Nếu nhìn từ vũ trụ, Trái Đất chúng ta thường có màu xanh lục hoặc xanh lơ trông rất dịu mắt. Nhưng nếu đến gần mặt đất, bạn sẽ thấy duy nhất một màu nâu. Điều này từ đâu mà ra?
Nếu bạn có thời gian đi dạo vào một buổi tối yên bình, ngoài việc ngắm những cảnh vật xung quanh mình, hãy cúi xuống và kiểm tra các vết bụi bẩn. Ở hầu hết các khu vực trên thế giới, trong trường hợp này, bạn sẽ thấy dưới chân mình là một màu nâu.
Đây là một điều được chấp nhận trong quy luật tự nhiên: Bầu trời có màu xanh, Mặt Trời có màu vàng và đất có màu nâu. Nhưng đây có phải là sự lựa chọn đã được ấn định trong vũ trụ hay không?
Theo ScienceABC, đa số đất sẽ có màu nâu (dù không phải là tất cả) bởi vì cacbon do các vi sinh vật để lại.
Khi động vật chết đi, hoặc lá cây khô héo và rơi xuống, mang theo carbon mà chúng đã dự trữ vào lòng đất. Và lúc này bữa tiệc của các vi sinh vật trên thế giới bắt đầu.
Những vi khuẩn này bắt đầu phân hủy các dạng sống dựa trên cacbon với các enzym đặc trưng có thể phá vỡ nguyên vật liệu thành những thành phần nhỏ hơn và dễ dàng hơn để tiêu hóa. Chúng xử lý một lượng lớn cacbon từ thực vật và động vật chết, thậm chí còn dung nạp một số nguyên tố vào trong tế bào của mình.
Vì vi khuẩn không thể sống trong một thời gian dài nên không thể xử lý hết những cái xác này, nên rất nhiều trong số đó sẽ bị bỏ lại. Sau đó, khi những vi sinh vật chết đi, xác của chúng với đầy cacbon sẽ chất chồng trên mặt đất. Phần lớn cacbon sẽ được trả lại vào khí quyển hình thành khí CO2, phần còn lại nằm trên mặt đất ở giai đoạn cuối cùng trong chu kỳ cacbon.
Vì vậy những nơi có động vật, thực vật hay thảm cỏ tự nhiên thường có hàm lượng cacbon rất cao. Chúng là những chuỗi cacbon hay còn gọi là hợp chất humic được tìm thấy với nồng độ cao trong các loại đất dạng này. Nếu theo cách gọi dân dã thì hợp chất này được gọi là vật liệu mùn, chất đống năm này qua năm khác.
Và cũng như màu sắc của bất kỳ vật thể nào khác, màu sắc của đất phụ thuộc vào những gì mà các bước sóng của ánh sáng hấp thụ hoặc phản xạ lên vật thể đó. Chính kho tích lũy cacbon này hấp thụ hầu hết màu sắc trong quang phổ Mặt Trời, trừ ánh sáng màu nâu bị nó phản xạ trở lại mắt chúng ta nên thông thường mọi người thường nhìn thấy đất có màu nâu.
Ngoài ra, khi loại đất nâu xỉn này ẩm ướt, nó thường chuyển sang màu nâu sẫm hay thậm chí là sang màu đen. Nghĩa là, đất ở những nơi khác trên thế giới sẽ có màu sắc khác biệt hoàn toàn vì có vô vàn hợp chất trong đất, phụ thuộc vào vị trí địa lý, độ cao, nhiệt độ, nguồn nước, các hợp chất protein và nhiều yếu tố khác.
Ví dụ một số sa mạc chỉ có cát trắng. Đất ở Hawaii, giàu sắt, lại có màu hơi đỏ. Đào sâu xuống đất ở một vài vùng có màu nâu bẩn, bạn sẽ thấy các màu khác bên dưới.
Sơn Tùng