Hai robot thám hiểm được thả từ tàu thăm dò Hayabusa-2 đang dần tiếp cận bề mặt của một tiểu hành tinh có chiều rộng 1km được gọi là Ryugu. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Hayabusa-2 sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên thành công trong việc đưa robot tới bề mặt của một tiểu hành tinh.

Theo BBC, tàu Rover 1A và Rover 1B sẽ di chuyển bằng cách đi vào những điểm có lực hấp dẫn thấp của Ryugu; nhiệm vụ của chúng là chụp ảnh bề mặt tiểu hành tinh và đo nhiệt độ. Tàu Hayabusa-2 đã tiến đến được tiểu hành tinh Ryugu vào tháng 6 năm nay sau một cuộc hành trình kéo dài ba năm rưỡi.

Tiểu hành tinh 162173 Ryugu (Ảnh: Jaxa)

Tảng đá không gian rộng 1km này được biết tới một cách chính thức với tên gọi 162173 Ryugu, đây là một loại tiểu hành tinh đặc biệt nguyên thủy, một di tích còn sót lại từ những ngày đầu của Hệ Mặt Trời. Nghiên cứu nó có thể làm sáng tỏ nguồn gốc và sự hình thành của hành tinh chúng ta.

Các robot thám hiểm được lưu trữ các trong thùng chứa hình trống gắn với tàu mẹ Hayabusa-2, được gọi là Minerva II-1.

Sáng thứ năm tuần này, Hayabusa-2 bắt đầu giảm dần tốc độ về phía bề mặt của Ryugu để chuẩn bị cho việc triển khai. Sau đó một ngày, ở khoảng cách khoảng 60m so với tiểu hành tinh, Hayabusa-2 bắt đầu tiến hành thả hai robot thăm dò.

Hai robot thăm dò trên tàu Hayabusa-2 (Ảnh: Jaxa)

Các quan chức cơ quan không gian Nhật Bản nói rằng khi mặt trước của thùng chứa được thả vào không gian, hai robot thăm dò sẽ được đẩy ra khỏi thùng chứa và rơi một cách độc lập xuống bề mặt của tiểu hành tinh. Mỗi robot chứa một động cơ bên trong để tạo ra lực đẩy chúng lên trên bề mặt. Chúng cũng được trang bị camera góc rộng âm thanh nổi để gửi về tàu mẹ sau đó từ tàu mẹ chuyển tiếp về mặt đất những hình ảnh từ Ryugu.

Một trong những khó khăn cho việc triển khai các tàu thăm dò này là bề mặt Ryugu phức tạp hơn dự kiến, được trải thảm với rất nhiều các tảng đá và có ít các bề mặt trơn nhẵn.

Hayabusa-2 đã được phóng từ Trung tâm phóng tên lửa Tanegashima ở miền nam Nhật Bản vào ngày 3 tháng 12 năm 2014. Các quan chức và nhà khoa học từ Cơ quan thăm dò vũ trụ Nhật Bản (Jaxa) – nơi điều hành hoạt động của Hayabusa-2 rất kì vọng vào chuyến thăm dò này.

Vào ngày 3 tháng 10, tàu mẹ sẽ triển khai thêm modul đổ bộ Mascot, được phát triển bởi Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức (DLR) cùng với Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES).

Modul đổ bộ Mascot, được phát triển bởi Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức (DLR) cùng với Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES). Ảnh: Jaxa

Cuối tháng 10, Hayabusa-2 sẽ xuống bề mặt của Ryugu để lấy mẫu đá và đất, đồng thời kích nổ một lượng chất nổ để tạo ra một hố sâu tại bề mặt của Ryugu.

Hayabusa-2 sau đó sẽ đi xuống hố sâu này để thu thập những tảng đá mới không bị thay đổi do tiếp xúc với môi trường không gian.

Những mẫu này sau đó sẽ được gửi về Trái đất để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Tàu vũ trụ sẽ khởi hành từ Ryugu vào tháng 12 năm 2019 để trở về Trái đất với các mẫu đất đá thu thập được trên tiểu hành tinh. Jaxa cho biết nó sẽ tiếp đất vào năm 2020.

Video:

 

Nhật Quang