Một số người có khả năng “mơ tỉnh” – duy trì ý thức trong mơ bằng cách “đánh thức” một số phương diện trong ý thức tỉnh táo. Họ thậm chí còn có thể nắm quyền kiểm soát và hành động một cách có chủ đích trong thế giới trong mơ của họ (hãy thử nghĩ đến Leonardo Dicaprio trong bộ phim Kẻ đánh cắp giấc mơ-Inception).
Người bình thường dành khoảng sáu năm trong cuộc đời để mơ, tức 2190 ngày hay 52.560 giờ đồng hồ. Tuy chúng ta có thể ý thức được các cảm xúc và cảm nhận của bản thân trong giấc mơ, nhưng chúng ta lại không ý thức được giống như khi đang tỉnh. Điều này giải thích tại sao trong giấc mơ chúng ta không thể ý thức được rằng chúng ta đang mơ, nên thường nhầm lẫn các diễn biến sự kiện kỳ lạ trong mơ với thực tế.
Mơ tỉnh vẫn còn là một phạm trù chưa được nghiên cứu chuyên sâu, nhưng các phát hiện gần đây cho thấy đây là một trạng thái kết hợp giữa ý thức tỉnh táo và sự ngủ.
Mơ tỉnh là một trong số rất nhiều các trải nghiệm “kỳ lạ” có thể xuất hiện trong khi người ta ngủ. Hiện tượng bóng đè, trong đó cơ thể bạn trở nên bất động hay tê liệt trong khi não bộ lại hoàn toàn tỉnh táo, thì lại là một phạm trù khác. Cũng có một trạng thái nữa gọi là thức giả (false awakening), trong đó bạn tin rằng mình vừa tỉnh dậy khỏi một giấc ngủ nhưng trên thực tế bạn đang trải nghiệm một giấc mơ. Nói cách khác, bạn vừa tỉnh dậy trong một giấc mơ.
Cùng với mơ tỉnh, tất cả những trải nghiệm này phản ánh sự gia tăng ý thức chủ quan trong khi vẫn đang trong trạng thái ngủ.
Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát quy mô lớn trên mạng về các trải nghiệm khi ngủ để tìm hiểu mối liên hệ giữa các trạng thái ý thức kết hợp khác nhau.
Để tìm hiểu thêm về sự chuyển tiếp giữa các trạng thái này—cũng như về bản chất của ý thức—chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát quy mô lớn trên mạng về các trải nghiệm khi ngủ để tìm hiểu mối liên hệ giữa các trạng thái ý thức kết hợp khác nhau.
Mơ tỉnh và não bộ
Khoảng một nửa trong chúng ta sẽ trải nghiệm trạng thái mơ tỉnh ít nhất một lần trong đời, theo nghiên cứu của hai nhà khoa học đến từ Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương ở Mannheim, Đức. Đây có thể là một mục tiêu đáng kì vọng bởi nó cho phép người ta tạo lập các cảnh tượng như ý muốn trong mơ, từ việc bắt gặp người bạn đời cho đến việc giành chiến thắng trong một trận chiến thời Trung Cổ.
Trong trạng thái mơ tỉnh, người trải nghiệm có thể tự lập trình thế giới trong mơ. (Ảnh: dreamstime)
Có một số bằng chứng cho thấy mơ tỉnh là một trạng thái có thể được thúc đẩy, và hiện nay có tồn tại một lượng lớn các cộng đồng mạng nơi người dùng có thể chia sẻ các kỹ thuật và phương pháp nhằm đạt được sự tỉnh táo mạnh mẽ hơn trong các giấc mơ của họ (như sở hữu các totem giấc mơ, một vật thể quen thuộc từ thế giới thực có thể giúp bạn biết được bạn có đang mơ hay không, hay đi lại xung quanh trong các giấc mơ để ngăn ngừa sự tỉnh táo trượt mất).
Nếu bạn xoay con lắc trong giấc mơ, nó sẽ quay mãi mà không đổ. Đây là ví dụ điển hình của một totem giấc mơ trong bộ phim “Kẻ đánh cắp giấc mơ” – tác phẩm kinh điển khai thác phạm trù giấc mơ của con người. (Ảnh: Internet)
Một nghiên cứu gần đây đã yêu cầu người tham gia kể lại chi tiết giấc mơ gần đây nhất của họ. Kết quả đã cho thấy, trong các giấc mơ tỉnh (so với các giấc mơ không tỉnh), những người trong mơ nhận thức một cách rõ ràng hơn nhiều rằng mình đang trải nghiệm một giấc mơ. Những người tham gia đã trải nghiệm các giấc mơ tỉnh cũng cho biết họ có một quyền kiểm soát lớn hơn đối với các suy nghĩ và hành động của mình trong mơ, có khả năng tư duy một cách logic, và thậm có thể tiếp cận với các ký ức đời thực của họ.
Những người mơ tỉnh có thể tiếp cận với các ký ức đời thực của họ trong khi đang mơ.
Một nghiên cứu khác, trong đó tập trung nghiên cứu khả năng ra quyết định mang tính ý thức khi họ tỉnh táo cũng như khi đang trong các giấc mơ tỉnh và không tỉnh, đã phát hiện thấy một sự tương đồng khá lớn giữa khả năng tư duy khi chúng ta hoàn toàn tỉnh táo và khi chúng ta trải nghiệm các giấc mơ tỉnh. Tuy nhiên, khả năng lên kế hoạch là tệ hơn rất nhiều trong trạng thái mơ tỉnh so với trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo.
Các giấc mơ tỉnh và không tỉnh chắc chắn sẽ có các cảm thụ chủ quan khác nhau, và điều này cho thấy chúng có mối liên hệ với các mô hình hoạt động não bộ khác nhau. Nhưng việc xác thực giả thuyết này không hề đơn giản như chúng ta nghĩ.
Những người tham gia phải ngủ qua đêm trong một cỗ máy chụp quét não bộ, và các nhà nghiên cứu phải giải đoán xem khi nào một giấc mơ tỉnh đang xảy ra, để từ đó họ có thể so sánh hoạt động não bộ trong giấc mơ tỉnh với một giấc mơ không tỉnh.
Trong các nghiên cứu thông minh nhằm xem xét điểm này, người ta đã thiết kế ra một mã giao tiếp giữa những người tham gia nghiên cứu mơ tỉnh và các nhà nghiên cứu trong quá trình diễn ra giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement), quãng thời gian phổ biến thường ghi nhận được sự xuất hiện của các giấc mơ. Trước khi đi ngủ, người tham gia và nhà nghiên cứu sẽ thỏa thuận trước với nhau về một cách thức chuyển động đặc thù của mắt (lấy ví dụ, chuyển động mắt sang trái hai lần và sau đó sang phải hai lần) mà người tham gia sẽ thực hiện để báo hiệu rằng họ đang có thể nhận biết được trong giấc mơ, hay nói cách khác, họ đang mơ tỉnh.
Bằng cách sử dụng phương pháp này, các nghiên cứu đã phát hiện thấy sự chuyển đổi từ giấc ngủ REM không mơ tỉnh sang giấc ngủ REM mơ tỉnh là có liên hệ với một sự gia tăng hoạt động ở khu vực não bộ phía trước. Điều đáng chú ý là, những khu vực này có liên hệ với chức năng nhận thức “cao hơn”, ví như khả năng lý luận mang tính logic và hành vi mang tính chủ đích vốn chỉ được thấy xuất hiện khi người ta đang trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo.
Ngoài ra, người ta cũng thấy xuất hiện một dạng thức hoạt động não bộ (hoạt động của sóng gamma), và dạng thức này đã được biết đến với khả năng “kết hợp” các phương diện khác nhau trong trải nghiệm cá nhân—nhận thức, cảm xúc, suy nghĩ, và ký ức—thành một ý thức hợp nhất. Một nghiên cứu theo sau đã phát hiện ra rằng, việc kích thích xung điện các khu vực não bộ này sẽ gia tăng mức độ tỉnh táo mà một cá nhân có thể trải nghiệm trong mơ.
Mơ tỉnh là một trạng thái kết hợp giữa ý thức tỉnh táo và ngủ.
Một nghiên cứu khác, tập trung nghiên cứu cụ thể hơn các khu vực não bộ có liên hệ với trạng thái mơ tỉnh, đã phát hiện thấy sự gia tăng hoạt động ở các khu vực não bộ như vùng vỏ não trước trán và tiểu thủy tứ giác (precuneus). Những khu vực não bộ này có liên hệ với những khả năng nhận thức cao hơn, ví như quá trình tự quy chiếu và cảm giác tự chủ, qua đó một lần nữa ủng hộ quan điểm cho rằng mơ tỉnh là một trạng thái ý thức kết hợp.
Giải mã vấn đề ý thức
Ý thức xuất hiện trong não bộ như thế nào; đây là một trong những câu hỏi rắc rối nhất của ngành khoa học thần kinh. Nhưng có gợi ý cho rằng việc nghiên cứu các giấc mơ tỉnh có thể trải đường cho các hiểu biết mới vể phạm trù khoa học thần kinh của ý thức.
Lý do là vì giấc mơ REM tỉnh và REM không tỉnh là hai trạng thái trong đó các trải nghiệm ý thức của chúng ta là khá khác biệt, tuy vậy trạng thái não bộ tổng thể lại là tương đương (chúng ta trải nghiệm giấc ngủ REM mọi lúc, thường mơ mộng). Bằng cách so sánh những sự khác biệt cụ thể trong hoạt động não bộ của một giấc mơ tỉnh với một giấc mơ không tỉnh, chúng ta có thể biết được các đặc điểm đặc thù có tác dụng thúc đẩy khả năng nhận thức tăng cường được trải nghiệm trong giấc mơ tỉnh.
Ngoài ra, bằng cách viện đến các chuyển động của mắt như một dạng thức báo hiệu khi một người đang trong trạng thái mơ tỉnh, chúng ta sẽ có thể nghiên cứu các hoạt động sinh lý thần kinh tại điểm này, để hiểu thêm xem điều gì đã tạo ra nét đặc trưng và duy trì trạng thái ý thức tỉnh táo này trong giấc mơ, và về cách nó khởi phát lúc ban đầu.
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Dan Denis và Giulia Poerio, The Conversation.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: