Thông tin lô hàng hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su mang thương hiệu Việt bị thu hồi ở Nhật Bản vừa qua với lý do có chất phụ gia axit benzoic cấm lưu hành tại Nhật, đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây.

Theo thông tin được đăng tải vào ngày 2/4 trên trang thông tin của thành phố Osaka (city.osaka.lg.jp), ngày 8/3/2019, có liên lạc từ Cục sức khỏe và phúc lợi Tokyo cho biết Tổ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm số 1 của quận Shinjuku đã thu hồi tương ớt được bày bán ở một số cửa hàng trong quận.

Sau khi giám định, thấy trong sản phẩm có sử dụng chất axit benzoic không được phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật. Ngay sau đó, Cục trưởng cục sức khỏe thành phố Osaka đã ban hành lệnh yêu cầu công ty vi phạm thu hồi toàn bộ sản phẩm kể trên, tổng số lượng là 18.168 chai.

Những chai tương ớt bị thu hồi ở thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Osaka City)

Vào ngày 6/4, Công ty CP hàng tiêu dùng Masan – nơi được cho là sản xuất những chai tương ớt trên lên tiếng xác nhận vụ việc, khẳng định rằng, chưa từng xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp tương ớt này vào thị trường Nhật Bản.

Trong khi đó, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, dù chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản, nhưng Cục cũng đang chủ động khẩn trương kiểm tra về sự việc này và sẽ có thông tin chính thức sau khi đã có các thông tin chính xác, tin cậy.

Hàm lượng phụ gia thực phẩm axit benzoic được Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka kiểm tra trên sản phẩm Tương ớt Chin-Su này là từ 0,41 – 0,45 g/kg nằm trong giới hạn an toàn (tối đa 1 g/kg sản phẩm). Tuy nhiên, vụ việc xảy ra đã có nhiều luồng thông tin về việc sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng quyết dừng việc sử dụng tương ớt này cho đến khi có câu trả lời thích đáng từ cơ quan chức năng. Liệu rằng, chất phụ gia có trong tương ớt này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng?

Để giúp độc giả hiểu hơn về axit benzoic, người viết xin đưa ra một số thông tin về chất được sử dụng làm phụ gia trong những chai tương ớt này.

Axit benzoic là gì?

Axit benzoic là một chất rắn tinh thể không màu và là dạng axit cacboxylic thơm đơn giản nhất. Trong điều kiện bình thường, nó có vẻ ngoài trắng mịn, bao gồm các tinh thể dạng kim. Axit này và các muối của nó được sử dụng làm chất bảo quản thực phẩm.

Axit benzoic có mặt ở đâu trong cuộc sống thường nhật?

Axit benzoic là một hợp chất được tìm thấy trong tự nhiên và nguồn tổng hợp, bao gồm một số loại trái cây, đồ uống và thực phẩm chế biến. Nó được dùng làm chất bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Đôi khi được tìm thấy trong mỹ phẩm hoặc kem bôi da mục đích làm giảm viêm và kích ứng da, đặc biệt là khi kết hợp với axit salicylic.

Axit benzoic được dùng để sản xuất thuốc sát trùng tại chỗ. (Ảnh: Thuocdantoc.vn)

Theo wikipedia, axit benzoic là một thành phần của thuốc mỡ Whitfield, dùng để điều trị các bệnh về da như nấm da, giun đũa. Axit benzoic là thành phần chính của kẹo cao su benzoin, và cũng là thành phần chính trong cả hai loại thuốc benzoin và Friar’s balsam. Các sản phẩm này có một lịch sử sử dụng lâu dài như thuốc sát trùng tại chỗ và thuốc thông mũi hít.

Axit benzoic có nhiều trong vỏ cây anh đào, quất, mận, hồi và cây chè. Ngoài ra, chúng được sử dụng trong việc bảo quản các thực phẩm như: Sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây, rau thanh trùng… Liệu lượng cho phép tối đa là 0.1 – 0.12%, thường dùng 0.05 – 0.075% đối với nước quả chua và 0.075 – 0.1% đối với nước quả ít chua.

Lịch sử sử dụng axit benzoic

Axit benzoic tác dụng theo cơ chế trực tiếp. Khi các phân tử axit benzoic khuếch tán vào bên trong tế bào vi sinh vật nó sẽ tác động lên một số enzyme gây hạn chế sự trao đổi chất, làm ức chế quá trình hô hấp của tế bào, ức chế quá trình oxy hóa glucose và pyruvate, đồng thời làm tăng nhu cầu oxy trong suốt quá trình oxy hóa glucose nên có tác dụng ngăn cản sự phân đôi của vi khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm. Do đó, nó đã được ứng dụng trong việc sản xuất thuốc sát trùng và bảo quản thực phẩm.

Năm 1875, các nhà khoa học đã phát hiện ra khả năng kháng nấm của axit này, do đó nó đã được sử dụng làm bảo quản các trái cây có chứa benzoat.

Tuy nhiên, từ đầu những năm 1900, người ta đã chứng minh được axit benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene – một chất có khả năng gây ung thư.

Sử dụng axit benzoic thế nào để an toàn?

Đối với con người, khi vào cơ thể axit benzoic tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài. Tuy nhiên nếu ăn quá nhiều axit benzoic cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.

Vì axit benzoic có thể gây độc hại, lượng có thể được thêm vào thực phẩm được kiểm soát cẩn thận. Theo Codex, cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) quản lý, giới hạn lượng axit benzoic hoặc natri benzoate ở mức 0,05 – 0,1% theo thể tích. Hầu hết các loại thực phẩm được phép không quá 1g/kg thực phẩm. Các sản phẩm trứng lỏng, thực phẩm ăn kiêng, kẹo cao su và rau quả chế biến là một trong những thực phẩm chấp nhận lượng benzoate được phép cao nhất. Liều tiêu thụ khuyến cáo không nhiều hơn 5 mg/kg thể trọng, theo WHO.

Ngày nay, những thực phẩm chế biến sẵn rất nhiều trên thị trường. Các nhà sản xuất thường sử dụng các chất phụ gia trong giới hạn cho phép để bảo vệ sản phẩm của mình. Do đó, tùy vào lựa chọn của bản thân, bạn có thể tìm những sản phẩm phù hợp với gia đình của mình.

Duy Anh