Nếu Mặt Trăng chỉ cách chúng ta 420 km như trạm ISS, thiên thể sẽ chỉ mất 90 phút để quay quanh Trái Đất, choán gần hết bầu trời và có thể gây ra thảm họa.

Trang khoa học Iflscience mới đây đăng tải một video đang gây chú ý lớn trên Reddit mô tả tình huống Mặt Trăng ở cách Trái Đất 420 km, bằng quãng đường giữa Trái Đất và trạm ISS, thay vì 380.000 km như khoảng cách hiện nay.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Video đồ họa mô tả tình huống Mặt Trăng ở gần Trái Đất (Nguồn: Youtube)

Theo mô tả trong video, thông thường, Mặt Trăng quay chậm hơn Trái Đất nên mọc ở hướng đông và lặn ở hướng tây. Tuy nhiên, ở khoảng cách 420 km, Mặt Trăng quay nhanh hơn nhiều so với Trái Đất bên dưới, do đó nó sẽ mọc và lặn theo hướng ngược lại, tức là ở khoảng cách này, Mặt Trăng sẽ mọc ở hướng tây và lặn ở hướng đông.

Trạm ISS có bề rộng 109 mét, do đó với khoảng cách hiện tại, chúng ta chỉ thấy trạm như một đốm nhỏ trên nền trời. Trái lại, Mặt Trăng lớn hơn nhiều với đường kính 2.159 km. Khi Mặt Trăng ở gần hơn, nó sẽ choán hết gần như toàn bộ bầu trời.

Trong một bài báo xuất bản năm 2013 trên trang Slate, nhà thiên văn học Phil Plait cho biết Mặt Trăng sẽ che lấp hơn nửa bầu trời. Nó cũng có vẻ như đang xoay tròn, dù vẫn chịu ảnh hưởng khóa thủy triều từ Trái Đất. Ánh sáng từ Trái Đất sẽ hắt một phần lên Mặt Trăng, trừ lúc Mặt Trăng che khuất Mặt Trời.

Thảm họa sẽ xảy ra nếu Mặt Trăng ở quá gần Trái Đất (Ảnh: immortal.org)

“Chuyển động trong video đã được đẩy nhanh. Ở khoảng cách đó, Mặt Trăng sẽ quay quanh Trái Đất trong khoảng 90 phút. Nó sẽ đi ngang qua bầu trời trong khoảng 5 phút”, Plait viết.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu Mặt Trăng ở gần như vậy, thiên thể này sẽ tan vỡ do trọng lực và có thể gây ra thảm họa cho Trái Đất khi các mảnh vỡ rơi xuống Địa Cầu.

Hoài Anh