Ngày nay, trên khắp thế giới vẫn còn lưu lại những công trình bằng đá được xây dựng từ thời xa xưa. Chúng xưa đến đâu? Một số nhà khoa học cho rằng chúng là sản phẩm của một vài ngàn năm trước Công nguyên, thời con người mới thoát thai từ xã hội nguyên thủy. Nhưng những công trình thực sự quá to lớn, ngay cả người hiện đại chúng ta với máy móc hỗ trợ cũng không thể tạo dựng. 

Kim tự tháp Giza

Kim tự tháp lớn nhất trên thế giới là kim tự tháp Khufu, hay còn được gọi là Đại kim tự tháp Giza. Với chiều cao ban đầu lên tới 146,5m và chiều cao hiện tại là 138m. Đây là kiến trúc lâu đời nhất của 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Cũng là kỳ quan cổ đại cuối cùng còn sót lại trên thế giới. Đại kim tự tháp Giza này được xây bởi 2.300.000 khối đá. Mỗi khối đá có trọng lượng trên 50 tấn.

Đại Kim tự Tháp Giza Ai Cập đứng sừng sững trong lớp cát vàng đã hơn ngàn vạn năm (người Ai Cập sau này chỉ làm thêm một số cái nhỏ ở xung quanh) (Ảnh: khoahoc.tv)

Thậm chí với nguồn lực và kiến thức hiện đại, cũng còn chưa có phương án thực sự khả thi để dựng lại những kim tự tháp khổng lồ với cấu trúc phức tạp như vậy.

Vì thế những con người thời tiền sử thiếu công nghệ ở xã hội “nguyên thủy” thì không thể là tác giả của những tác phẩm hùng vĩ này được? Vậy đó là ai?

Sự thật được hé mở khi năm 1988, Gregor Spörri đến thăm Ai Cập với vai trò nhà nghiên cứu nghiệp dư quan tâm đến các kim tự tháp. Theo một bài báo được viết bởi Annemieke Witteveen trên tờ Ancient Origins, ông được giới thiệu với một nông dân tên là Najib, người này có tổ tiên là những kẻ chuyên đào mộ cổ Ai Cập. Nhiều hiện vật khác nhau đã được truyền trong gia đình, một số trong đó đã được bán để mua đất và tài sản khác.

Ngón tay dài hơn 30 cm này phải chăng là hậu quả của một vụ tai nạn trong quá trình xây dựng Kim Tự Tháp? (Ảnh qua: baomoi.com)

Một hiện vật mà Nagib gìn giữ hết sức trân trọng là một ngón tay khổng lồ. Ngón tay dài hơn 30 cm, Spörri kể. Ngón tay này có thể là sản phẩm của một vụ tai nạn trong quá trình xây dựng Kim Tự Tháp?

Theo tính toán của các nhà khoa học, ngón tay như thế này tương đương với những người có chiều cao khoảng 5m.

Đền Jupiter ở Li Băng

Ở miền đông Li Băng (Lebanon) có một thành phố gọi là Baalbek. Nơi đây có một tàn tích thách thức giới khoa học: Đền Jupiter.

Những cây cột còn sót lại của Đền Jupiter (ảnh: fouad awada/Wiki)

Trên nền đất rộng mà ngày nay vẫn còn ba bức tường khổng lồ ngăn đỡ. Những bức tường ngăn này được hình thành từ 27 khối đá vôi, với kích thước lớn hơn bất kì khối đá vôi nào có thể được tìm thấy trên thế giới. Mỗi một khối đá nặng ít nhất là 300 tấn, và có ba khối đá nặng hơn 800 tấn. Ba khối đá này đã có được danh tiếng cho mình và thường được biết đến với tên gọi “Đại Tam Thạch” (Trilithon). Đại Tam Thạch trong những bức tường ngăn là ba trong bốn tảng đá lớn nhất từng được nhấc lên trong lịch sử.

Có một số học giả cho rằng Đền Jupiter được người La Mã xây dựng. Nhưng những hồ sơ cổ đại cho biết khả năng chuyên chở những khối đá lớn tại La Mã thời xưa là chỉ hơn 300 tấn một chút, và với một mức độ khó khăn rất lớn. Ví dụ như cuộc vận chuyển Cột Tưởng Niệm Laterano (Laterano Obelisk) tới La Mã, từng được ăn mừng nhiệt liệt, đã là một phi vụ khó khăn và nguy hiểm không tả xiết, kế hoạch đã phải kéo dài qua 3 triều đại hoàng đế. Vậy với khối đá nặng 800 tấn thì họ cần bao lâu?

Vị trí tảng cự thạch trên bức tường của Đền Jupiter (Ảnh: trithucvn.net)

Chỉ có một lý giải duy nhất là khi người La Mã xây dựng Đền Jupiter, họ đã dựa trên một nền móng đã được tạo ra trước đây bởi những ai đó xa xưa, những người mà cho tới giờ phút này vẫn còn chưa biết, và hẳn phải là những người khổng lồ.

Các tượng đá Moai trên Đảo Phục Sinh

Đảo Phục sinh là hòn đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Chile vào khoảng 3.700 km. Đây là một trong những địa điểm bí ẩn nhất thế giới với sự xuất hiện của các tượng đá gọi là Moai. Đảo được nhà thám hiểm người Hà Lan, đô đốc hải quân Jacob Roggeveen phát hiện vào năm 1772 đúng ngày lễ Phục sinh. Những tượng đá trên đảo từng được cho là biểu trưng cho một nền văn minh đã bị lãng quên trong quá khứ.

Những bức tượng bán thân trên đảo Phục Sinh (Ảnh: Ian Sewell, Wikipedia)

Tất cả các bức tượng đều được chế tạo từ đá nguyên khối, có nghĩa được tạc từ một tảng duy nhất. Moai lớn nhất từng được dựng lên là “Paro”, cao tới 10 mét (33 feet) và nặng 75 tấn. Một bức tượng được tìm thấy ở tình trạng chưa hoàn thành cao tới 21 mét (69 ft) và nặng 270 tấn.

Theo truyền thuyết của người dân đảo Phục Sinh, những người khổng lồ đã sống trên Trái Đất 18 triệu năm về trước. Trong quá trình tiến hóa, chiều cao của họ giảm đi và sau mấy triệu năm, đã chỉ còn không đến 6 mét. Họ chính là chủ nhân của những bức tượng cao hàng mét trên hòn đảo này.

Tảng cự thạch cổ đại

Gần lối vào phía nam của Baalbek là một mỏ đá, nơi đá được khai thác cho đền thờ. Tại khu vực mỏ đá còn có một tảng đá nguyên vẹn đã được xử lý lớn nhất trái Đất. Nó có tên là “Tảng Đá Thai Phụ” (“Stone of the Pregnant Woman.”) Được ước lượng nặng 1650 tấn, với kích thước 21.5m x 4.8m x 4.2m. Với kĩ thuật ngày nay không gì có thể di chuyển nó được. Thực tế, phải cần 24 cần cẩu hạng nặng mới có thể chỉ nhấc nó lên được, nhưng di chuyển nó là điều không tưởng.

Hình ảnh Tảng Thai Phụ, tảng đá lớn nhất từng được con người gia công, ảnh được chụp năm 2014 (ảnh: Ralph Ellis/Wiki)

Nhà nghiên cứu nổi tiếng Graham Hancock đề xuất giả thuyết cho rằng những tảng cự thạch này đã được tạc bởi một nền văn minh lâu đời hơn, có niên đại có lẽ khoảng 12.000 năm trước, và nó hẳn là sản phẩm của người khổng lồ.

Thành phố của người khổng lồ trong rừng rậm Amazon ở Ecuador

Men theo những truyền thuyết về người khổng lồ, một nhóm nhà khoa học đã tìm đến khu vực rừng rậm Amazon xa xôi trên địa phận Ecuador để tìm kiếm “thành phố thất lạc của người khổng lồ”.

Chuyến hành trình đưa đẩy họ đến gần một bờ sông, nơi họ phát hiện thấy nhiều công trình cự thạch, cùng nhiều món đồ tạo tác ngoại cỡ.

Công trình được xây bằng hàng trăm khối đá lớn, với hình dáng không đồng đều, mỗi tảng nặng khoảng 2 tấn. (Ảnh: genknews)

Thành phố này bao gồm rất nhiều công trình cự thạch bằng đá. Các khối đá xây được dùng đều rất lớn, nặng đến cả tấn. Cấu trúc cự thạch lớn nhất được các nhà thám hiểm tìm thấy là một kim tự tháp cao 80 m, rộng 80 m. Nó được xây bằng hàng trăm khối đá lớn, với hình dáng không đồng đều, mỗi tảng nặng khoảng 2 tấn.

Người cổ đại, với công cụ thô sơ, đã làm cách nào để mang vác những khối đá nặng đến 2 tấn như vậy để dựng nên các công trinh cự thạch này, nếu không phải là vì họ sở hữu một tầm vóc rất lớn, thậm chí khổng lồ?

Những công trình trên, dựa vào khoa học hiện đại thì không thể giải thích nổi bằng cách nào người nguyên thủy ngày xưa có thể dịch chuyển những khối đá khổng lồ để xây dựng lên những công trình kỳ vĩ, trừ khi chúng được xây dựng bởi bàn tay của người khổng lồ, những người có sức mạnh gấp hàng trăm lần chúng ta ngày nay.

Nam Minh