Các tòa tháp chọc trời có tuổi thọ ngày càng giảm do chúng nhanh chóng lỗi thời trước nhu cầu của con người và chi phí vận hành cao.
Nhân loại đã xây dựng và kéo đổ một số công trình khổng lồ do sự gia tăng của các tòa nhà chọc trời hiện đại từ khoảng 140 năm trước. Cao nhất trong số này là tòa Singer Building 41 tầng ở thành phố New York với chiều cao 187 mét, được phá dỡ năm 1968.
Singer Building chắc chắn không là gì so với tháp Burj Khalifa cao 828 m, nhưng chính nó là tòa nhà cao nhất thế giới khi được khánh thành năm 1908. Liệu Burj Khalifa có tồn tại lâu hơn Singer Building? Kế hoạch phá dỡ tòa tháp 270 Park Avenue cao 216 mét được xây từ 57 năm trước có thể không phải là một lời cảnh báo đối với Burj Khalifa.
Việc phá dỡ tòa tháp văn phòng số 270 Park Avenue, nơi nhường chỗ cho một văn phòng lớn hơn của JPMorgan Chase, đã tạo ra những ý kiến trái chiều trong dư luận. Điều này một phần là do tầm cỡ của tòa nhà trong cộng đồng kiến trúc như một biểu tượng của thiết kế giữa thế kỷ. Nhưng Hội đồng về các tòa nhà cao tầng và môi trường đô thị (CTBUH) lại nhìn nhận 270 Park Avenue theo một cách khác. Đây là lần đầu tiên một tòa nhà trên 200 m được phá dỡ. Ngưỡng chiều cao này rất quan trọng, theo kiến trúc sư Daniel Safarik giải thích.
“Trên thế giới, 200 mét là ngưỡng gần đúng mà chi phí để xây thêm một tầng đắt hơn theo cấp số nhân trên mỗi tầng. Nguyên nhân chủ yếu là phải thiết kế và xây dựng các hệ giằng cấu trúc cần thiết để duy trì sự ổn định của tòa nhà khi vượt qua mốc chiều cao đó. Ngoài ra còn tính đến chi phí bơm bê tông lên cao hơn và nhân công xây dựng, và sau đó, liên quan đến vận hành, khai thác và bảo dưỡng”
Vì vậy, khi 270 Park Avenue trở thành tòa tháp cao nhất từng bị phá dỡ, Safarik và các đồng nghiệp của ông tại CTBUH nghĩ rằng đây sẽ là lúc họ đưa ra những công bố về tuổi thọ trung bình của các tòa tháp. Họ tiến hành một nghiên cứu với 100 tòa nhà cao nhất đã được phá dỡ và thấy rằng trung bình chúng có tuổi thọ chỉ 42 năm. Hầu hết trong số này đã được đập bỏ để thay bằng những tòa nhà cao hơn, tận dụng tốt hơn không gian ở các thành phố ngày càng dày đặc và mang lại lợi nhuận tài chính. Điều này có ý nghĩa rõ ràng về mặt kinh tế, nhưng người ta có cân nhắc đầy đủ đến việc sử dụng tài nguyên, hậu quả môi trường và tác động lâu dài của xu hướng kiến trúc chọc trời không?
Ngày càng có nhiều tòa nhà chọc trời. Năm 1996, thế giới đã hoàn thành 10 tòa nhà từ 200 mét trở lên. Năm 2017 con số này là 144. Thành phố đang trở thành siêu đô thị với rừng cao ốc. Và với xu hướng đó, tuổi thọ các tòa nhà cao tầng sẽ giảm dần.
Đó là một sự lãng phí nguồn tài nguyên quá lớn. Vật liệu xây dựng và xi măng tốn nhiều năng lượng để sản xuất, phát thải ô nhiễm môi trường. Tiêu thụ năng lượng và gây ô nhiễm không kém là sản xuất thép xây dựng, nhôm kính…
Để tăng hiệu quả sử dụng cũng như để các tòa nhà không bị lỗi thời hay tốn kém, một hướng đi mới là phát triển các cao ốc hỗn hợp với phân khu nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại để khai thác tối đa năng lực và không gian của chúng. Song song với đó là sử dụng các giải pháp thiết kế và xây dựng xanh, bền vững.
TXL