Các nhà nghiên cứu từ Đại học Western Sydney đã khám phá ra chiến thuật chống nóng của cây bạch đàn ở Australia. Theo đó, cây bạch đàn sẽ bốc một lượng lớn hơi nước qua lá của nó theo một quá trình tương tự như đổ mồ hôi.
Nghiên cứu được tiến hành với các cây bạch đàn được trồng trong một môi trường kín điều khiển nhiệt độ, độ ẩm của đất, nước tưới, mức độ CO2. Sáu cây bạch đàn được trồng trong thời gian 12 tháng ở điều kiện nhiệt độ trung bình cao hơn 3 độ C trong khi 6 cây còn lại được trồng ở điều kiện môi trường xung quanh.
Sau khi các cây đạt đến độ cao hơn 6 mét, các nhà nghiên cứu đã ngừng tưới tiêu trong một tháng, làm khô bề mặt đất trước khi để tất cả 12 cây chịu nhiệt độ hơn 43° C trong thời gian 4 ngày. Các cây phản ứng với nhiệt độ cao bằng cách kích hoạt một quá trình gọi là thoát hơi, nhờ đó lượng nước được vận chuyển đến lá và sau đó bay hơi để tránh bị héo do quá nóng.
Thông thường việc sử dụng nước của cây và tốc độ quang hợp có liên quan chặt chẽ với nhau. Dưới nhiệt độ cao, mối quan hệ này thay đổi hoàn toàn khiến cây cối không thể quang hợp nữa nhưng chúng vẫn tiếp tục sử dụng rất nhiều nước để giữ lá không bị đốt cháy.
Điều thú vị là các phản ứng đối với nhiệt độ không thay đổi giữa những cây lớn lên ở nhiệt độ môi trường xung quanh và những cây lớn lên ở nhiệt độ ấm hơn. Các nhà khoa học rất ngạc nhiên khi những cây bạch đàn này thích ứng với những đợt sóng nóng và duy trì chức năng của chúng. Điều này cho thấy rằng bạch đàn có thể chịu đựng được nhiệt độ cao miễn là chúng có thể tiếp xúc với nước. Nếu nhiệt độ và hạn hán kết hợp trong thời gian dài, thì cây có thể sẽ bị chết khô.
Sơn Tùng