3 vị tổng thống Mỹ đều mất vào Ngày Độc Lập, nhà đại thi hào sinh và mất vào đúng 2 ngày sao chổi bay ngang qua Trái Đất,… là 2 trong số rất nhiều sự kiện trùng hợp kỳ lạ trong lịch sử nhân loại. Lý giải làm sao cho sự việc loại này?
Sự trùng hợp ngẫu nhiên là một danh từ dùng để ám chỉ các hiện tượng tự nhiên lý thú xảy ra theo một cách thức không thể dự đoán trước, mà thường được gán cho một tính chất siêu nhiên hoặc siêu thường. Lịch sử tràn ngập các hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên kỳ thú đến mức kinh ngạc khiến rất nhiều người tự hỏi phải chăng có một lực lượng cao hơn nào đó khởi tác dụng đằng sau.
Các nhà toán học phát minh ra khái niệm “xác suất” để đo lường, ước tính và định lượng khả năng xảy ra nhiều/ít của các hiện tượng sự kiện khác nhau. Xác suất càng nhỏ, khả năng xảy ra càng ít và ngược lại, xác suất càng lớn, khả năng xảy ra càng nhiều. Nhiều hiện tượng với xác suất ít nhưng vẫn xảy ra có thể được coi là điều kỳ diệu.
Lấy ví dụ, cố giáo sư Stephen Hawking, nhà vật lý nổi tiếng tại ĐH Cambridge, dù đã có những công trình được coi là lớn cho khoa học, nhưng vẫn sẽ khó có thể “tính trúng” được xác suất để ngày sinh của ông, 8/1/1942, có thể rơi vào đúng dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất của của một nhà thiên văn học, vật lý học khác, Galileo Galilei, người đã phát minh ra chiếc kính viễn vọng hiện đại. Đâu chỉ vậy, ngày mất của Hawking cũng đúng vào vào dịp kỷ niệm 139 năm ngày sinh của Einstein. Đặc biệt hơn, ngày đó chính là ngày 14/3, ngày của số Pi (3,14), một hằng số quan trọng trong toán học.
Trước khi thảo luận kỹ hơn về bản chất của những trường hợp trùng hợp loại này, hãy cùng điểm qua một số sự kiện trùng hợp đáng kinh ngạc và khó tin nhất trong lịch sử nhân loại, mà dường như không thể xảy ra.
Những sự trùng hợp trên chính trường
Romulus là người sáng lập nên nền văn minh La Mã cổ đại và cũng là vị vua đầu tiên, trị vị vào thế kỷ 8 trước Công nguyên (TCN), còn vị hoàng đế đầu tiên của Đế quốc này là Augustus, trị vì từ năm 27 TCN. Trùng hợp thay, khi Đế quốc La Mã sụp đổ, vị hoàng đế chứng kiến nó bị thiêu rụi thành tro tàn lại có cái tên rất tương đồng – Romulus Augustus!
Theo trang History, Tổng thống thứ 3 Thomas Jefferson, một trong những người cha lập quốc của nước Mỹ, đã mất vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước này, đây cũng là ngày mất của John Adams, một người cha lập quốc khác, vị tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ. Nối gót truyền thống “đáng sợ” này, James Monroe, một vị cha lập quốc, tổng thống thứ 5, cũng đã qua đời đúng vào ngày 4/7, ngày thành lập nước.
Thành Cát Tư Hãn rất nổi tiếng khi đã mang quân sang chinh chiến khắp lục địa Á Âu. Hậu duệ trực tiếp của ông, Amir Timur (1336 – 1405) là nhà cầm quyền đầu tiên của Nhà Timur Thổ Mông từ 1370 đến khi qua đời. Ngày 20/6/1941, các nhà khảo cổ học Liên Xô khai quật mộ của ông và tìm thấy một dòng chữ ghi khắc:
“Bất cứ ai mở ngôi mộ của ta sẽ chiêu mời một kẻ xâm lược còn kinh hoàng hơn ta hồi trước”.
Và theo trang Fascinate.Com, chỉ đúng 2 ngày sau, quân Nazi đã tiến hành xâm lược Liên Xô với chiến dịch Barbarossa”.
Những sự trùng hợp trong lĩnh vực thiên văn
Samuel Langhorne Clemens (bút danh Mark Twain) là một nhà văn khôi hài, tiểu thuyết gia và là nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ. Ông được coi là một trong số những nhà văn lớn nhất nước Mỹ thế kỉ XIX, với những tác phẩm cho đến nay vẫn hấp dẫn bạn đọc toàn thế giới như “Những cuộc phiêu lưu của tom Sawyer, …” Không chỉ nổi tiếng với nghiệp văn chương, khi nhắc đến Mark Twain, người ta không thể không đề cập đến một sự trùng hợp vô cùng thú vị.
Mark Twain sinh ngày 30/11/1835 tại làng Florida, bang Missouri, Mỹ, trùng khớp với thời điểm Sao chổi Halley xuất hiện trên bầu trời. Sao chổi này sẽ quay trở lại Trái Đất sau mỗi chu kỳ 75 năm. Tầm ngoài 20, ông từng dự đoán rằng thời điểm ông mất cũng sẽ giống như khi ông sinh ra, khi đó sao chổi Halley sẽ lại lần nữa xuất hiện trên bầu trời.
Năm 1909, khi Mark Twain 74 tuổi, ông đã nói:
“Tôi đến đây cùng với sao chổi Halley vào năm 1835. Năm tới, nó sẽ quay trở lại và tôi mong muốn sẽ được ra đi cùng nó. Nếu ở lại thì đây sẽ là nỗi thất vọng lớn nhất trong cuộc đời tôi. Đấng tối cao đã phán rằng: “Ở đây, ngay lúc này, là hai kẻ lập dị khó hiểu. Họ đã đến cùng nhau, vậy họ cũng phải ra đi cùng nhau”.
Ngày 21/4/1910, ông lên cơn đau tim và từ giã cõi đời, chỉ đúng 12 tiếng đồng hồ sau khi Sao chổi Halley xuất hiện lại trên bầu trời, ở khu vực Mặt Trời phía xa.
Một sự kiện thiên văn huyền bí khó hiểu khác là xoay quanh Đại Kim tự tháp Ai Cập. Tổng khối lượng của công trình vĩ đại này được ước tính vào khoảng 6 triệu tấn, nếu nhân con số này lên khoảng 100 triệu lần, bạn sẽ có được một con số tương đương khối lượng của Trái Đất. Không chỉ vậy, vĩ độ chính xác của Đại Kim tự tháp Giza là 29.9792458 độ Bắc. Bạn có biết tốc độ ánh sáng được đo đạc cũng là 299,792,458 m/s ?!!!
Lời giải thích nào cho những hiện tượng kể trên?
Những hiện tượng kể trên có thể tạm quy về một khái niệm được nhà tâm lý học Carl Jung đặt ra, gọi là “đồng phương tương tính” . Trên thực tế, những sự việc kỳ lạ loại này cũng xảy ra ngay trong cuộc sống hàng ngày, dù rằng ở mức độ ít kinh ngạc hơn. Lấy thí dụ như:
- Hễ ngày nào chúng ta giặt chăn mền để phơi, là hầu như ngày đó trời sẽ mưa.
- Lúc còn nhỏ, những bữa ta học thuộc bài thì thầy không ngó tới mình, còn hôm nào mà quên học bài thì thế nào hôm đó cũng sẽ bị thầy kêu lên khảo.
- Nhiều khi ta mới đang bàn chuyện về một người nào đó, thì đột nhiên thấy chính người đó từ bên ngoài bước vào.
Tiến sĩ Richard Tarnas, nhà tâm lý học và tâm thần học tại Viện Nghiên cứu Tổng hợp California (California Institute of Integral Studies) định nghĩa khái niệm này như sau:
Đồng phương tương tính miêu tả các hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên được quan sát, trong đó hai hoặc nhiều hơn các sự kiện độc lập không có mối liên hệ nhân quả rõ ràng dường như lại hình thành nên một mô thức có ý nghĩa”.
Trong thế giới quan thời xưa, TS Tarnas nói, con người nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh họ là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ông minh họa điều này bằng một bức tranh trong đó có một vòng tròn nằm bên trong vòng tròn khác (hình dưới). Vòng tròn bên trong biểu thị cái tôi, hay tự ngã. Vòng tròn bên ngoài biểu thị thế giới xung quanh. Hàng rào ngăn cách giữa chúng có thể được lọt qua. Tuy nhiên, trong thế giới quan hiện đại, cái tôi được vẽ phân cách với thế giới bên ngoài bằng một đường kẻ liền.
Trong quá khứ, nếu một người nghĩ đến ai đó anh ta chưa gặp hay thậm chí chưa nghĩ đến trong nhiều năm và tình cờ người đó xuất hiện, thì người ta thường giả định rằng ý nghĩ và sự kiện là có liên hệ với nhau. Ngày nay, nếu điều đó xảy ra, thì nó sẽ chỉ thường được nhìn nhận đơn thuần là “hiện tượng ngẫu nhiên”. Lối suy nghĩ hiện đại thường phủ nhận việc tâm trí một người có thể có liên kết với thế giới bên ngoài theo một cách cho phép người đó trực cảm được sự xuất hiện của một người bạn đã lâu không gặp.
Lối suy nghĩ trên chính là một thế giới quan theo kiểu Đề-các (đặt theo tên nhà triết học từ thế kỷ 17 René Descartes, nổi tiếng với câu nói “Tôi nghi ngờ, tức là tôi tư duy, tôi tư duy, vậy là tôi tồn tại”), và nó khá phổ biến, trong đó cái tôi là tách biệt với thế giới bên ngoài, TS Tarnas nói. Cái tôi hàm chứa ý nghĩa, nhưng thế giới xung quanh nó lại khuyết nghĩa. Theo đó, thế giới xung quanh là mang tính khách quan, độc lập.
Nói cách khác, trong quá khứ, đồng phương tương tính được coi là một chuyện đương nhiên. Thế giới nội tại của con người và thế giới xung quanh đang luân chuyển và không có gì là lạ nếu thứ gì đó ở thế giới xung quanh lại có thể có liên hệ với tư tưởng của một người. Người ta cũng tự nhiên thừa nhận rằng Chúa hay Đấng Tối Cao hay các thế lực khác bên ngoài thế giới con người đang kiểm soát các sự kiện mang tính may rủi. Tuy nhiên, ngày nay, các hiện tượng đồng phương tương tính thường bị nhìn nhận là các sự kiện mang tính may rủi “thuần túy”.
Nếu để ý kỹ, khái niệm đồng phương tương tính mà Carl Jung đưa ra khá tương hợp với quan niệm “thiên nhân hợp nhất” của Trung Quốc cổ đại. Theo đó, vũ trụ và con người là một chỉnh thể, vũ trụ và địa cầu là có quan hệ đối ứng lẫn nhau, sự biến đổi của vũ trụ sẽ tất yếu kéo theo sự biến đổi của Trái Đất. Nói đơn giản, con người, tự nhiên và vũ trụ là có mối quan hệ chặt chẽ. Nguyên tắc này chính là nền tảng của ngành chiêm tinh học cũng như nhiều ngành khoa học cổ đại khác của Trung Hoa. Như ở ngành chiêm tinh học, người ta sẽ chăm chú quan sát các vì sao (thiên tượng) để dự đoán về hướng biến động của xã hội, của con người trên Trái Đất. Nhiều lúc, những dự đoán đó khá chuẩn xác.
Bát Nhất (theo Ancient Origins)