Một tàu ngầm lớp Minh thuộc Hạm đội Bắc Hải của Hải quân Trung Quốc gặp nạn khi đang thực hiện nhiệm vụ khiến 70 thủy thủ thiệt mạng không rõ nguyên nhân. Câu chuyện ít được biết đến này cho đến nay vẫn còn để lại nhiều giả thuyết.

Sự việc xảy ra ngày 16/4/2003 khi con tàu mang số hiệu 361 đang thi hành nhiệm vụ tại vùng biển phía đông đảo Neichangsen thuộc biển Bắc ở đông bắc Trung Quốc. 

Vào ngày 25 tháng 4 năm 2003, thủy thủ đoàn của một chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc phát hiện một cảnh tượng kỳ lạ – một kính tiềm vọng trôi lơ lửng trên mặt nước. Các ngư dân đã thông báo cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) đã nhanh chóng cử hai tàu để điều tra.

Ban đầu PLAN cho rằng đó là một tàu ngầm xâm nhập từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Nhưng các thông tin này nhanh chóng bị loại trừ và họ nhận ra đó là một trong những tàu ngầm diesel của họ, chiếc 361.

Nó là một tàu ngầm lớp Minh – thế hệ tàu ngầm được Hải quân Trung Quốc “sao chép” từ thế hệ tàu ngầm Romeo của Liên Xô vốn phát triển từ dòng U-Boat của Đức quốc xã.

Tàu ngầm 361 trong hạm đội biển Bắc gồm 4 chiếc cùng thuộc lớp Minh (Ảnh: The National Interest)

Chiếc tàu ngầm lớp Minh đầu tiên được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Wuchen và hạ thủy vào tháng 4/1968. Cho đến khi xảy ra vụ tai nạn của chiếc tàu ngầm 361, đã có 21 tàu ngầm thế hệ Minh được hạ thủy. Chiếc tàu ngầm 361 thuộc Hạm đội Bắc Hải và được hạ thủy vào năm 1995. Theo quy ước, thủy thủ đoàn của loại tàu ngầm thế hệ Minh gồm 55 người, trong đó có 9 sĩ quan và 46 thuyền viên.

Theo thông báo chính thức của Hải quân Trung Quốc về vụ tai nạn của chiếc tàu ngầm 361, có đến 70 sĩ quan và thuyền viên đã tử vong vì ngạt thở khi hệ thống máy chính của tàu ngầm gặp sự cố và đột ngột ngừng hoạt động khi đang lặn xuống khiến nguồn ôxy cung cấp cho thủy thủ đoàn bị gián đoạn.

Tuy nhiên, thông báo của Hải quân Trung Quốc có nhiều mâu thuẫn với khai báo của những ngư dân đã phát hiện ra chiếc tàu gặp nạn, ngoài ra do thời gian mất tích của tàu ngầm lại kéo dài đến 10 ngày nên đã làm phát sinh nhiều giả thuyết thực sự về nguyên nhân gây nên thảm kịch của chiếc tàu ngầm 361 xấu số.

Chiếc tàu được tìm thấy sau tận 10 ngày trôi dạt trên biển (Ảnh minh họa)

Giả thuyết đầu tiên được đưa ra là tàu ngầm 361 đã gặp nạn khi đang thử nghiệm một công trình nghiên cứu liên quan đến lực đẩy và sức chứa trong trường hợp phải làm công tác cứu hộ một tàu ngầm khác gặp nạn hay đưa điệp viên, lính đặc biệt thi hành nhiệm vụ trên lãnh thổ đối phương một cách bí mật.

Bằng chứng là một tàu ngầm thế hệ Minh chỉ có sức chứa tối đa không quá 55 người. Vậy mà khi gặp nạn, trên chiếc tàu ngầm 361 lại có sự hiện diện của 70 người, vượt quá mức quy ước đến 15 người.

Cuộc thử nghiệm này vô tình đã gây nên thảm họa. Và để bưng bít nguyên nhân chính của vụ tai nạn, Hải quân Trung Quốc đã không báo cáo vụ việc và tự tổ chức truy tìm chiếc tàu gặp nạn. Đây chính là lý do phải mất đến 10 ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, chiếc tàu ngầm 361 mới được phát hiện. Tất nhiên, theo giải trình từ phía Hải quân Trung Quốc, 15 người dư ra là học viên của học viện hải quân Trung Quốc, đi cùng để tập huấn.

Một giả thuyết khác được đưa ra là nhiều khả năng nước biển đã rò rỉ vào hệ thống ắcquy cung cấp năng lượng cho tàu và đã làm phát sinh khí độc chlorine? Loại khí độc này một khi phát tán sẽ gây tử vong cho toàn bộ thủy thủ đoàn trong tích tắc.

Các nguyên nhân kĩ thuật được nghi vấn đầu tiên, bao gồm: hỏng động cơ, rò rỉ nước, hỏng định vị… (Ảnh minh họa)

Không chỉ bị nghi ngờ để nước rò rỉ, hệ thống định vị cũng bị đưa vào diện nghi vấn.Vùng biển ngoài khơi bán đảo Liaodong, được xác định là địa điểm xảy ra vụ tai nạn chỉ có độ sâu từ 100 đến 200m. Về mặt lý thuyết, đây là độ sâu không đủ đáp ứng cho yêu cầu lặn của các tàu ngầm. Do đó, rất có thể hệ thống định vị đã gặp trục trặc hoặc lái tàu mất tập trung nên đã điều khiển tàu ngầm di chuyển vào vùng nước nông khiến nó gặp nạn khi lặn xuống.

Các giả thuyết về trục trặc kĩ thuật nêu trên càng có dịp được khẳng định khi mà sau khi vụ tai nạn xảy ra, Quân đội Trung Quốc đã quyết định đình chỉ vô thời hạn kế hoạch chế tạo tàu ngầm thế hệ Minh và chuyển sang chế tạo thế hệ tàu ngầm thế hệ Tống hiện đại và an toàn hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một giả thuyết khác thu hút được sự quan tâm của dư luận. Đó là vụ tai nạn của tàu ngầm 361 xảy ra có nguyên do từ việc thử nghiệm thế hệ vũ khí bí mật có tên gọi AIP của Hải quân Trung Quốc. Đây là loại vũ khí sử dụng sóng điện từ phát ra từ một hay nhiều thiết bị tạo sóng để làm tê liệt hoạt động của con người và thiết bị quân sự của đối phương.

Loại vũ khí này từng được quân đội Mỹ thử nghiệm vào năm 2000 đối với các hoạt động quân sự trên đất liền. Có thể sau một thời gian tìm hiểu, Trung Quốc cũng theo đuổi việc chế tạo loại vũ khí này. Và việc thử nghiệm nguyên mẫu dưới nước vào ngày 16/4/2003 đã gây tai nạn cho chiếc tàu ngầm 361.

Mỹ từng thử nghiệm vũ khí điện từ năm 2000 (Ảnh minh họa)

Giả thuyết này cũng có sức nặng không nhỏ bởi theo tiết lộ của một chuyên viên điều tra với Tân Hoa Xã, sau khi được kéo về quân cảng Đại Liên, đội kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân tai nạn đã không phát hiện bất cứ dấu vết gì liên quan đến hỏng hóc của hệ thống máy chính của tàu, cũng không có sự hiện diện của khí độc chlorine trong thân tàu. Cho nên, cái chết của 361 thủy thủ nhiều khả năng do một loại vũ khí phi sát thương thông thường chưa hoàn thiện gây ra không phải là không thể.

Ngoài ra, sự hiện diện của các nhân viên bổ sung và đại tá hải quân cấp cao Cheng Fuming dẫn đến kết luận chung rằng 361 không thi hành một nhiệm vụ thường lệ.

Nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn cho đến nay vẫn chưa được tìm ra. Và với chính sách bảo mật khắt khe của Trung Quốc, có lẽ sẽ phải rất lâu nữa chúng ta mới có thể biết được câu trả lời.

Nhật Minh