Đáp lại cuốn “Thiết kế lớn” của Hawking, Giáo sư John Lennox tại Đại học Oxford tuyên bố trong một bài báo đăng trên Dailymail ở Anh ngày 03/09/2010: “Với tư cách một nhà khoa học tôi khẳng định Stephen Hawking sai. Bạn không thể giải thích vũ trụ mà không có Chúa”.

Lennox đã chỉ ra cho thấy luận cứ khoa học và triết học của Hawking phi logic như thế nào. Xin hân hạnh giới thiệu bài báo nói trên với mọi người thông qua bản lược dịch và bình luận của tôi sau đây…

Lời giới thiệu

stephen hawking chúa
Giáo sư John Lennox. Ảnh: socratesinthecity.com

John Lennox là một Giáo sư Toán học kiêm Giáo sư Triết học Khoa học tại Đại học Oxford ở Anh. Ông nổi tiếng với các công trình về Lý thuyết Nhóm (Theory of Group), tác giả của 70 bài báo học thuật chuyên môn, đồng tác giả của 2 bộ Sách Chuyên khảo Toán học của Đại học Oxford, và là người giới thiệu toán học Nga với thế giới Tây phương. Đồng thời, với tư cách một nhà triết học khoa học, ông thường xuyên xuất hiện trên nhiều diễn đàn triết học, giải thích cho mọi người thấy quan điểm coi khoa học đối lập với tôn giáo là một kiểu nhận thức lỗi thời và ấu trĩ.

Theo ông, chính tư tưởng truyền thống của Cơ đốc giáo đã từng là nguồn kích thích và nuôi dưỡng các khám phá khoa học, bởi lẽ niềm tin cơ bản của Cơ đốc giáo dựa trên nền tảng cho rằng Chúa sáng tạo ra vũ trụ và buộc vũ trụ tuân thủ những định luật hoàn hảo, đẹp đẽ ─ niềm tin ấy chính là động lực dẫn tới cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đầu tiên trong thế kỷ 16-18 với những tên tuổi lịch sử như Copernicus, Kepler, Galileo, Descartes, Pascal, Newton,… Tất cả những nhà khoa học hàng đầu này đều là những người tin vào Đấng Sáng tạo và đều coi những khám phá của mình là những Mặc khải của Thiên Chúa (God’s Revelations).

Mặc dù Chủ nghĩa Tự nhiên (Naturalism) dấy lên từ thế kỷ 19 đã phá hủy truyền thống đó, nhưng những nhà khoa học giỏi nhất của thế kỷ 19 và 20 như Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lord Kelvin, Max Planck, Albert Einstein, Werner Heisenberg, Kurt Gödel,… vẫn tiếp tục tin vào Đấng Sáng tạo như tác giả của vũ trụ và sự sống, bởi đó là niềm tin hình thành nên từ chính những khám phá kỳ diệu trong khoa học. Bản thân Stephen Hawking cũng đã từng như vậy, nhưng dần dần ông đã thay đổi để đi tới một kết luận triết học phi khoa học rằng vũ trụ ra đời từ hư không.

Trong bài báo trên Dailymail ngày 03/09/2010, GS John Lennox đã chỉ ra cho chúng ta thấy lập luận của Hawking phi logic cả trong khoa học lẫn triết học. Ông khẳng định rằng tuyên bố của Hawking hoàn toàn vô nghĩa, bất kể Hawking nối tiếng và có uy tín khoa học cao như thế nào.

Sau đây là bản lược dịch bài báo của John Lennox trên Dailymail 03/09/2010, kèm theo bình luận của PVHg’ Home.

Với tư cách một nhà khoa học tôi chắc chắn Stephen Hawking sai. Bạn không thể giải thích vũ trụ mà không có Chúa

Bài của John Lennox, GS Toán học và Triết học Khoa học, Đại học Oxford, Anh,

trên Dailymail Online, 03/09/2010

Không thể phủ nhận Stephen Hawking có tính cách đậm nét trí tuệ cũng như anh hùng về thể chất. Trong cuốn sách mới nhất của mình, nhà vật lí nổi tiếng này đã đưa ra một thách thức táo bạo đối với niềm tin tôn giáo truyền thống, niềm tin cho rằng vũ trụ là do Chúa sáng tạo.

Theo Hawking, chính các định luật vật lý chứ không phải Chúa đã đưa ra lời giải thích thực sự về sự sống trên trái đất đã ra đời như thế nào. Ông cho rằng Big Bang là hệ quả không thể tránh khỏi của các định luật này, “bởi vì có một định luật như định luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không”.

Thật không may, trong khi lập luận của Hawking được ca ngợi là gây nên tranh cãi và đột phá, nó chẳng có gì là mới. Trong nhiều năm, nhiều nhà khoa học khác cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự, khẳng định rằng sự sáng tạo thế giới kỳ diệu và tinh tế xung quanh chúng ta chỉ có thể được diễn giải bằng các định luật vật lý như định luật hấp dẫn.

Đây là một cách tiếp cận đơn giản hóa, nhưng trong thời đại thế tục của chúng ta, đó là một kiểu tiếp cận dường như được bộ phận công chúng hoài nghi tôn giáo hưởng ứng.

Nhưng, với tư cách vừa là một nhà khoa học vừa là một người Cơ đốc giáo, tôi phải nói rằng tuyên bố của Hawking là sai lầm. Ông yêu cầu chúng ta lựa chọn giữa Thiên Chúa và các định luật vật lý, như thể chúng nhất thiết phải xung đột với nhau.

Nhưng trái với những gì Hawking tuyên bố, các định luật vật lý không bao giờ có thể cung cấp một lời giải thích đầy đủ về vũ trụ. Bản thân các định luật không tạo ra bất cứ cái gì cả, chúng chỉ là sự mô tả những gì xảy ra dưới những điều kiện nhất định.

Dường như Hawking đã lẫn lộn định luật với tác nhân môi giới trung gian. Việc ông kêu gọi chúng ta hãy lựa chọn giữa Chúa và vật lý hơi giống với việc đề nghị chúng ta hãy lựa chọn giữa ngài kỹ sư hàng không Frank Whittle và các định luật vật lý để giải thích động cơ phản lực.

Đó là một sự lẫn lộn về các phạm trù. Các định luật vật lý có thể giải thích động cơ phản lực hoạt động như thế nào, nhưng ai đó đã phải chế tạo ra chiếc động cơ, đưa nhiên liệu vào và khởi động nó. Máy bay phản lực không thể được tạo ra mà không có các quy luật vật lý của riêng nó ─ nhưng nhiệm vụ phát triển và sáng tạo cần đến thiên tài của Whittle như một tác nhân trung gian.

Tương tự như vậy, các định luật vật lý không bao giờ có thể thực sự tạo ra vũ trụ. Một số tác nhân trung gian phải tham gia.

Một ví dụ tương tự đơn giản, định luật chuyển động của Isaac Newton tự nó không bao giờ bắn ra một quả bóng bi-a lăn qua tấm thảm màu xanh lá cây. Điều đó chỉ có thể được thực hiện bởi những người chơi bi-a thông qua hành động của cánh tay của họ.

Đối với tôi, lập luận của Hawking thậm chí còn phi logic hơn nữa khi ông nói rằng lực hấp dẫn tồn tại có nghĩa là sự hình thành vũ trụ chắc chắn xảy ra. Nhưng làm thế nào mà có lực hấp dẫn ngay từ đầu? Ai đặt nó ở đó? Lực sáng tạo nào ẩn đằng sau sự ra đời của lực hấp dẫn?

Tương tự, khi Hawking tranh luận để chống đỡ cho lý thuyết của ông về sự hình thành vũ trụ tự phát, trong đó nói rằng chỉ cần sao cho ngòi nổ được châm ngòi thì vũ trụ sẽ vận hành, câu hỏi đặt ra là ngòi nổ ấy từ đâu mà ra? Và ai đã châm ngòi cho nó, nếu không phải là Chúa?

Phần lớn lý lẽ đằng sau lập luận của Hawking nằm ở tư tưởng cho rằng có một sự xung đột sâu xa giữa khoa học và tôn giáo. Nhưng tôi không nhận thấy mối xung đột đó.

Đối với tôi, với tư cách một tín đồ Cơ Đốc giáo, vẻ đẹp của các định luật khoa học chỉ củng cố thêm niềm tin của tôi vào một lực sáng tạo thông minh, thần thánh đang hoạt động. Càng hiểu khoa học, tôi càng tin Chúa vì tôi kinh ngạc trước cái bao la vĩ đại, sự tinh tế và tính toàn vẹn trong sự sáng tạo của Ngài.

Nói một cách chính xác, nguyên nhân khoa học nở rộ mạnh mẽ trong thế kỷ 16 và 17 chính là do niềm tin cho rằng các quy luật tự nhiên đã được khám phá và mô tả rõ ràng đã phản ánh tác động của một nhà ban hành định luật thần thánh.

Một trong những chủ đề cơ bản của Cơ đốc giáo là vũ trụ đã được xây dựng theo một thiết kế hợp lý, thông minh. Khác với khoa học, đức tin Cơ đốc giáo thực sự mang lại ý nghĩa khoa học hoàn hảo.

Cách đây vài năm, nhà khoa học Joseph Needham đã thực hiện một nghiên cứu sử thi về phát triển công nghệ ở Trung Quốc. Ông muốn tìm hiểu lý do tại sao Trung Quốc, mặc dù có những phát kiến từ xa xưa, đã bị bỏ lại phía sau châu Âu trong sự tiến bộ của khoa học.

Ông miễn cưỡng đi đến kết luận rằng khoa học châu Âu đã được thúc đẩy bởi niềm tin rộng rãi vào một lực sáng tạo hợp lý, được gọi là Chúa, làm cho tất cả các định luật khoa học có thể hiểu được.

Mặc dù vậy, Hawking, giống như nhiều nhà phê bình tôn giáo khác, muốn chúng ta tin tưởng rằng chúng ta chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên của các phân tử, sản phẩm cuối cùng của một quá trình vận động vật chất không có định hướng.

Điều này, nếu đúng, sẽ làm suy yếu tính hợp lý rất cần thiết để nghiên cứu khoa học. Nếu bộ não thực sự là kết quả của một quá trình không được dẫn dắt thì không có lý do gì để tin vào khả năng nó nói cho chúng ta biết sự thật.

Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin. Khi chúng ta nhìn thấy một vài chữ cái trong bảng chữ cái đánh vần tên của chúng ta trên mặt cát, phản ứng tức thời của chúng ta là nhận ra công việc của một trí tuệ thông minh. Vậy còn gì rõ ràng hơn một nhà sáng tạo thông minh ẩn đằng sau DNA của con người, cơ sở dữ liệu sinh học khổng lồ chứa ít nhất 3,5 tỷ “chữ cái”?

Thật thú vị để thấy Hawking, trong khi tấn công tôn giáo, cảm thấy ép buộc phải nhấn mạnh đến lý thuyết Big Bang. Bởi vì, dù cho những người không có đức tin tôn giáo không thích nó, lý thuyết Big Bang lại phù hợp với câu chuyện của Cơ đốc giáo về sự sáng tạo.

Đó là lý do vì sao, trước khi lý thuyết Big Bang trở nên phổ biến và thịnh hành, rất nhiều nhà khoa học đã muốn giải tán nó, vì dường như nó ủng hộ câu chuyện của Kinh Thánh. Một số người bám vào quan điểm của Aristotle về “vũ trụ vĩnh cửu” không có đầu không có cuối; nhưng lý thuyết này và các biến thể sau đó của nó giờ đây đã bị mất uy tín sâu sắc.

Nhưng sự ủng hộ cho sự tồn tại của Thiên Chúa đã vượt qua lĩnh vực khoa học. Trong đức tin Cơ đốc giáo, cũng có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Thiên Chúa đã tỏ mình ra với loài người qua Chúa Jesus Christ cách đây hai thiên niên kỷ. Điều này được ghi chép lại không chỉ trong các thánh thư và chứng ngôn khác mà còn trong nhiều phát hiện khảo cổ học.

Hơn nữa, kinh nghiệm tôn giáo của hàng triệu tín đồ không dễ dàng loại bỏ. Bản thân tôi và gia đình tôi có thể chứng thực cho đức tin có ảnh hưởng nâng cao tinh thần cho đời sống của chúng ta, một đức tin thách thức tư tưởng cho rằng chúng ta chẳng là gì khác một tập hợp ngẫu nhiên của các phân tử.

Sự mạnh mẽ như vậy là thực tế hiển nhiên cho thấy chúng ta là những con người có đạo đức, có khả năng hiểu được sự khác biệt giữa đúng và sai. Không có con đường khoa học nào dẫn tới một đạo đức như vậy.

Vật lý không thể truyền cảm hứng cho mối quan tâm của chúng ta đối với người khác, hoặc tinh thần vị tha đã tồn tại trong xã hội loài người kể từ buổi bình minh.

Sự tồn tại của một tập hợp các giá trị đạo đức chung cho thấy sự tồn tại của một lực siêu việt vượt ra ngoài các định luật khoa học. Thật vậy, thông điệp của chủ nghĩa vô thần luôn luôn là một điều gây tò mò, miêu tả chúng ta là những sinh vật ích kỷ chẳng có định hướng sống nào khác là sinh tồn và tự mãn.

Hawking cũng cho rằng khả năng tồn tại các dạng sống khác trong vũ trụ làm suy yếu niềm tin tôn giáo truyền thống rằng chúng ta đang sống trên một hành tinh duy nhất, do Thiên Chúa tạo ra. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các sinh vật khác đang có mặt ở đó, và Hawking chắc chắn không có mặt ở đó.

Tôi thấy buồn cười khi những người vô thần thường tranh luận về sự tồn tại của trí thông minh ngoài trái đất. Tuy nhiên, điều đó chỉ nói lên rằng họ quá háo hức muốn tố cáo khả năng rằng chúng ta đã có một con người rộng lớn, thông minh ở đó: Thiên Chúa.

Loạt súng bắn mới của Hawking không thể làm rung chuyển nền tảng của một đức tin đã được đặt trên nền tảng bằng chứng.

Bình luận của PVHg’s Home

Bình luận 1: Dựa trên bài báo đã đăng trên Dailymail 03/09/2010, mới đây GS John Lennox đã phát triển những lập luận của ông thành một bài báo mới trên trang RZIM ngày 23/11/2010 với nhan đề “Stephen Hawking and God” (Stephen Hawking và Chúa)[1]. Đó là một bài báo khoa học – triết học – tôn giáo tuyệt vời, sẽ sớm được giới thiệu trên PVHg’s Home. Xin độc giả chú ý đón đọc.

Bình luận 2: Tuyên bố của Hawking về vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không thể hiện sự bế tắc của khoa học vật chất thuần túy. Sự bế tắc này xuất phát từ sai lầm triết học cơ bản khi cho rằng thế giới chỉ có vật chất.

Thật vậy, khi Hawking tuyên bố, “vì có một định luật như luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không”, ông đã tự mình mâu thuẫn với mình:

Mâu thuẫn 1: Khái niệm “hư không” ở đây không phải là “chân không” (vacuum) mà là “tuyệt đối không có vật chất nào cả”. Điều này đã được Hawking nói rõ trong một bài báo khác nhan đề “Wave Function of the Universe” (Hàm sóng của vũ trụ)[2]. Vậy , bất chấp vì lý do gì mà Hawking đi tới kết luận vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không thì có thể khẳng định rằng toàn bộ lý luận của Hawking đã chống lại Định luật bảo toàn vật chất – định luật khẳng định vật chất không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.

Mâu thuẫn 2: Dưới ánh sáng của Lý thuyết Thông tin, tất cả mọi định luật vật lý thực ra là những THÔNG TIN VŨ TRỤ. Do đó câu nói của Hawking hàm ý NHỜ CÓ THÔNG TIN NÊN VŨ TRỤ HÌNH THÀNH. Điều này sẽ đúng nếu có một vật chất ban đầu, chẳng hạn như điểm kỳ dị (singularity point) trong Lý thuyết Big Bang. Khi đó thông tin sẽ hướng dẫn cho điểm kỳ dị ấy biến hóa theo những chương trình đã định. Nhưng thông tin ấy từ đâu ra, nếu nó không xuất phát từ một NGUỒN TRÍ TUỆ THÔNG MINH? Và điểm kỳ dị ấy cũng từ đâu mà ra? AI CHÂM NGÒI cho nó bùng nổ? Bản thân Hawking trước đây từng tin vào sự cần thiết phải có một nguồn trí tuệ thông minh sáng tạo ra vũ trụ, nhưng ông đã thụt lùi về nhận thức triết học, tự vứt bỏ những suy nghĩ thông minh của chính ông cách đây 30 năm, khi ông viết cuốn Lược sử Thời gian.

Bình luận 3: Hawking đã từng sai lầm khi cho rằng thông tin bị “nuốt” tại lỗ đen[3]. Nay ông lại phạm sai lầm khi cho rằng Định luật hấp dẫn, tức THÔNG TIN vũ trụ, có thể là “tác nhân” tạo ra vũ trụ mà không cần có một vật chất ban đầu. Điều này cho thấy Hawking có một sự lẫn lộn giữa khái niệm THÔNG TIN với khái niệm VẬT CHẤT. Khó tin một bộ não sắc sảo như Hawking mà có thể có những nhầm lẫn khá cơ bản trong triết học khoa học như thế, nhưng tiếc thay, đó là một sự thật mà chính ông tự giới thiệu cho công chúng thấy. Nhưng đáng tiếc hơn là có những người mắc bệnh thờ phụng uy tín và tiếng tăm của Hawking nên bất luận Hawking nói gì cũng coi như thánh nói.

Qua đó có thể thấy Hawking không hiểu một nhận định rất quan trọng của Nobert Wiener, cha đẻ của cybernetic, một nhận định có thể xem như một TIÊN ĐỀ của khoa học hiện đại:

Thông tin là Thông tin, không phải vật chất hoặc năng lượng; không có chủ nghĩa vật chất nào không thừa nhận điều này mà có thể sống sót trong thế giới ngày nay” (Information is information, not matter or energy. No materialism which does not admit this can survive at the present day)[4].

Tiên đề ấy đòi hỏi chúng ta thay đổi tận gốc thế giới quan, rằng THẾ GIỚI HIỆN THỰC không chỉ có vật chất, mà còn có phi vật chất (Non-material Reality), đó là thông tin. Trong thời đại hiện nay, một nhà khoa học không thừa nhận tiên đề này sẽ không thể có thế giới quan đúng đắn. Ngược lại, thừa nhận tiên đề này sẽ dẫn tới một cách nhìn cách mạng về thế giới, và do đó sẽ giải thích được rất nhiều hiện tượng mà “chủ nghĩa tự nhiên” (naturalism) bế tắc.

Bình luận 4: Stephen Hawking, vốn là một nhà vật lý xuất sắc, tại sao bỗng nhiên bị dồn vào chỗ khó để phát biểu những điều vô nghĩa như vậy? Những người hiểu lịch sử vật lý biết rõ điều này: Mọi chuyện bắt đầu từ Lý thuyết Big Bang.

Thật vậy, Lý thuyết Big Bang dẫn khoa học vật chất, tức chủ nghĩa tự nhiên, tới chỗ bế tắc, vì chủ nghĩa này không làm thế nào giải thích được nguồn gốc điểm ban đầu của vũ trụ, tức điểm kỳ dị (singularity point).

Nguồn gốc của Lý thuyết Big Bang là Thuyết Tương đối Tổng quát của Albert Einstein, và chính Einstein đã đi từ nghi ngờ đến chỗ tán thưởng lý thuyết này. Một dịp khác chúng ta sẽ thảo luận kỹ về Big Bang, hôm nay xin đọc giả chú ý đến vài chi tiết sau đây:

– Lý thuyết Big Bang là một công trình vĩ đại với sự đóng góp của nhiều nhà khoa học lớn, nhưng người đầu tiên nêu lên lý thuyết này là George Lemaître (1894-1966), một thầy tu kiêm một nhà vật lý lý thuyết người Bỉ.

– Năm 1931, Lemaître công bố “Giả thuyết về Nguyên tử Nguyên thủy” (Primeval Atom Hypothesis), chính là Lý thuyết Big Bang sau này. Nguyên tử nguyên thủy chính là điểm kỳ dị.

– Albert Einstein lúc đầu nghi ngờ, nhưng sau này tán thưởng công trình của Lemaître đến nỗi đã thốt lên: “Đây là sự giải thích đẹp nhất và thỏa mãn nhất về sự sáng tạo mà tôi đã từng nghe về nó từ xưa tới nay!” (This is the most beautiful and satisfactory explanation of creation to which I have ever listened!)[5].

– Quan sát thiên văn của Edwin Hubble năm 1929 ủng hộ lý thuyết của Lemaître, và lý thuyết này bắt đầu được phổ biến mạnh mẽ. Nhà toán học và thiên văn học nổi tiếng người Anh là Fred Hoyle, trong một lần trả lời phỏng vấn trên Đài BBC, đã mô tả lý thuyết này là lý thuyết Big Bang. Tên gọi đó nhanh chóng được giới khoa học hưởng ứng, và từ đó tên gọi ấy chính thức bước chân vào lịch sử khoa học.

Các nhà khoa học theo Thuyết Sáng tạo hiện nay coi Lý thuyết Big Bang như một bằng chứng không thể chối cãi của sự sáng tạo của Chúa, như Einstein đã nói. Điều này đã được phản ánh rõ trong bài “Nan đề Sáng Thế / Genesis Problem”[6] trên PVHg’s Home ngày 13/11/2013, trong đó đã dẫn một tuyên bố bất hủ của Robert Jastrow, một nhà khoa học nổi tiếng của NASA, rằng: “Đối với nhà khoa học sống bằng niềm tin vào lý lẽ, câu chuyện kết thúc giống như một giấc mơ buồn. Anh ta đã leo lên ngọn núi vô minh; sắp chinh phục được đỉnh cao nhất; nhưng khi trèo lên tảng đá cuối cùng, anh ta lại được chào đón bởi một nhóm các nhà thần học đã ngồi ở đó từ hàng thế kỷ nay”…

Nếu Big Bang làm cho các nhà khoa học theo Thuyết Sáng tạo vui mừng bao nhiêu thì đồng thời cũng làm cho các nhà khoa học vô thần thất vọng bấy nhiêu. Đây chính là lý do để họ, các nhà khoa học vô thần phải cố SÁNG TÁC ra một cái gì đó để thoát khỏi bế tắc, và thế là ra đời lý thuyết ĐA VŨ TRỤ (Multiverse). Nói cách khác, Lý thuyết Đa Vũ trụ được sáng chế ra để cứu vãn chủ nghĩa tự nhiên, vì nếu vũ trụ không phải do Chúa sáng tạo thì nó ắt phải có một NGUYÊN NHÂN BÊN NGOÀI NÀO KHÁC. Nguyên nhân này ắt phải nằm bên ngoài vũ trụ.

Theo Định lý Gödel, mọi hệ logic đều phải có một nguyên nhân bên ngoài của nó. Với những người theo Thuyết Sáng tạo như Newton, Pasteur, Einstein, Gödel,…nguyên nhân bên ngoài của vũ trụ là Đấng Sáng tạo, hoặc Nhà Thiết kế vũ trụ.

Nhưng chủ nghĩa tự nhiên không chịu thừa nhận điều đó, họ phải tìm một nguyên nhân nào khác bên ngoài vũ trụ mà không phải là Chúa. Và họ đã SÁNG TÁC ra cái mà họ cần: Lý thuyết Đa Vũ trụ.

Đó là lý do Hawking cổ súy mạnh mẽ cho Lý thuyết Đa Vũ trụ. Nhưng than ôi, lý thuyết này hoàn toàn chỉ là tưởng tượng trên giấy, mặc dù khả năng sáng tác của các nhà vật lý lý thuyết bây giờ đã đạt tới trình độ gần như các nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng. Tiếc thay, công trình sáng tác này không bao giờ có thể kiểm chứng được, bởi chúng ta sẽ không bao giờ trở thành NHỮNG THIÊN THẦN BAY RA BÊN NGOÀI VŨ TRỤ để kiểm chứng vũ trụ của mình một cách đầy đủ, huống chi nói đến những vũ trụ khác, nếu có. Tất cả những thông tin GIẬT GÂN trên báo chí nói về việc kiểm chứng lý thuyết đa vũ trụ chỉ là những thứ “morphine” hoặc thuốc an thần để làm yên lòng chủ nghĩa tự nhiên đó mà thôi. Đó là một giấc mơ không tưởng.

Trớ trêu thay, chính Hawking, trong bài báo của ông nhan đề “Gödel và sự kết thúc của vật lý” (Gödel and The End of Physics)[7], đã từng khuyên chúng ta chớ có hy vọng hão huyền về một lý thuyết có thể giải thích được mọi thứ của vũ trụ. Vậy mà bây giờ ông lại mơ tới những vũ trụ khác! Thế có phải ông tự mâu thuẫn với chính ông hay không? Đây, chính ông đã từng viết:

Nhưng chúng ta không phải là thiên thần nhìn vũ trụ từ bên ngoài. Thay vào đó, cả chúng ta lẫn các mô hình của chúng ta đều là một bộ phận của vũ trụ mà chúng ta đang mô tả. Như vậy, một lý thuyết vật lý là một hệ tự quy chiếu, như trong định lý của Gödel. Do đó người ta có thể cho rằng nó hoặc không nhất quán hoặc không đầy đủ. Cho đến nay, các lý thuyết hiện có vừa không nhất quán vừa không đầy đủ”.

Vậy bây giờ Hawking làm thế nào để biến thành một thiên thần nhìn vũ trụ từ bên ngoài?

stephen hawking chúa

Tóm lại, cuốn “Thiết kế Vĩ đại” (Grand Design) của Hawking mâu thuẫn với bài báo “Gödel và sự kết thúc của vật lý” (Gödel and The End of Physics) của chính Hawking. Và cũng mâu thuẫn với tuyên bố của chính Hawking trước đây rằng:

Vũ trụ và các định luật vật lý dường như đã được thiết kế đặc biệt cho chúng ta. Nếu bất kỳ một tính chất nào trong khoảng 40 tính chất vật lý mà có sự khác biệt chút xíu thì sự sống như ta biết đã không thể tồn tại: Hoặc các nguyên tử sẽ không bền vững, hoặc chúng không kết hợp với nhau để thành phân tử, hoặc các ngôi sao sẽ không tạo ra các nguyên tố nặng, hoặc vũ trụ sẽ bị sụp đổ trước khi sự sống có thể ra đời, vân vân…”[8]

Phải chăng một nhà khoa học một khi đã nổi tiếng và có uy tín khoa học cao thì tha hồ muốn nói gì thì nói vẫn được mọi người tin theo? Không, những người thông minh không nghĩ như thế, như GS Lennox đã nói:

Vô nghĩa là vô nghĩa, cho dù điều ấy được nói ra bởi những nhà khoa học nổi tiếng thế giới

PVHg 06/04/2018

CHÚ THÍCH

[1] http://rzim.org/just-thinking/stephen-hawking-and-god/

[2] Trong một công trình mang tên “Wave Function of the Universe” (Hàm sóng của vũ trụ), Hawking viết: “Unlike the black hole pair creation, one couldn’t say that the de Sitter universe was created out of field energy in a preexisting space. Instead, it would quite literally be created out of nothing: not just out of the vacuum, but out of absolutely nothing at all, because there is nothing outside the universe” https://physics.stackexchange.com/questions/13013/stephen-hawking-says-universe-can-create-itself-from-nothing-but-how-exactly .

[3] Xem “Cuộc chiến lỗ đen” (The Black Hole War), Leonard Susskind, Người dịch: Pham Văn Thiều & Phạm Thu Hằng, NXB Trẻ 2010

[4] http://www.informationphilosopher.com/solutions/scientists/wiener/

[5] Einstein and Lemaître: two friends, two cosmologies… http://inters.org/einstein-lemaitre

[6] https://viethungpham.com/2013/11/13/nan-de-sang-the-genesis-problem/

[7] Khoa học & Tổ Quốc Tháng 03/2012 http://www.hawking.org.uk/godel-and-the-end-of-physics.html

[8] Quotes on Darwinism (1) 21 https://viethungpham.com/2018/03/24/quotes-on-darwinism-trich-dan-ve-hoc-thuyet-darwin-1/

pham viet hungTác giả: Phạm Việt Hưng

Thông tin về tác giả: Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.