Trưng bày trên một chiếc đĩa, mẫu đá quý này có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với một tảng thịt heo quay thơm ngon, được chế biến theo phong cách Trung Hoa. Nặng 23 kg, đây là một tảng huanglayu, dịch theo nghĩa đen là ngọc bích sáp vàng, với thành phần cấu tạo chủ yếu là thạch anh.
Món thịt heo quay kiểu Trung Quốc. (Ảnh: corianderandgarlic)
Hình thành hoàn toàn trong tự nhiên và không được tẩm thêm bất kỳ ‘chất phụ gia’ nào như thuốc nhuộm hay phóng xạ, mẫu đá quý này trông rất giống với món thịt heo quay kiểu Trung Quốc. Nó có các lớp màu sắc khác nhau trông giống với các lớp thịt và xương trong món thịt heo quay điển hình. Lớp nâu vàng bên ngoài trông giống với lớp da heo nóng giòn bì sau khi quay, điểm xuyết các “chỗ phồng rộp” do chịu sức nhiệt của lò. Không chỉ vậy, bề mặt mẫu đá còn có các lỗ nhỏ li ti trông giống với các lỗ chân lông [trên lớp bì] của miếng thịt heo.
Mẫu đá quý này đã được phát hiện tại một con sông ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Mẫu đá này đã được trưng bày trong thành phố vào đầu năm 2010, sau đó được trưng bày tại Hội chợ Triển lãm Công nghiệp Văn hóa Quốc tế Trung Quốc lần thứ 6 được tổ chức vào tháng 5/2010 tại thành phố cảng Thâm Quyến.
Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Loan cũng có một mẫu đá quý tương tự [với bề ngoài] trông giống với món thịt kho tàu Đông Pha nổi tiếng của Hàng Châu, nhưng nó đã được chạm khắc thành hình dạng như vậy. Tuy nhiên, vẫn rất hiếm gặp một mẫu đá quý sở hữu những lớp màu sắc như vậy.
Trái: Một miếng thịt kho Đông Pha, đặc sản của Hàng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Internet). Phải: Mẫu đá quý ở Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc. (Ảnh: Internet)
Làm thế nào những miếng đá quý hình thành trong tự nhiên này lại trông giống với miếng thịt đã nấu chín đến vậy? Đây vẫn còn là một điều bí ẩn.
Stephanie Lam, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch
Xem thêm: