Quái vật hồ Loch Ness lại một lần nữa xuất hiện trên bản tin thời sự, khi một người đàn ông Scotland cho rằng thước phim được quay năm 2007 của ông có lẽ không phải là về con thủy quái nổi tiếng này, mà thực ra là của một con lươn khổng lồ dài 3-4,5 m.
Điều này cũng khó có khả năng xảy ra. Chỉ có một loại lươn duy nhất ở hồ Loch Ness, và nó có thể lớn đến tối đa là 1,5 m. Đã có các báo cáo về việc bắt được những con lươn dài 2,1-2,7 m ở hồ Loch Ness, nhưng kích thước như vậy dường như đã phản bác tính khoa học.
Hồ Loch Ness dài 32 km và sâu 230 m, rất nhiều người từng tuyên bố đã bắt gặp con quái vật này nói rằng nó có rất nhiều nơi để lẩn trốn. Hồ Loch Ness (ở Scotland) chứa nhiều nước ngọt hơn tất cả hồ ở Anh và xứ Wales hợp lại.
Quang cảnh từ bờ hồ Loch Ness nhìn về phía nam. (Ảnh: Wikimedia)
Báo chí Scotland đã đưa tin rằng bí ẩn về thước phim mới nhất về quái vật hồ Loch Ness vào năm 2007 đã có lời giải. Tờ Scotsman cho hay:
“Người đàn ông từng quay một trong số những thước phim nổi tiếng nhất về quái vật hồ Loch Ness đã thừa nhận rằng đây có thể là một con lươn khổng lồ. Gordon Holmes, người từng quay được những bóng hình màu đen di chuyển tại hồ Loch Ness từ bên vệ đường vào năm 2007, đã đồng tình khi cho biết một chuyên gia máy tính người Mỹ từng phân tích thước phim này có thể đã có lời giải. Ông Holmes, từ Shipley, ở hạt Tây Yorkshire, hiện tin rằng loài sinh vật này là những con lươn dài khoảng từ 3-4,5 m. Một vị kỹ thuật viên trường đại học đã nghỉ hữu đã ghé thăm hồ Loch Ness được sáu lần trong quá khứ. Video dài 2 phút của ông, được quay từ một điểm dừng xe trên tuyến đường A82, cho thấy một bóng hình dài màu đen di chuyển ngay bên dưới mặt nước. Nó đã lên mặt báo trên khắp thế giới, nhưng rất nhiều người đã bày tỏ sự hoài nghi”.
Nhưng ngay cả giả thuyết này cũng phải được xem xét cẩn thận. Loài lươn lớn nhất hiện nay là lươn moray vốn có thể lớn đến 2-3 m. Và lươn moray không phải loài cá nước ngọt. Chúng sống ở ngoài biển. Có một loại lươn sinh sống ở Loch Ness—loài lươn Châu Âu hay Anguilla anguilla vốn có thể lớn đến chiều dài tối đa 1,5 m. Tuy nhiên, thường chỉ bắt gặp các cá thể lươn ngắn hơn như vậy rất nhiều, bằng khoảng một nửa kích thước. Bill Appleton, chủ một hãng phần mềm ở Mỹ, đã làm ổn định một thước phim “loài lươn” này rồi gửi đến một trang web về các hiện tượng siêu nhiên. Ông Holmes nói rằng video ổn định này chứng minh ông đã nhìn thấy một con lươn khổng lồ.
Tờ Press and Journal dẫn lời ông Holmes: “Sau một vài đánh giá, tôi tin rằng loài sinh vật này dài khoảng 3,7 m. Vì loài lươn trông có vẻ kỳ lạ, cổ đại, và mang dáng dấp quái vật, nên nó có thể lý giải cho một vài các vụ chứng kiến ở hồ Loch Ness trong nhiều thế kỷ qua”. Một số người tin rằng thực sự có một con thủy quái đã cư trú ở hồ Loch Ness trên Cao nguyên Scotland. Hứng thú và niềm tin vào sự tồn tại của con vật này đã thay đổi kể từ khi nó được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1933, và trở nên nổi tiếng nhờ một bức ảnh chụp của Robert Kenneth Wilson vào năm 1934 (hình bên dưới).
Bức ảnh chụp ‘Thủy quái hồ Loch Ness’ của Robert Wilson. (Ảnh: Fortean Pictures Library)
Bằng chứng về sự tồn tại của con thủy quái này hiện vẫn chưa được xác thực, vì chỉ có một số ít các tư liệu ảnh gây tranh cãi và các kết quả ghi nhận được từ kỹ thuật quét siêu âm. Giả thuyết phổ biến nhất trong cộng đồng những tín đồ là loài sinh vật này chính là một con Plesiosaur, loài bò sát biển khổng lồ từ thời Đại Trung Sinh, thời kỳ khi khủng long vẫn còn tồn tại.
Mô hình quái vật hồ Loch Ness tại Trung tâm Triển lãm Loch Ness tại Drumnadrochit, Scotland. Phải chăng đây là một loài bò sát còn sống sót từ thời tiền sử? (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, giới khoa học nhìn nhận quái vật hồ Loch Ness, được gọi bằng cái tên thân mật ‘Nessie’, như một truyền thuyết hiện đại, và thường lý giải các vụ chứng kiến như một sự nhầm lẫn với các vật thể thông thường, một trò lừa bịp, hay một sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú.
Bức tranh ‘Loch Ness Monster, Seasnake, Seamonster, Seeschlange, Meeresungeheuer’ của Hugo Heikenwaelder. (Ảnh: Wikimedia)
Tác giả: Mark Miller, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: