên các đường phố Trung Quốc.

Trong suốt một năm, những thanh niên này đã trải qua nhiều đợt bị điều tra, bị cảnh cáo hoặc bị bỏ tù. Tuy nhiên, những thông tin này thường được bảo mật chặt chẽ và không tiết lộ cho công chúng.

Hồ Giai nói rằng bất cứ ai ở Trung Quốc muốn tưởng niệm một năm Phong trào giấy Trắng,  người đó chắc chắn sẽ bị tấn công, và trước đó, chính quyền chắc chắn sẽ đưa ra nhiều biện pháp công khai và bí mật khác nhau.