Hầu hết các động vật đều nhớ mùi tổ của chúng để không “vào nhầm chuồng” khi tìm đường về nhưng kiến sa mạc Cataglyphis fortis thì lại khác. Mỗi khi bị hấp dẫn bởi hương thơm của món ngon mới lạ, nó lại quên luôn cả đường về nhà của mình.
Thông thạo cả quy tắc lượng giác
Cataglyphis fortis là một loài kiến sa mạc trong chi Cataglyphis, được tìm thấy nhiều tại các hồ muối khắc nghiệt tại Tunisia, Bắc Phi. Chúng là kiến được đánh giá cao bởi khả năng nhận biết và tính toán được cả số học lẫn hình học.
Trong khi nhiều bạn học sinh còn đang vò đầu bứt tai vì học môn lượng giác thì kiến sa mạc lại có thể nắm rõ tất cả.
Sống trong môi trường bốn bề là cát, các cơn bão cát luôn thường trực, nên việc ghi nhớ đường đi bằng vết chân hay mùi hương là điều không thể. Con người chúng ta nếu đi trên sa mạc mà không có bản đồ hay la bàn chắc chắn sẽ bị lạc và chỉ quanh quẩn trong 1 vòng tròn bế tắc. Nhưng đối với kiến sa mạc điều này lại dễ như ăn kẹo.
Sau khi rời khỏi tổ để đi tìm thức ăn, chúng có thể tìm được đường về mà không cần mốc chỉ dẫn nhờ sử dụng một trong 2 thủ thuật dựa vào dấu hiệu thị giác hoặc mùi hương. Mấu chốt vấn đề là khả năng định hình về hình học, chúng có thể tính toán vị trí hiện tại từ quỹ đạo xuất phát và quay trở lại điểm bắt đầu bằng chính con đường đó.
Theo các nhà khoa học, kiến sa mạc có được khả năng đặc biệt này là nhờ vào hệ thống gồm khoảng 250.000 tế bào thần kinh. Chúng liên tục cập nhật các tính toán để phù hợp với Mặt Trời ở các thời điểm khác nhau trong ngày, đồng thời xác định hướng bằng cách tính góc giữa đường chúng đi và vị trí của Mặt Trời. Sau khi xác định được đường đi, kiến sa mạc tiến hành ước lượng khoảng cách bằng cách đếm bước chân.
Phương pháp tái xác định phương hướng này được đánh giá tương tự với quy tắc lượng giác trong toán học. Mặc dù vậy, kiến Cataglyphis fortis cũng vẫn phải dựa vào mùi để không chui nhầm vào tổ khác.
Dù thông minh nhưng khi gặp đồ ăn ngon thì quên hết
Kiến sa mạc rất tài giỏi, điều này các nhà khoa học đã chứng thực được; chỉ có điều khi gặp đồ ăn chúng lại quên luôn cả đường về tổ. Đây là điểm ngớ ngẩn của loài kiến này.
Tương tự như các loài vật khác, kiến cũng tìm kiếm thức ăn bằng khứu giác. Theo nghiên cứu từ Viện Sinh thái Hóa học Max Planck tại Jena, Đức cho biết khả năng ghi nhớ mùi của kiến C. fortis đặc biệt mạnh. Nó có thể phân biệt tới 14 mùi thực phẩm khác nhau.
Kết luận này đã được đưa ra sau khi 3 nhà nghiên cứu là Kathrin Steck, Bill Hansson và Markus Knaden tiến hành thử nghiệm với khoảng 900 tổ kiến C. fortis ở gần làng Menzel Chaker, Tunisia. Họ sử dụng những mẩu bánh quy và nhiều ống thí nghiệm nhỏ xíu chứa các hương thơm thực phẩm khác nhau.
Sau khi tiếp xúc với mùi thức ăn thứ nhất, kiến Cataglyphis fortis lập tức ghi nhớ nó vào bộ não và sẽ liên tục ghi nhớ các mùi món ngon khác nhau nhưng chỉ đạt tối đa là 14 mùi. Do do đó để ghi nhớ được thêm mùi nó phải loại bỏ bớt những mùi hương cũ và nó cần ghi nhớ mùi hương của thức ăn mới để sau này vẫn biết mà tìm.
Vậy phải chăng kiến sa mạc sẽ trở thành mù đường?
Thực tế không phải vậy. Không như não bộ của con người có khả năng ghi nhớ vô biên, não của kiến chỉ bao gồm các ngăn ký ức hữu hạn. Nhà nghiên cứu Markus Knaden giải thích:
“Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, kiến bắt gặp được nhiều loại thức ăn khác nhau. Nó cần ghi nhớ mùi hương của thức ăn mới để sau này vẫn biết mà tìm, còn mùi của cái tổ thì không cần thiết lắm vì chúng đâu có thay đổi. Thế nên, kiến cũng không cần phải ghi nhớ thì mới tìm được lối vào.”
Cho nên, đây cũng không phải chuyện gì quá to tát đối với kiến sa mạc; chỉ cần chúng nhớ lại mùi hương ở thời điểm rời tổ là rắc rối sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Sơn Tùng