Học theo Triều Tiên ‘biểu tình’ bằng tên lửa trước sự kiện lớn của thế giới, nhưng Bắc Kinh bị chuyên gia vạch trần là còn không ‘hiểu biết’ bằng Triều Tiên. Hơn nữa hành động còn được cho là thực hiện trong sự vội vàng gấp gáp và hoảng loạn. Bên cạnh đó, chuyên gia còn chỉ ra những điểm cho thấy Bắc Kinh thật sự là “bên ngoài hung hăng bên trong yếu đuối”. Và thật không may, khi hành động trùng với một sự kiện khác khiến Bắc Kinh như được xếp vào cùng hàng với khủng bố Hezbolla.

Vào ngày 25/9, các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia đã tập trung tại New York để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc không tham dự, nhưng lực lượng hỏa tiễn của Trung Quốc đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa ra Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng “không nhằm vào bất kỳ quốc gia hoặc mục tiêu cụ thể nào”, nhưng ai cũng biết rằng đây là nhằm vào Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành động hung hăng, trong khi Bắc Kinh thì nóng lòng đáp trả. 

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy hòa bình, trong khi Trung Quốc lại công khai thể hiện sự khiêu khích, thật sự là hành động mà chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Chung Nguyên (钟原) gọi là “ngu ngốc”.

Sau đây là những phân tích của chuyên gia Chung Nguyên.

Trung Quốc cũng học theo Bắc Triều Tiên?

Vào ngày 22/9, trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã tổ chức Đại hội đồng thường niên, nơi các nhà lãnh đạo lần lượt phát biểu, và lãnh đạo Trung Quốc lại một lần nữa vắng mặt. Trong kỳ họp này, hội nghị đã thông qua “Hiệp ước Tương lai,” với hòa bình là chủ đề cốt lõi, và Trung Quốc cũng buộc phải đồng ý. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc không đưa tin về điều này. “Hiệp ước Tương lai” còn nhấn mạnh tầm quan trọng của giải trừ vũ khí hạt nhân và tầm nhìn về một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Trung Quốc lại chọn thời điểm này để phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa ra Thái Bình Dương, đồng thời cố tình nhắc đến “đầu đạn huấn luyện mô phỏng”. Điều này không chỉ nhằm vào Mỹ, mà còn để đe dọa các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Philippines, và tất nhiên còn để hù dọa Đài Loan. Hôm đó, máy bay quân sự Trung Quốc cũng được huy động với số lượng lớn, 22 chiếc vượt qua đường giữa eo biển Đài Loan.

Bắc Kinh chắc chắn biết rằng các nhà lãnh đạo đang tập trung tại Liên Hợp Quốc. Dù lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không đến, nhưng lại chọn thời điểm nhạy cảm để ra lệnh thử nghiệm phóng tên lửa liên lục địa, và còn phải thêm vào câu “đầu đạn huấn luyện mô phỏng”, dường như sợ rằng thế giới không hiểu được sự đe dọa hạt nhân của Trung Quốc.

Gần đây, Bắc Triều Tiên đã thường xuyên thử nghiệm tên lửa, gây ra sự chú ý và lo ngại của quốc tế; nhưng có vẻ như Bắc Triều Tiên cũng biết điều gì nên làm, nên không dám hành động trong thời gian diễn ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Không ngờ Trung Quốc lại học theo Bắc Triều Tiên, và muốn tạo ra sự kinh hoàng lớn hơn, họ đã quyết định gây sức ép trong thời gian này.

Ông Chuyên Nguyên nhấn mạnh, thế giới lại một lần nữa chứng kiến màn trình diễn khác lạ của Trung Quốc, và lại một lần nữa khó hiểu về logic bảo thủ của Bắc Kinh. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không tham gia Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đáng lẽ nên tự nhận thức rằng mình có thể bị bỏ rơi và thậm chí bị nhắm mục tiêu, vậy mà lại chọn cách “phá vỡ mọi giới hạn”, cố tình thể hiện sự khiêu khích trước toàn thế giới?

Trung Quốc đang đối mặt với sự cô lập quốc tế, Mỹ và các đồng minh đang gia tăng áp lực; để giảm bớt áp lực cho mình, Bắc Kinh liên tục hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraina, đồng thời âm thầm khuyến khích Iran, Hamas, Hezbollah, Houthi Yemen và các tổ chức khác làm rối loạn tình hình ở Trung Đông. Có vẻ như những điều này vẫn chưa thực sự làm Bắc Kinh hài lòng, vì vậy họ đã tự mình bước ra ánh sáng.

Không thể chỉ đứng sau gây rối, Bắc Kinh trực tiếp tham gia

Vào ngày 24/9, cố vấn của Tổng thống Ukraina, ông Vladyslav Vlasiuk đã tiết lộ rằng trong số vũ khí Nga được phát hiện trên chiến trường Ukraina, “nếu tính đến tất cả các loại vũ khí thông dụng và các thành phần sản xuất từ nước ngoài, khoảng 60% đến từ Trung Quốc”. Ông Vlasiuk cũng cho biết, Trung Quốc đang đóng vai trò là điểm trung chuyển cho các sản phẩm phương Tây. Ông khẳng định “Trung Quốc là vấn đề lớn nhất”.

Sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga đã đủ lớn, mặc dù quân đội Nga gần đây đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc tấn công ở miền đông Ukraina, nhưng vẫn chưa đạt được các mục tiêu quân sự thực sự. Quân đội Ukraina đã tiến hành tấn công xuyên biên giới, chiếm đóng khu vực Kursk của Nga, và quân đội Nga vẫn chưa đánh bại được lực lượng phản công của Ukraina. Nhìn vào tình hình, có vẻ như ngày hai bên Nga – Ukraina ngồi vào bàn đàm phán không còn xa, và Trung Quốc có lẽ đang cảm thấy lo lắng.

Kế hoạch của Trung Quốc ở Trung Đông cũng không thuận lợi. Hamas đã bị Israel đánh bại, và giờ đây họ bắt đầu đối phó với Hezbollah ở Li-Băng, nhưng người ủng hộ trực tiếp phía sau là Iran lại đột nhiên thay đổi thái độ.

Vào ngày 23/9, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố, “Tôi sẽ ở lại New York lâu hơn so với Tổng thống (Iran), tổ chức nhiều cuộc hội đàm hơn với các Bộ trưởng Ngoại giao khác, và chúng tôi sẽ tập trung vào việc khởi động một vòng đàm phán mới về thỏa thuận hạt nhân”.

Iran cũng nhận thấy tình hình không ổn, đã kịp thời điều chỉnh thái độ đối với Mỹ và phương Tây. Các quan chức Trung Quốc và Nga thường xuyên thăm viếng lẫn nhau và tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, nhưng Iran lại chuẩn bị rút lui, làm sao Bắc Kinh không lo lắng?

Iran đã phải chịu đựng các lệnh trừng phạt của Mỹ trong thời gian dài, và có lẽ đã không thể chịu đựng được thêm nữa. Iran cũng nhận ra những khó khăn nội bộ và ngoại giao của Trung Quốc, và hiểu rằng có thể không thể dựa vào điều đó; Nga lại sa lầy trong cuộc chiến, Iran buộc phải tìm lối thoát cho mình. Vũ khí của Trung Quốc và Nga rõ ràng không đáng tin cậy, mà hàng Mỹ thì đáng tin cậy hơn; Iran không thể dùng vũ khí Trung Quốc và Nga để chống lại Mỹ, cũng khó khăn trong việc đối phó với Israel.

Vào ngày 23/9, Tổng thống Iran mới nhậm chức, Masoud Pezeshkian đã phát biểu với các phóng viên trong thời gian diễn ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York rằng, “Chỉ cần Israel cũng sẵn sàng hạ vũ khí, chúng tôi sẽ làm như vậy”. “Chúng tôi không muốn làm tổn hại đến sự ổn định khu vực”.

Hamas đã gặp khó khăn, nếu Hezbollah không trụ được nữa, Iran chỉ còn cách tự mình ra trận, nhưng Tổng thống Iran mới nhậm chức chắc chắn không ngốc đến vậy. Ông được cho là tương đối ôn hòa, lần này ở New York cũng cố gắng hết sức để tách mình ra khỏi mối quan hệ với Hamas và Houthi Yemen, và đã nói rằng “Chúng tôi hy vọng sống trong hòa bình, không muốn chiến tranh”. Ông thậm chí còn cố tình tạo khoảng cách với Nga, tuyên bố rằng “Chúng tôi không ủng hộ sự xâm lược của Nga đối với Ukraina”.

Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông, tăng cường tương tác với các quốc gia Ả Rập, nhưng vì những phát biểu về các đảo tranh chấp, đã xảy ra hai lần căng thẳng với Iran. Iran và Trung Quốc đều lợi dụng lẫn nhau, nhưng Iran sẽ không cam chịu làm quân cờ bị Trung Quốc điều khiển. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vắng mặt tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong khi Iran đang tận dụng sân khấu này để phát đi tín hiệu hòa hoãn, chuẩn bị rút lui khỏi tiền tuyến. Trung Quốc thì lại hành động ngược lại, cố tình phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, thể hiện tư thế muốn độc lập ra trận.

Trung Quốc phản ứng quá mức hay chậm chạp?

Vào tháng 8/2020, Trung Quốc đã thử nghiệm phóng 2 quả tên lửa Đông Phong-26 và 2 quả Đông Phong-21 vào Biển Đông, chủ yếu nhằm vào Mỹ, nhưng cũng để đe dọa các quốc gia Đông Nam Á.

Vào tháng 8/2022, Trung Quốc đã thử nghiệm phóng 11 quả tên lửa tầm ngắn quanh Đài Loan, trong đó 5 quả rơi vào khu vực kinh tế đặc quyền của Nhật Bản. Trung Quốc đã trực tiếp đe dọa Đài Loan và Nhật Bản, ngay sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ, Nancy Pelosi.

Trung Quốc rất ít khi thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân ra biển quốc tế; được biết lần thử nghiệm gần nhất là vào năm 1980, cách đây đã 44 năm; nhưng Trung Quốc tuyên bố đây là “sắp xếp huấn luyện quân sự thường niên” của Lực lượng Hoả tiễn.

Vào ngày 21/9, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã tổ chức cuộc “Đối thoại An ninh Bộ Tứ” hàng năm, trong tuyên bố chung sau cuộc họp tiếp tục nhắm vào Trung Quốc. Tuyên bố  đoạn: “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc thông qua các hành động đơn phương hoặc lật đổ. Chúng tôi lên án việc phóng tên lửa trái phép gần đây vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong khu vực. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về các hành động nguy hiểm và xâm lược xảy ra gần đây trên biển”.

Nếu Bắc Kinh muốn phản ứng kịp thời, lẽ ra họ nên thử nghiệm phóng tên lửa vào ngày 22/9, nhưng không loại trừ khả năng Lực lượng Hoả tiền của họ đã phải chuẩn bị quá lâu, không thể phóng ngay sau khi nhận lệnh, mà phải đến ngày 25/9 mới hoàn thành việc phóng. Lệnh phóng từ Bắc Kinh lần này có vẻ như là quyết định đột xuất.

“Đối thoại An ninh Bộ Tứ” vốn là cuộc họp kín, nhưng do micro không được tắt, cuộc trò chuyện nội bộ của ông Biden đã “vô tình” bị lộ ra. Biden nói: “Trung Quốc đang tỏ ra hung hăng, đang thử thách chúng ta”.

Vào ngày 22/9, Ấn Độ tuyên bố sẽ không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và đã bày tỏ thái độ đối với Trung Quốc, nói rằng “(ở Ấn Độ) không có ai trong nước muốn ký kết hiệp định thương mại tự do với một nền kinh tế không minh bạch, nền kinh tế có thực tiễn kinh tế rất không minh bạch, hệ thống thương mại, hệ thống chính trị, phương pháp quản lý kinh tế — hoàn toàn khác với những gì thế giới dân chủ mong muốn”.

Vào ngày 23 tháng 9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lâm Kiếm, đã phản đối các “nhóm nhỏ” như vậy. Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng 9, sau cuộc gặp gỡ của các ngoại trưởng Nhóm G7 tại New York, họ chỉ phát hành tuyên bố một lần nữa kêu gọi duy trì hòa bình ở eo biển Đài Loan.

Vào ngày 24 tháng 9, ông Biden đã phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và mối quan hệ Mỹ – Trung là một trong những chủ đề. Ông tiếp tục nhấn mạnh việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, bảo vệ công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ, và nói rằng “Chúng ta phải kiên định với các nguyên tắc của mình, quản lý một cách có trách nhiệm cuộc cạnh tranh với Trung Quốc”, để không rơi vào xung đột.

Nếu việc phóng tên lửa của Trung Quốc vào ngày 25 tháng 9 là để phản ứng lại bài phát biểu của ông Biden tại Liên Hợp Quốc vào ngày 24 tháng 9, thì điều này rõ ràng là nhắm vào Mỹ, chứ không phải là “không nhằm vào bất kỳ quốc gia hoặc mục tiêu cụ thể nào” như họ nói. Trung Quốc hoàn toàn có thể chọn phản ứng sau Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng có vẻ như họ không thể chờ đợi, cho thấy đây là phản ứng thái quá trong tình thế gấp gáp hoảng loạn.

Nếu Bắc Kinh đang nhắm vào “Đối thoại An ninh Bộ Tứ” và lời của ông Biden, thì quyết định phản ứng có vẻ chậm chạp, có thể do Lực lượng Hoả tiễn của Trung Quốc cần quá nhiều thời gian để vận hành, dẫn đến phản ứng chậm.

Hình mẫu điển hình của sự hung hăng bên ngoài nhưng yếu đuối bên trong

Mỹ và Liên Xô từng ký Hiệp ước hạn chế các tên lửa tầm trung đất liền của mỗi bên, nhằm ngăn chặn đối phương khai triển tên lửa tầm trung gần lãnh thổ của mình, đặc biệt là mang đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc không bị ràng buộc bởi hiệp ước này, tranh thủ phát triển các tên lửa tầm trung đất liền như Đông Phong-21, Đông Phong-26, và tuyên bố có khả năng ngăn chặn sự can thiệp của quân đội Mỹ vào eo biển Đài Loan.

Vào năm 2019, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, Donald Trump, đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước với Nga. Đến năm 2024, hệ thống tên lửa tầm trung đất liền của quân đội Mỹ đã được khai triển tại Philippines. Trung Quốc từng nghĩ rằng mình đã có lợi thế trong việc khai triển tên lửa tầm trung đất liền, nhưng giờ đây quân đội Mỹ đã bù đắp được khoảng trống này và còn có ưu thế rõ rệt về tên lửa phóng từ tàu chiến và máy bay. Nếu Trung Quốc lại phóng tên lửa tầm trung, có lẽ chỉ làm xấu mặt mình.

Quân đội Mỹ đã nắm rõ tình báo về Lực lượng Hoả tiễn của Trung Quốc, cho thấy chất lượng và hiệu suất của tên lửa Trung Quốc kém và tình trạng bảo trì cũng không tốt, việc Lực lượng Hoả tiễn bị thanh tra cũng liên quan đến điều này. Số lượng tên lửa Đông Phong-21 của Trung Quốc đang nhanh chóng suy giảm, có lẽ từ đầu đã không có giá trị thực tế, và điều này cũng chứng minh thông tin tình báo của Mỹ. Trong tình hình này, Trung Quốc chỉ còn cách hiếm hoi đưa ra tên lửa đạn đạo liên lục địa để thực hiện đe dọa hạt nhân.

Tuyên bố của Tân Hoa Xã nói rằng “đây là cách hiệu quả để kiểm tra hiệu suất trang bị vũ khí và trình độ huấn luyện của lực lượng”. Mọi người cho rằng Trung Quốc có thể đang cố ý thể hiện rằng Lực lượng Hoả tiễn vẫn có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, việc Lực lượng Hoả tiễn trực tiếp đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa ra, về cơ bản cho thấy Bắc Kinh thiếu sự tự tin đối với các tên lửa tầm trung hiện có của Lực lượng Tên lửa. Đây có lẽ là thực tế mà lực lượng này phải đối mặt sau khi bị thanh tra.

Ông Chuyên Nguyên cho rằng, Trung Quốc đã nâng cao mức độ đối kháng giữa Trung Quốc và Mỹ lên thành đối kháng hạt nhân, thực tế cũng đồng nghĩa với việc ngầm thừa nhận rằng trang bị vũ khí thông thường không thể so sánh với Mỹ; chính vì Bắc Kinh lo lắng về khả năng thua trong xung đột thông thường với Mỹ và các đồng minh, mà buộc phải sử dụng phương thức đe dọa hạt nhân. Nói cách khác, Trung Quốc vào lúc này không dám phát động chiến tranh, nhưng lại sợ bị đánh, vì vậy mới đưa ra các phương tiện hạt nhân để tăng cường lòng dũng cảm. Phản ứng thái quá như vậy thực sự phơi bày nỗi sợ hãi lớn lao của Bắc Kinh.

Cuộc chiến Nga – Ukraina vẫn đang tiếp diễn, và chiến lược của quân đội Mỹ cùng các đồng minh trong việc hỗ trợ Ukraina, làm suy yếu Nga vẫn không thay đổi, có lẽ hiện đã đến một bước ngoặt; một khi Nga không thể trụ vững và buộc phải rút quân, thì mục tiêu tiếp theo sẽ là Trung Quốc. Nỗi sợ hãi của Bắc Kinh đã đến sớm, càng nghĩ càng sợ, vì thế mới phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, và còn cố tình chọn thời điểm diễn ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Lần này, có lẽ Bắc Kinh không định chuyển hướng chú ý, mà thực sự muốn tạo ra hiệu ứng chấn động, điều này thực sự phơi bày sự hung hăng bên ngoài nhưng yếu đuối bên trong. Nếu không, họ đã không nhấn mạnh đến việc “mang theo đầu đạn huấn luyện mô phỏng”.

Kết luận

Thật không may, vào cùng ngày, Hezbollah đã lần đầu tiên phóng một tên lửa đạn đạo về phía Israel, và sự kiện này lại trùng hợp với hành động của Trung Quốc. Việc Trung Quốc phóng tên lửa trong thời gian diễn ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tương đương với việc ngang hàng với hành động của Hezbollah, thể hiện một mặt xấu xa và hiểm ác trước thế giới, đồng thời tiết lộ nỗi sợ hãi lớn lao trong lòng.

Các quốc gia đối mặt với sự đe dọa hạt nhân của Trung Quốc có thể sẽ phản ứng mạnh mẽ, và hiệu ứng đạt được có lẽ sẽ hoàn toàn trái ngược với những gì Bắc Kinh mong muốn. Cuối cùng chuyên gia Chung Nguyên kết luận: “Quyết định của Bắc Kinh không chỉ đơn giản là ngu ngốc, mà còn là điều vô cùng ngu ngốc”.