Có các tín tức mạnh mẽ trong âm nhạc, tùy vào thể loại, hoàn cảnh sáng tác, trạng thái tâm lý của tác giả, có bài nhạc đem lại cho người nghe sự lạc quan nhưng cũng có những tác phẩm có thể lấy đi mạng sống con người.

Gloomy Sunday được mệnh danh là bài hát ma ám do liên đới tới hàng loạt sự kiện bí ẩn và những vụ tự sát chết chóc. Sau một loạt những cái chết có liên quan, bài hát này đã bị cấm ở rất nhiều nước.

Gloomy Sunday được viết vào năm 1932 bởi một nghệ sĩ piano người Hungary. Người nhạc sĩ có nghệ danh Rezső Seress này đã gọi đây là “ca khúc gây tự sát”. Sở dĩ như vậy là do bài hát này có liên quan đến hàng trăm vụ tự sát diễn ra trong nhiều năm sau khi ca khúc này được phát hành rộng rãi.

Nhạc sĩ Rezső Seress, tác giả của giai điệu tử thần (Ảnh: The Sun)

Đầu tiên là cái chết của một người đàn ông sống tại thủ đô Budapest (Hungary). Sau khi yêu cầu ban nhạc ở một quán cafe đông đúc chơi bản “Gloomy Sunday”, anh ta đã dùng súng tự tử ngay trên đường về nhà, trong một chiếc taxi. Một tuần sau đó, tại thủ đô Berlin (Đức), một nữ nhân viên bán hàng được tìm thấy treo cổ bằng một sợi dây thừng trong căn hộ của cô. Cảnh sát điều tra vụ tự sát cho biết dưới chân cô gái là tờ nhạc “Gloomy Sunday”.

Có rất nhiều những cái chết bí ẩn liên quan đến Gloomy Sunday (Ảnh minh họa)

Tiếp tục trong chuỗi những vụ tự tử kỳ lạ là một cô thư ký xinh đẹp tại New York tìm đến cái chết bằng hơi ga với bức thư tuyệt mệnh yêu cầu chơi bản nhạc “Gloomy Sunday” vào buổi lễ an táng cô; một người đàn ông 82 tuổi nhảy từ cửa sổ của căn hộ tầng 7 sau khi chơi bài hát này bằng piano; một cô bé 14 tuổi nhảy xuống sông tự tử khi trong tay còn đang cầm một bản copy của “Gloomy Sunday”, một cậu bé đang đi trên đường bỗng dừng lại, dốc sạch tiền trong túi ra cho người ăn xin chơi bản nhạc “Gloomy Sunday” rồi chẳng nói chẳng rằng đi tới một cây cầu, nhảy xuống sông tìm đến cái chết…

Khi những tin đồn chết chóc quanh bản nhạc u sầu nhất mọi thời đại này lan rộng, các nhà nghiên cứu và nhà chức trách đã cố gắng giải thích nguyên do những vụ tự tử một cách khoa học để dẹp đi sự lo lắng của mọi người như ảnh hưởng phim điện ảnh, trò chơi… nhưng các lập luận đó đều tồn tại rất nhiều điểm thiếu hợp lý.

Một phần bản nhạc Gloomy Sunday (Ảnh: gangqimpu)

Kỳ thực bất cứ bài hát, bộ phim, cuốn sách, bức ảnh nào đều tồn tại trong nó các tín tức của riêng nó. Các tín tức này hình thành tùy thuộc vào thể loại, hoàn cảnh sáng tác, trạng thái tâm lý của tác giả. Chẳng hạn, những người xem phim kinh dị thường có xu hướng cảm thấy sợ hãi, lo lắng trong khi những người xem phim hành động thường cảm thấy dũng mãnh và năng động hơn sau khi xem, hoặc sách do các tác giả lạc quan và có trái tim thuần thiện viết luôn đem đến cho độc giả sự tích cực nhiều hơn sách do những tác giả có trạng thái tâm lý âu sầu viết ra.

Gloomy Sunday cũng không phải ngoại lệ. Khúc bi sầu này mang theo các tín tức xấu khiến gia tăng các cảm xúc bất hảo và đẩy người nghe nó rơi vào các trạng thái tiêu cực. Trong tình huống này, nếu có thêm tác dụng của rượu hay các chất kích thích, người ta rất dễ mất kiểm soát bản thân và làm những điều dại dột. Nó cũng chiêu mời các vật chất xấu ghé thăm và sự tan thương là cái kết khó tránh khỏi.

Bạn nên nghe những giai điệu vui tươi, chúng đem lại cho ta cảm xúc tích cực và lạc quan yêu đời (Ảnh: aljoumhouria.com)

Có quan điểm cho rằng con người giống như một bình chứa, bạn “đổ” vào người thứ gì thì trạng thái tâm lý và cuộc sống sẽ như thế đó. Vì vậy, hãy luôn tìm đọc những cuốn sách có nội hàm, những bản nhạc nhẹ nhàng hay những bộ phim giúp bạn khơi dậy thiện niệm và lối sống tích cực. Nó chắc chắn sẽ giúp bạn luôn lạc quan và luôn chọn cho mình một phương án tốt nhất khi phải vượt qua những sóng gió cuộc đời.

Hoài Anh