Những bức tranh được vẽ bằng máy móc, nghe thì có vẻ thú vị đấy nhưng nghiêm khắc mà nói thì chúng đã không còn là nghệ thuật do con người tạo ra nữa rồi.
Danh họa nổi tiếng Picasso đã từng nói: “Máy tính là những cỗ máy vô dụng. Chúng chỉ biết đưa ra các đáp án!”. Nhưng có một nhóm người ở Pháp đang cố gắng chứng minh quan điểm của Picasso là sai lầm.
Đó là Obvious, một nhóm các họa sĩ và nhà nghiên cứu machine learning. Họ vừa tổ chức một triển lãm hội họa mang tên Christie’s Prints and Multiples ở New York (Mỹ), nơi họ trưng bày một bộ sưu tập gồm 11 bức tranh chân dung các thành viên của dòng họ Belamy. Tất cả 11 bức tranh đó đều được vẽ bởi máy tính!
Trong đó, đáng chú ý là bức tranh Portrait of Edmond Belamy đã được bán đấu giá với số tiền lên tới 432.000 đô-la Mỹ, cao hơn nhiều lần so với số tiền mà nhóm tác giả mong muốn.
Tại sao con người lại có thể chi một khoản tiền lớn để mua những bức tranh do máy móc tạo ra? Điều này quả thực rất đáng lo ngại, bởi những viên trong nhóm Obvious từ nay trở đi có thể sẽ mải mê tiếp cận nghệ thuật theo cách này. Có lẽ nào những họa sĩ không cần học vẽ, biết vẽ nữa mà chỉ cần học lập trình, biết điều khiển máy móc vẽ thay mình là được? Điều ấy là không thể, nghiêm khắc mà nói thì chúng đã không còn là nghệ thuật do con người tạo ra nữa rồi.
Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những bức tranh do máy móc tạo ra được công chúng đón nhận, ai ai cũng muốn mua giống như người đã đấu giá bức tranh kia. Khi đó ngành mỹ thuật sẽ biến đổi theo hướng tiêu cực. Những bức tranh sẽ không còn phản ánh văn hóa của nhân loại nữa mà chỉ phản ánh những điều mà người mua muốn thấy, muốn xem. Hay nói cách khác, chúng được tạo ra chỉ vì tiền mà không mang khái niệm nghệ thuật nào hết.
Qua đây để thấy trí tuệ nhân tạo không hoàn toàn là công nghệ tốt cho tương lai. Nó sẽ làm xã hội nhân loại trở nên tồi tệ hơn nếu như không được sử dụng vào đúng mục đích.
Đạt Vũ (Tổng hợp)