Đối với nhiều người, được bay vào vũ trụ là một vinh dự to lớn, là một chuyến du lịch để đời. Nhưng ông Frank Borman, một cựu phi hành gia NASA lại chia sẻ đó là một trải nghiệm nhàm chán.
Frank Borman năm nay đã 90 tuổi. Ông từng là một trong ba phi hành gia tham gia sứ mệnh Apollo 8 vào năm 1968. Đây là lần phóng tên lửa đầu tiên của NASA đưa con người lên Mặt Trăng và cũng là lần đầu tiên nhân loại vượt ra khỏi bầu khí quyển của Trái Đất. Do đó, chúng ta thường sẽ mong chờ câu chuyển kể ly kỳ từ ba phi hành gia này.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với This American Life, Frank lại tiết lộ rằng ông không hề quan tâm chuyến thám hiểm của ông mang ý nghĩa lớn lao thế nào với nhân loại. Mục đích duy nhất khi đó ông khao khát đó là đánh bại Liên Xô trong cuộc đua là quốc gia đầu tiên cắm ngọn cờ tổ quốc lên Mặt Trăng. "Tôi đã ở đó vì Chiến tranh Lạnh." – Frank Borman cho biết.
Cựu phi hành gia NASA chia sẻ về tham vọng thời trẻ. Và cũng theo ông, cảm giác vô trọng lực trong vũ trụ cũng khá thú vị trong 30 giây đầu, nhưng sau khi cơ thể đã quen với việc lơ lửng thì nó chẳng còn gì đặc biệt nếu không muốn nói là vô cùng nhàm chán.
Frank và các phi hành gia khác đã tới Mặt Trăng trong hai ngày bay dài đằng đẵng, nhưng cảnh vật ở nơi xa đó không giống những gì mà ông tưởng tượng trước chuyến đi. Mọi thứ chỉ toàn là đất đá, các hố sâu do va chạm thiên thạch, miệng núi lửa và hai màu đen xám bất tận.
Thứ duy nhất khiến ông không nói nên lời lại chính hình ảnh Trái Đất dần mọc lên phía chân trời Mặt Trăng. Người bạn đồng hành của ông, Bill Anders đã nhanh tay ghi lại khoảnh khắc đó và sau khi họ trở về, tấm hình Earthrise nổi tiếng đã khiến nhân loại thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận vũ trụ.
"Những thứ thân quen nhất với tôi đều nằm trên quả cầu màu xanh đó: gia đình, vợ, bố mẹ tôi. Đây có lẽ là khoảnh khắc xúc động nhất trong suốt nhiệm vụ". Tuy vậy, Frank không hề kể cho người thân về chuyến thám hiểm của mình. "Điều cuối cùng trong suy nghĩ của tôi là phải mô tả lại Mặt Trăng trông như thế nào. May thay cũng chẳng ai hỏi".
Frank đã nghỉ việc tại NASA một thời gian ngắn sau đó mặc dù ông được trao cơ hội quay trở lại Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo kế tiếp. Ông thẳng thừng từ chối lời mời và nói rằng ông đã không còn hứng thú với các nhiệm vụ thám hiểm vũ trụ. Frank muốn dành nhiều thời gian hơn chăm sóc cho bố mẹ và đặc biệt là người vợ yêu dấu của ông không may bị mắc chứng Alzheimer.
Câu chuyện của Frank Borman chắc hẳn khiến nhiều người phải suy ngẫm, đặc biệt là những người đang ở xa gia đình. Cuộc sống này là như vậy, con người sống vì tình. Khi đi xa bạn sẽ luôn nhớ nhà và đôi khi trở về nhà bạn sẽ không muốn đi tiếp nữa…
Tổng Hợp