Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Câu chuyện hôm nay bắt đầu với một hiện tượng thiên thể kỳ lạ, “Thất tinh liên mang”, đó là dấu hiệu đại hung.

Thất tinh liên mang là gì?

Có hai mươi tám chòm sao trong chiêm tinh học Trung Quốc cổ đại, được chia thành bốn nhóm: Đông Thanh Long, Tây Bạch Hổ, Bắc Chu Tước và Nam Huyền Vũ, mỗi nhóm có bảy tinh tú. Bảy ngôi sao của Thanh Long được gọi là bảy sao phương Đông, chúng được sắp xếp theo hình dạng một con rồng. Khi bảy ngôi sao liên mang, bảy ngôi sao này sẽ phát ra ánh sáng cường đại màu đỏ rực. Nơi ánh sáng hội tụ tình cờ là ở miệng của con rồng, như một giọt máu đỏ tươi, giống như một con ác long đang cố gắng nuốt chửng thứ gì đó trong một ngụm.

Lần cuối cùng người ta nhìn thấy “Thất tinh liên mang” đã từ hơn 2.000 năm trước. Năm 79 sau Công Nguyên, “Thất tinh liên mang” xuất hiện trên bầu trời phía Tây. Sau đó, thành Pompeii của Ý bị núi lửa Vesuvius nuốt chửng. Lần này “Thất tinh liên mang” xuất hiện ở phía Đông. Liệu có thành phố nào ở phương Đông đột nhiên bị phá hủy?

“Thất tinh liên mang” là một hiện tượng thiên thể rất quan trọng trong tiểu thuyết “Truy Rồng” năm 1983 của tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng người Hồng Kông Nghê Khuông. Nghê Khuông ở Hồng Kông là một nhân vật văn học nổi tiếng không kém gì tiểu thuyết gia Kim Dung. Ông được biết đến là một trong tứ đại tài tử của Hồng Kông, và là người sáng tạo ra tiểu thuyết khoa học viễn tưởng trong thế giới Hoa ngữ.

Nghê Khuông nói trong sách: “Có rất nhiều ngôi sao trong vũ trụ, hầu hết mỗi ngôi sao đều có năng lượng đặc biệt của riêng mình bắn về phía Trái Đất, khiến nhiều người đặc biệt nhạy cảm với loại năng lượng này chịu ảnh hưởng của ngôi sao này.” Những người chịu ảnh hưởng đặc thù của một ngôi sao nào đó, trong tinh tướng học cổ đại, chính là tinh tú hạ phàm. Ví như, người có văn tài cao siêu, thường được coi là Văn Khúc tinh hạ phàm; Còn người ác đa đoan, thì chính là ác tinh hạ phàm.

Ác long phương Đông trong “Thất tinh liên mang” tại mặt đất đối ứng với bảy ác nhân sinh sống tại phương Đông. Bảy người này sẽ dùng một phương thức trước nay chưa từng có để phá hủy một thành phố lớn.

Trong sách viết: “Muốn phá hủy một thành phố lớn, không nhất định phải là thiên tai, mà có thể là nhân họa. Nhân họa không nhất định phải là chiến tranh, một vài lời nói và hành động thiếu hiểu biết của một vài người có thể khiến cả thành phố lớn tử vong.”  “Không nhất thiết cần phá hủy những tòa nhà của thành phố lớn, không nhất thiết cần giết hại một cư dân nào của đại thành thị, thậm chí nhìn về biểu hiện, thành phố lớn vẫn y như trước, chỉ là loại bỏ những ưu điểm nguyên có của thành phố, liền có thể khiển nó bị hủy diệt tử vong.”

Vậy thành phố này rốt cuộc ở đâu? Cuối cùng nó có bị phá hủy không? Nghê Khuông không đưa ra đáp án. “Truy Rồng” là một trong số rất ít câu chuyện trong tiểu thuyết của Nghê Khuông không có kết cục rõ ràng. Kết quả ẩn tàng trong lời ghi chú của một nhà tinh tượng ở đầu cuốn tiểu thuyết, nói rằng sau khi tai nạn qua đi, “sẽ thấy một kỷ nguyên thái bình thịnh thế khác ở phương Đông”.

Cuối truyện, Nghê Khuông cũng đưa ra giải pháp, mượn miệng của nhân vật chính nói rằng, dưới sự biến hóa của thiên tượng, có lẽ hết thảy đều đã được định đoạt, chỉ bằng nỗ lực của chính mình thì rất khó cải biến điều gì. Nhưng chúng ta có thể “theo dõi động hướng của con rồng, thông báo mỗi hành động của nó cho thế nhân càng sớm càng tốt”, cũng chính là cần báo trước cho mọi người về mối nguy hiểm. Những người tin vào dự ngôn chẳng phải cũng có thể thoát khỏi nguy hiểm sao? Vì thế mà câu chuyện có tên là “Truy Rồng”. Hãy nhìn lại thành Pompeii năm xưa, nếu ai đó có thể đưa ra lời cảnh báo trước, thì những người tin vào dự ngôn chẳng phải đã có thời gian thoát nạn và được cứu sao?

26 năm sau, vào năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn, Nghê Khuông tiết lộ rằng, thành phố lớn phương Đông trong câu chuyện chính là Hồng Kông.

Vào ngày 7 tháng 4 năm 2019, Nghê Khuông một lần nữa thừa nhận trong chương trình “Ký lục thời đại – Khanh Thương tập” của Đài Hồng Kông rằng thành phố lớn bị con rồng nuốt chửng trong câu chuyện chính là Hồng Kông. Người dẫn chương trình hỏi, Hồng Kông có ưu điểm gì bị con rồng nuốt chửng, khiến tử vong? Nghê Khuông nói, đó là tự do, chủ yếu là tự do ngôn luận.

Ba tháng sau, phong trào chống luật dẫn độ nổ ra ở Hồng Kông, chính thức bước vào thời khắc đen tối nhất. Mọi người đều thốt lên rằng, Nghê Khuông sớm đã dự ngôn tương lai của Hồng Kông từ 30 năm trước.

Dự ngôn thần kỳ trong tiểu thuyết

Những người hâm mộ Nghê Khuông bước ra và nói: “Hôm nay các bạn mới biết sao, lão đại nhà chúng tôi dự ngôn không chỉ là tương lai của Hồng Kông.”

Ngay từ năm 1969, khi máy tính đang còn chập chững tập đi, Nghê Khuông đã dự ngôn về sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo trong truyện “Bút hữu”, nói rằng máy tính sẽ có tư tưởng riêng của nó. Chiếc máy tính trong câu chuyện viết những bức thư khiến người bạn qua thư của nó phải lòng nó ngay từ cái nhìn đầu tiên. Anh không thể tin được rằng đối phương chỉ là một cỗ máy lạnh lùng. 50 năm sau, lời tiên tri này đã trở thành hiện thực, rất nhiều người đang sử dụng trí tuệ nhân tạo và AI Ghostwriter để viết bài cho chính mình. Một số người thậm chí còn cho rằng bài do AI viết thú vị hơn bài do chính họ viết.

Trong tiểu thuyết ngắn “Tụ bảo bồn” năm 1970, “Tụ bảo bồn” của Nghê Khuông là một “máy sao chép kim loại lập thể bằng năng lượng Mặt Trời”, có thể sao chép một lượng lớn vàng bạc được ném vào đó. Trong thế giới hiện thực, máy in 3D đã xuất hiện, các sản phẩm được nó tạo ra có thể gây nhầm lẫn với hàng thật. Đây có phải là phiên bản hiện thực của “Tụ bảo bồn” không?

Trong truyện “Cổ âm” xuất bản cùng năm 1970, Nghê Khuông đề cập đến công nghệ khoa học “khảo cổ âm thanh học”. Ông tin rằng đồ gốm cổ đại có khả năng giống như một bản ghi âm, trong đó có thể chứa đầy những âm thanh cổ xưa, có thể hoàn nguyên bằng công nghệ mũi nhọn. Khi thực hiện lần tái bản sửa đổi vào năm 1986, Nghê Khuông đã nói trong lời nói đầu: “Có tin tức trên báo nói rằng, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm ra những âm thanh cổ đại trong gốm sứ cổ đại, cơ sở lý luận này và ý tưởng của tôi về ‘cổ thanh’ đơn giản là tương tự.” Nói cách khác, ông đã dự đoán chính xác sự tồn tại của công nghệ mới “khảo cổ âm thanh học” cách đây hơn 10 năm. Hiện nay “khảo cổ âm thanh học” đang dần trở thành niềm yêu thích mới của giới khảo cổ học.

Trong truyện “Đồ chơi” xuất bản năm 1979, con người ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào máy tính, nhập mọi kiến ​​thức vào máy tính, mọi công việc đều bị robot thay thế. Kết quả là máy tính dần dần thoát ly khỏi sự kiểm soát của con người, cuối cùng đi đến kết luận rằng: Con người không còn hữu dụng nữa. Sau đó, chúng chuyển đổi oxy trong không khí thành carbon dioxide, hủy diệt con người và các sinh vật khác, chỉ để lại một bộ phận nhỏ làm đồ chơi. Chúng ta không biết liệu đây có phải là một lời cảnh báo khác mà Nghê Khuông đưa ra cho mọi người hay không, nhưng ngày nay sau 40 năm, con người thực sự ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào máy tính. Nếu điều này tiếp tục, liệu một ngày nào đó robot có thể kiểm soát con người, thậm chí tiêu diệt nhân loại?

Vũ trụ gương

Nếu tìm hiểu sâu hơn, sẽ càng có nhiều dự ngôn hơn. Trong số đó, người hâm mộ sách Nghê Khuông hào hứng nhất với dự ngôn về “Vũ trụ gương” trong “Thiên thư” xuất bản năm 1978.

Truyện kể về một cuốn “Thiên thư” ghi lại mọi chuyện xảy ra trên Trái Đất và lịch trình một đời của mọi người trên Trái Đất. Nói cách khác, đây là cuốn sách dự đoán tương lai của hết thảy trên Địa Cầu. Vậy nội dung trong sách đến từ đâu? Nghê Khuông nói rằng, nó đến từ “vũ trụ gương”.

Vũ trụ chúng ta đang sống là có rìa, có biên duyên. Phần rìa của vũ trụ là một “tấm gương”, trông giống như một tinh vân màu đen. Nếu tàu vũ trụ có thể đi qua nó, sẽ tiến nhập vào phía bên kia của tấm gương, vũ trụ gương.

Mối quan hệ giữa chúng ta và vũ trụ trong gương giống như thể bạn đang đứng trước một tấm gương. Một người ở trong gương, còn người kia ở ngoài gương. Cả bên trong và bên ngoài đều là bạn. Khi chúng ta giơ tay, chúng ta trong gương cũng sẽ giơ tay, nhìn có vẻ như tiến hành đồng thời, thực tế có sự sai biệt về thời gian. Nhưng vì tốc độ ánh sáng quá nhanh, khoảng cách lại quá gần, nên chúng ta không thể phát hiện được sự chênh lệch thời gian.

Tuy nhiên, nếu hai vũ trụ gương cách nhau rất rất xa, thì đợi đến khi bạn trong gương cũng giơ tay, có thể là mười nghìn năm sau. Nói cách khác, khi điều gì đó xảy ra trên Trái Đất, điều tương tự có thể đã xảy ra cách đây 10.000 năm trong vũ trụ gương. Vì vậy, tương lai của Trái Đất được ghi trong Thiên thư chỉ là lịch sử quá khứ trong vũ trụ gương.

Nó có vẻ có đạo lý phải không? Nhưng đây chỉ là giả tưởng của tiểu thuyết gia Nghê Khuông. Giới khoa học căn bản không nhìn nhận như vậy. Mặc dù trước đây hơn hai nghìn năm, Plato từng cho rằng rằng vũ trụ có biên duyên, hình dạng ngoài cùng của vũ trụ có dạng khối 12 mặt đều, gần giống một quả bóng đá. Nhưng hầu hết các nhà vật lý học hiện đại đều tin rằng, vũ trụ là vô hạn và luôn giãn nở.

Cho đến năm 2003, một người hâm mộ Nghê Khuông đã phát hiện một bài báo trên tạp chí khoa học có uy tín “Nature” (Tự nhiên) phản ánh tầm nhìn của Plato. Bài báo có tên “John Whitfield: Vũ trụ có thể có hình quả bóng đá“. Bài báo nói rằng, các nhà toán học đã sử dụng dữ liệu vi sóng mà NASA nhận được từ vũ trụ làm cơ sở để xây dựng một mô hình vũ trụ mô phỏng. Vũ trụ mô phỏng cuối cùng rất phù hợp với khối 12 mặt đều mà Plato đã hình dung. Nói cách khác, như Plato đã nói hồi đó, vũ trụ có khả năng sẽ có rìa, và cũng giống như việc con tàu đi vòng quanh Trái Đất, sau khi du hành 60 tỷ năm ánh sáng, bạn sẽ quay trở lại điểm xuất phát.

Vào năm 2014, các nhà khoa học từ Vương quốc Anh và Canada đã đề xuất rằng, trong Vụ nổ lớn Big Bang vào thời kỳ sơ khai của vũ trụ, không phải một vũ trụ được hình thành, mà là hai vũ trụ, đó là vũ trụ của chúng ta và một vũ trụ gương. Cả hai vũ trụ đều chuyển động như nhau theo mọi hướng theo thời gian, nhưng ngược chiều nhau. Tuy nhiên, vũ trụ gương sẽ diễn biến theo phương thức riêng của nó, nhưng nó sẽ tuân theo các định luật vật lý tương đồng, vì vậy nó có thể có các hành tinh, ngôi sao và nhiều thiên hà khác nhau, giống như phiên bản vũ trụ của chúng ta.

Một số người thậm chí còn phát hiện ra bí mật trên neutrino. Neutrino là lạp tử nhỏ nhất hiện được khoa học phát hiện. Các lạp tử trong thế giới vi mô đang quay với tốc độ cao. Một số sẽ quay sang trái, một số sẽ quay sang phải. Tuy nhiên, không giống như các lạp tử khác, ba neutrino được phát hiện đều quay về bên trái. Cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa phát hiện ra neutrino nào quay phải.

Giới vật lý tin rằng từ góc độ vĩ mô, vũ trụ là đối xứng. Vì vậy neutrino quay phải nhất định là tồn tại. Vậy chúng sẽ tồn tại ở đâu? Nếu không ở vũ trụ này, thì lẽ nào nó có trong vũ trụ gương?

Bạn có để ý rằng, trong giới khoa học dường như có một số người đang dần dần tin tưởng vào thuyết “vũ trụ gương” của Nghê Khuông, phải không?

Tiểu thuyết gia siêu năng lực

Trong thế giới khoa học viễn tưởng của Nghê Khuông, những lý luận khoa học tiên phong như “Vũ trụ gương” thực sự không hề cá biệt, các loại công nghệ cao khác nhau cũng tầng tầng xuất hiện không ngừng. Tiểu thuyết gia Nghê Khuông lẽ nào cũng là nhà khoa học? Không thực sự.

Trên thực tế, Nghê Khuông thậm chí còn chưa học hết cấp ba. Sau khi trốn thoát khỏi Trung Quốc đại lục đến Hồng Kông vào năm 1957, ông học viết văn tại Khoa Báo chí Thư viện Liên hợp, từ đó bước vào con đường của một tiểu thuyết gia nhỏ. Khi viết tiểu thuyết, ông căn bản không cần bản thảo, cứ hạ bút xuống là có câu chuyện. Ông từng viết hơn 20.000 từ mỗi ngày trong bảy hoặc tám năm liên tiếp. Tốc độ viết cao nhất được ghi nhận là 4.500 chữ một giờ, chậm nhất ông có thể viết 2.500 chữ một giờ. Nghê Khuông tự xưng là “người viết nhiều Hán tự nhất kể từ khi loài người khai sinh, tốc độ nhanh nhất thế giới”.

Ông không chỉ có sản lượng viết cao, mà mỗi câu chuyện đều  rất thú vị, tình tiết cảm động, nội dung liên quan đến thiên văn địa lý, không gì không có. Có người từng hỏi ông, ông đã viết nó như thế nào? Nghê Khuông nói, tôi có một cuốn sách tham khảo. Sau đó mọi người hỏi, đó là loại sách gì? Kết quả là, danh sách những cuốn sách Nghê Khuông đưa ra đều là sách của các tiểu thuyết gia võ thuật cổ điển của Trung Hoa Dân Quốc, không liên quan gì đến khoa học. Vậy ông lấy kiến ​​thức khoa học của mình ở đâu?

Giáo sư Lý Tự Sầm, một nhân vật hàng đầu trong giới nghiên cứu công năng đặc dị của Đài Loan, cho biết những câu chuyện đó đã được Nghê Khuông dùng thiên mục ghi chép lại từ thế giới bên kia, căn bản không cần phải tốn thời gian tự mình viết tình tiết truyện. Giới tu luyện tin rằng, thiên mục của con người có thể câu thông với Trời, phi thường có năng lực. Điều này cũng tiết lộ vì sao tác phẩm của Nghê Khuông không chỉ có phạm vi kiến ​​thức rất rộng, mà còn có thể dự tri tương lai.

Giáo sư Lý cho biết, Nikola Tesla, thần tượng của người giàu nhất thế giới Elon Musk, cũng có năng lực này. Trước đây chúng tôi đã có một video dành riêng cho Tesla. Ông có hơn một nghìn bằng sáng chế được ghi nhận, trung bình trong vòng chưa đầy 20 ngày có thể phát minh ra một bằng sáng chế, đó là một tốc độ kinh người.

Tesla kể trong cuốn tự truyện của mình rằng khi còn nhỏ, ông có thể ghi nhớ nội dung của cả một cuốn sách. Khi đọc một cuốn sách, ông có thể chụp ảnh từng trang văn bản như một bức ảnh rồi lưu vào ngân hàng bộ nhớ của não mình. Đây cũng là một loại siêu năng lực được gọi là “ký ức hình ảnh”.

Khi đó, trước mắt ông thường có những tia sáng lóe lên mạnh mẽ, sau đó xuất hiện hình ảnh, đôi khi thậm chí còn có cả âm thanh. Những hình ảnh này thường xuyên cung cấp giải đáp cho những câu hỏi mà ông đang gặp phải đương thời. Đôi khi ông nghe thấy tên của một vật thể, và cấu trúc chi tiết của vật thể đó hiện ra trước mắt ông.

Điều đặc biệt hơn là Tesla còn có thể hiển thị cỗ máy mới được phát minh của mình lên màn hình trước mặt, sau đó dùng ý niệm của mình để làm cho cỗ máy chuyển động. Nếu quá trình chuyển động không diễn ra thuận lợi, điều đó có nghĩa là thiết kế có vấn đề. Ông sẽ thay đổi thiết kế trong đầu cho đến khi thao tác thành công, sau đó vẽ ra kết cấu của máy. Phát minh mới đã được thiết kế thành công. Một số phát minh mà những người khác có thể phải tốn rất nhiều công sức mới có được, lại dễ dàng được thiết kế trong tay Tesla. Quá trình sáng tác của Nghê Khuông có lẽ tương tự với Tesla.

Đó là câu chuyện của ngày hôm nay. Nếu bạn muốn nghe những câu chuyện khoa học viễn tưởng do Nghê Khuông sáng tác, hãy để lại tin nhắn bên dưới cho chúng tôi biết.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch