Một máy thuật toán đã giúp giải mã tiếng kêu chít chít mà những con dơi ăn quả Ai Cập tạo ra tại chỗ chúng đậu, tiết lộ rằng chúng cũng “nói chuyện” với nhau không khác gì so với con người.
Các loài động vật giao tiếp theo rất nhiều cách khác nhau: sói hú với nhau, chim hót và nhảy để thu hút bạn tình, và những con mèo lớn (hổ, báo, sư tử) đánh dấu lãnh thổ của chúng bằng nước tiểu. Nhưng các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv, Israel gần đây đã phát hiện ra rằng các loài động vật giao tiếp với nhau theo những cách thức rất cụ thể. Theo báo cáo của Bob Yirka trên trang Phys.org, loài dơi ăn quả Ai Cập không chỉ đơn giản là tạo ra những tiếng kêu cao vút khi chúng tụ tập cùng nhau ở nơi trú chân – chúng đang thảo luận về những vấn đề khá cụ thể.
Theo Ramin Skibba của tờ Nature, nhà thần kinh học Yossi Yovel và các cộng sự đã ghi lại một nhóm gồm 22 con dơi ăn quả Ai Cập trong 75 ngày. Bằng cách sử dụng một máy học thuật toán (ban đầu được thiết kế để nhận dạng giọng nói của con người), họ đã nhập 15.000 tiếng kêu của dơi vào phần mềm máy. Sau đó họ phân tích video tương ứng để xem liệu họ có thể khớp các tiếng kêu với các hoạt động nhất định hay không.
Skibba báo cáo, họ phát hiện ra rằng tiếng kêu của lũ dơi không chỉ là ngẫu nhiên, như chúng ta từng nghĩ. Họ có thể phân loại 60% tiếng kêu thành 4 nhóm. Một nhóm tiếng kêu cho biết các con dơi đang tranh cãi về thức ăn. Một nhóm khác biểu thị một cuộc tranh chấp về vị trí ngủ trong bầy. Nhóm thứ ba dành riêng cho các con dơi đực khi chúng đang tán tỉnh các con cái không muốn giao phối, và nhóm tiếng kêu thứ tư xảy ra khi một con dơi tranh cãi với một con dơi khác đang đậu quá gần nó.
Trên thực tế, những con dơi tạo ra những phiên bản hơi khác biệt của những tiếng kêu khi chúng nói chuyện với những con dơi khác nhau trong bầy, tương tự như việc con người sử dụng những giọng điệu khác nhau khi nói chuyện với những người khác nhau. Skibba chỉ ra rằng bên cạnh con người, chỉ có cá heo và một vài loài động vật khác được biết tới là có khả năng nói chuyện với các cá nhân hơn là tạo ra những âm thanh giao tiếp chung chung. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Báo cáo khoa học (Scientific Reports).
Yovel nói với phóng viên Nicola Davis của tờ The Guardian: “Chúng tôi thấy rằng một lượng lớn âm thanh dơi phát ra mà trước đây chúng ta chỉ nghĩ là có cùng ý nghĩa, kiểu như ‘Hãy ra khỏi đây!’, thì thật ra lại chứa rất nhiều thông tin”.
Nghiên cứu đến đây vẫn chưa kết thúc. Yovel và đội của anh muốn điều tra xem những con dơi khi sinh ra đã biết đến ngôn ngữ này, hay là chúng học được qua thời gian trong khi sinh sống cùng đàn. Họ cũng muốn biết rằng liệu lũ dơi có sử dụng cách thức giao tiếp tương tự ở ngoài bầy của chúng không. Để hiểu được điều đó, họ sẽ gắn một microphone vào một vài con dơi và thả chúng vào tự nhiên.
Kate Jones, giáo sư sinh thái và đa dạng sinh học tại Đại học College, London, Anh nói với Davis rằng nghiên cứu này rất thú vị. “Nó giống như một phiến đá Rosetta, có thể giúp chúng ta hiểu thêm về hành vi xã hội của loài dơi. Tôi rất thích thực tế là họ đã giải mã được một số âm thanh của chúng, và có nhiều thông tin ẩn chứa trong những tín hiệu này hơn chúng ta nghĩ”, bà nói. Giáo sư Jones cũng cho rằng chúng ta có thể sử dụng những kỹ thuật tương tự để bắt đầu tìm hiểu các sắc thái giao tiếp của những loài động vật khác.
Ngọc Thuần