Sự phát triển chóng mặt của công nghệ sẽ khiến hàng loạt người rơi vào tình trạng thất nghiệp trong thập niên tới nếu không nhanh chóng đề cao năng lực bản thân.
Quay trở lại thời gian những năm 1900, hầu hết nước Mỹ đều có lực lượng lao động trong các trang trại và lượng lương thực được sản xuất ra chỉ cung cấp vừa đủ cho một quốc gia có dân số thấp. Hiện tại, chỉ có chưa đầy 2% người Mỹ còn làm việc trong các trang trại vì công nghệ đã cách mạng hóa ngành này. Tự động hóa đã giành quyền kiểm soát.
Ngày nay, tình trạng này cũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác, điều quan trọng là chúng khiến cho lao động thủ công cũng bị ảnh hưởng. Gần đây, một nghiên cứu mới đã hé lộ thực tế này. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp McKinsey, vào năm 2030, tới một phần ba lực lượng lao động tại Mỹ (73 triệu người) có thể mất việc làm bởi tự động hóa.
Theo Iflscience, tổng cộng sẽ có tới hơn 800 triệu người trên toàn thế giới sẽ không còn việc làm bởi sự tiến bộ của máy móc. Những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới chính là những quốc gia có nguy cơ cao nhất.
Ít nhất 375 triệu người bị ảnh hưởng tương đương khoảng 14% lực lượng lao động toàn cầu sẽ phải tìm kiếm việc làm trong các lĩnh vực hoàn toàn khác.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan tâm ở đây không chỉ là về tình trạng thất nghiệp. Những người may mắn vẫn còn việc làm sẽ phải thích ứng và tiến hóa để đảm bảo rằng họ vẫn còn phù hợp với “những máy móc ngày một tân tiến bên cạnh họ”.
Bản báo cáo có giải thích: “Một vài sự thích ứng sẽ đòi hỏi trình độ học vấn cao hơn, hoặc dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động đòi hỏi kỹ năng xã hội và kỹ năng cảm xúc, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng nhận thức cao và các kỹ năng khác tương tự vì chúng khá khó khăn để có thể áp dụng vào tự động hóa.”
Nghiên cứu này có lẽ đã chỉ ra một sự thực không thể tránh khỏi của tiến bộ xã hội. Khi khoa học và công nghệ trở nên tiên tiến hơn, chúng sẽ khiến cách xã hội hoạt động dần thay đổi theo.
Các tác giả của nghiên cứu này giải thích rằng sự tăng nhanh của tự động hóa sẽ “tạo ra những lợi ích đáng kể cho người dùng, các doanh nghiệp và các nền kinh tế, nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế”. Họ cũng thêm rằng “nó sẽ tạo ra những ngành nghề mới mà ngày nay không có, nhiều như những gì mà các công nghệ của quá khứ đã từng làm được.”
Không có điểm nào phải tranh luận về sự thay đổi nói chung là tích cực này, nhưng báo cáo này cho thấy cuộc tranh luận gây tranh cãi này cần được xem xét lại một cách nhanh chóng.
Theo cùng một cách mà những người trong ngành công nghiệp than đá vốn đang hấp hối có thể được đào tạo lại để làm việc trong ngành năng lượng sạch, những người mất việc vào tay máy móc phải được đào tạo nâng cao để phụ trách tự động hóa ở một trình độ nào đó – hoặc ít nhất cũng được tạo cho cơ hội tốt để chuyển đổi nghề nghiệp.
Dù thế nào thì họ rõ ràng sẽ cần rất nhiều sự trợ giúp, và đó là vấn đề then chốt ở đây.
Tình trạng thất nghiệp kéo theo rất nhiều oán giận, và nó thường khiến con người đi trệch hướng và bị lôi kéo. Nếu vấn đề này không được chú ý nhiều hơn, tương lai ắt hẳn sẽ chìm trong rất nhiều các vấn đề tiêu cực.
Nhật Quang