Lúc này Tố Từ Vĩnh mới chợt nhớ tới giấc mộng mà mình chưa từng lý giải được. Vì vậy, ông đã đi khắp khu trại để bảo vệ cây cổ thụ bách niên này khỏi bị đốn hạ. Đêm đó, Tố Từ Vĩnh lại nằm mơ thấy lão nhân áo xanh đến gặp ông cảm ơn. Thì ra vị lão nhân này chính là cây cổ tùng biến hóa ra, chính là cổ tùng thác mộng.
Chào mừng các bạn đến với “Bí ẩn chưa được giải đáp”. Hôm nay, tôi xin kể cho các bạn nghe về cảm ứng kỳ lạ của người Trung Quốc cổ đại đối với thực vật, nội dung câu chuyện khá thú vị!
Như chúng ta đã biết, Trung Quốc có bề dày lịch sử 5000 năm và chứa đựng những kho tàng lịch sử phong phú. Khác với khoa học và công nghệ hiện đại của phương Tây, cổ nhân Trung Quốc đã đi một con đường khác, đó là nghiên cứu nhắm vào nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, tri thức về sự vật của Trung Quốc cổ đại là vô cùng thần kỳ. Vào thế kỷ trước, người phương Tây, qua nhiều thực nghiệm khác nhau, đã phát hiện rằng thực vật có cảm quan, có cảm tình. Tuy nhiên, hiểu biết của cổ nhân Trung Quốc về thực vật có thể nói là còn cao siêu hơn.
Cổ tùng thác mộng thỉnh quan bảo hộ
Bạn đã nghe về tiểu thuyết bút ký cổ đại của Trung Quốc chưa? Nó cũng là những tác phẩm lâu đời, phong phú và có tầm bao quát! Hôm nay, chúng tôi trước tiên sẽ giới thiệu với các bạn cuốn bút ký “Tục Di Kiên Chí” được viết bởi Nguyên Hảo Vấn vào triều Kim.
Nguyên Hảo Vấn không phải là tên thật. Ông sinh năm 1190 và mất năm 1257. Ông tên là Dụ Chi, hiệu Di Sơn, quê ở Tú Dung, Thái Nguyên (nay là Hãn Châu, Sơn Tây), là nhà văn, nhà sử học nổi tiếng đứng đầu văn đàn vào cuối triều Kim và đầu triều Nguyên. Ông cũng là đại biểu chủ yếu cho học vấn phương Bắc thời kỳ Tống – Kim đối đầu. Ông được tôn là “Văn hùng phương Bắc” và “Nhất đại văn tông”.
Cuốn “Tục Di Kiên Chí” của ông có bốn tập và tổng cộng 202 câu chuyện, viết tiếp cuốn “Di Kiên Chí” của Hồng Mại triều Tống, trong đó ghi chép lại những sự kiện kỳ dị, những danh thắng, sản vật, những câu chuyện về Phật giáo và Đạo giáo, ngoài ra còn có một số sự kiện lịch sử trong những năm cuối cùng của triều Kim. Tuy quy mô không lớn bằng “Di Kiên Chí”, nhưng nội dung tương đối phong phú. Hôm nay, tôi muốn giới thiệu với các bạn một câu chuyện có tên “Cao Bạch Tùng”.
Chuyện kể rằng vào thời Kim – Tống đối đầu, trong kinh thành có một viên quan tên là Tố Từ Vĩ. Một đêm nọ, ông đột nhiên có một giấc mộng kỳ quái. Trong giấc mộng, ông thấy một lão nhân đến thăm mình. Lão nhân cao và gầy, tóc bạc trắng và mặc áo chùng xanh. Lão nhân nói với ông: “Ta tương lai sẽ gặp nạn đao rìu, hy vọng ngài có thể bảo toàn cho ta.”
Khi Tố Từ Vĩ tỉnh lại, những cảnh tượng trong mộng vẫn sống động nhưng không thể giải thích được. Vì giấc mộng này quá kỳ lạ nên ông không thể quên được.
Sau đó, Từ Vĩ được điều đến Thái An, tỉnh Sơn Đông làm Thái thú. Ngay sau khi nhậm chức ít lâu, một ngôi miếu nằm trên núi Thái Sơn bị hỏa hoạn, hoàng đế ra lệnh trùng tu lại. Để khôi phục lại ngôi miếu lớn này, tất cả những cây cổ thụ ở Thái An đại nội phải bị đốn hạ.
Ở phía đông Thái An, trong thôn Cao Bạch có một cây cổ tùng. Nó cành lá sum suê, che bóng mát hai sào đất; dân làng đồn rằng đó là cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, nó cũng nằm trong phạm vi bị đốn hạ. Các phụ lão và người dân trong làng cầu xin Từ Vĩ, hy vọng rằng ông có thể bỏ qua không chặt hạ cây cổ tùng này.
Lúc này Tố Từ Vĩnh mới chợt nhớ tới giấc mộng mà mình chưa từng lý giải được. Vì vậy, ông đã đi khắp khu trại để bảo vệ cây cổ thụ bách niên này khỏi bị đốn hạ. Đêm đó, Tố Từ Vĩnh lại nằm mơ thấy lão nhân áo xanh đến gặp ông cảm ơn. Thì ra vị lão nhân này chính là cây cổ tùng biến hóa ra, chính là cổ tùng thác mộng.
Chúng ta biết rằng vạn vật đều có linh. Cổ nhân Trung Quốc từ lâu đã biết rằng thực vật và động vật có linh tính. Nó thậm chí có thể dự đoán những tai nạn trong tương lai, còn hiểu rõ và nhập vào giấc mộng của con người để cầu cứu. Điều này vượt xa sự hiểu biết về thực vật trong khoa học phương Tây hiện đại, có phải không? Nghe có vẻ thú vị đúng không?
Con người và thực vật có cảm tri tương hỗ?
Câu chuyện tiếp theo cũng đến từ một tiểu thuyết ký lục, nói về cảm ứng tâm linh giữa con người và thực vật. Bạn biết không? Cảm ứng tâm linh là một hiện tượng giao lưu thần kỳ, siêu việt so với hình thức ngôn ngữ và văn tự. Không chỉ giữa người với người, mà giữa con người và thực vật cũng có thể cảm ứng tương hỗ, giữa con người và thực vật cũng có thể nhận thức lẫn nhau. Từ cổ chí kim, dù ở phương Đông và phương Tây, hiện tượng cảm ứng thần kỳ vẫn không ngừng diễn ra.
Câu chuyện này đến từ “Hữu Thai tiên quán bút kí” của tác giả Du Việt. Du Việt là người thời Thanh triều, ông sinh năm 1821 mất năm 1907. Ông tên là Ấm Phủ, hiệu là Khúc Viên. Ông là tiến sĩ năm Đạo Quang, từng là quan chức của Hàn Lâm Viện.
“Hữu Thai tiên quán bút kí” của Du Việt có mười sáu tập, mô phỏng “Duyệt vi thảo đường bút kí” của Kỷ Quân. Cuốn chuyện khá thần kỳ, nhưng thường được khảo chứng, và có độ tin cậy rất cao. Và sau đây là một câu chuyện có liên hệ với Du Việt, vì nhân vật chính của câu chuyện – Vương Văn Cần, là một người bạn đồng niên và thông gia của ông.
Tại cửa Đông thành Bảo Ứng triều Thanh, có một đại trạch viện, chủ nhân ngôi nhà ban đầu là họ Lưu. Vương Văn Cần, người cùng tuổi với Du Việt, học ở nhà Lưu khi còn nhỏ. Một hôm, họ Lưu rủ Vương Văn Cần ăn hoa tiêu. Ông thấy hoa tiêu còn xanh tươi, xinh xắn nên lấy một cành cắm xuống đất, nói: “Nếu tương lai ta có thể học hành thành tài, thì hoa tiêu này có thể sinh tồn tại đây.”
Cây hoa tiêu này dường như hiểu được lời ông nói; nó không những sống tốt ở đó, mà sau hơn 30 năm, nó đã phát triển thành một cây lớn, cao hơn cả mái hiên, trở thành một biểu tượng của cát tường, vượng khí của Vương Văn Cần.
Năm Đạo Quang Bính Ngọ, Vương Văn Cần trúng cử, đỗ đầu tiến sỹ niên khảo Canh Tuất. Trong thời kỳ Đồng Trị, ông được Hàn Lâm biên tu cử làm Chiết Giang nghiệt đài (quan phụ trách điều tra, truy tố và tư pháp triều Minh, Thanh), không lâu sau được thuyên chuyển làm Bố chánh ty Quảng Đông rồi được thăng làm Tuần phủ (thống đốc) Phúc Kiến. Ngôi nhà cũ của họ Lưu giờ đã được chuyển giao cho Vương Văn Cần, cây hoa tiêu ông trồng năm đó vẫn sống và tươi tốt hơn trước.
Theo thời gian, có người trong họ Vương phát hiện cây tiêu không còn giữ được hạt; ngay khi hé nụ, sẽ lập tức rơi xuống đất, điềm báo này có thể gây bất lợi cho con cái. Vì vậy, người nhà họ Vương đã bàn bạc chặt bỏ cây tiêu.
Trưởng nữ của Du Việt là con dâu của Vương Văn Cần; cô đã cố gắng hết sức để can ngăn sự việc này, nhưng mọi người nhất định không nghe. Chưa đầy hai năm sau khi chặt cây tiêu, Vương Văn Cần ngã bệnh qua đời ở Phúc Kiến sau khi trở về từ Đài Loan. Vợ ông là Lưu thị, cũng qua đời trước Vương Văn Cần hai tháng.
Qua đó có thể thấy rằng, giữa con người và thực vật có mối cảm tri tương hỗ, bất ngờ xuất hiện “nhất vinh câu vinh, nhất tổn câu tổn”! Cảm ứng giữa cây và người dường như siêu xuất ngôn ngữ và văn tự, lặng lẽ kết nối trong một không gian mà mắt người không thể nhìn thấy được.
Trên thực tế, cổ nhân Trung Quốc có kiến thức viễn cổ về thực vật, sớm được ghi chép lại trong “Sơn Hải Kinh”. “Sơn Hải Kinh” là cuốn ghi chép địa lý được biết đến sớm nhất trong thư tịch Trung Quốc. Kì hoa, dị thảo, thần thụ – “Sơn Hải Kinh” ghi chép lại một số lượng lớn các loài cây và hoa cỏ thần kỳ. Người ta nói rằng chỉ cần con người ăn hoặc đeo chúng vào sẽ có công dụng kỳ diệu.
Theo tác dụng của những loại cây này, chúng có thể được chia thành hai loại.
Loại thứ nhất, có thể giải quyết vấn đề sinh tồn của con người. Ví dụ, có một loại cỏ tên là Chúc, có hình dáng giống lá hẹ, hoa màu xanh, khi ăn có thể khiến người ta cảm thấy hết đói. Có một loài huân thảo, lá giống như lá ma diệp, thân vuông, hoa màu đỏ, quả màu đen, đeo trên người có thể chữa được dịch bệnh. Ngoài ra còn có một loại cây tên là Văn Hành, có màu đỏ, tiết ra nhựa như sơn, vị như kẹo mạch nha, khi ăn vào có thể tiêu trừ mệt mỏi.
Loại thứ hai ăn vào có thể thêm con thêm cháu. Có một loại cỏ có hoa màu xanh lam, ăn vào có thể kéo dài tuổi thọ. Có một loại cây vô danh, có hoa và quả màu đỏ, trái cây giống như cam quýt, ăn vào thì sinh nhiều con cháu.
“Sơn Hải Kinh” giới thiệu những loài thực vật mà người hiện đại sẽ không bao giờ nghĩ đến. Chỉ cần sử dụng những loài thực vật thần kỳ này, nhiều vấn đề sinh tồn mà con người thời đó phải đối mặt có thể được giải quyết.
Hương nang chiêu thần tránh tà
Chúng tôi vừa đề cập rằng một số loài thực vật có thể mang theo người. Chúng là gì? Vâng, là hương liệu để tránh tà ma, chính là hương nang (túi hương liệu) mà cổ nhân nói. Hương nang được sử dụng để làm gì? Hương nang thông thường chứa nhiều loại thảo dược Trung Quốc được bào chế tinh xảo với mùi hương thơm dịu. Một số loại hương cỏ thơm và hương nang cổ xưa được sử dụng không chỉ để chiêu thần, mà còn dùng để tránh tà. Đối với đại dịch ngày nay, đây là một biện pháp rất tốt sao?
Theo ghi chép “Sơn Hải Kinh”, có một con sông ở phía bắc núi Côn Luân, do phù lực quá yếu – gọi là nhược thủy (nước yếu), không thể nâng được thuyền. Có một quốc gia ở phía tây nhược thủy, tên là Đại Nguyệt Thị, đã từng phái người đi một loại thuyền đặc chủng là “Mao Xa” đi qua vùng nhược thủy, tiến cống cho triều đình Tây Hán ba cây hương liệu.
Loại hương liệu này có hình dáng giống quả táo, to bằng quả trứng chim. Bởi vì bệnh dịch hoành hành ở thành Trường An lúc bấy giờ, rất nhiều người trong cung đều bị nhiễm bệnh, nên sứ giả yêu cầu thắp cây hương tiến cống để trừ dịch khí. Sau khi thắp một cây hương, những người bệnh trong cung dần chuyển từ nguy cấp sang bình an, không bao lâu thì khỏi bệnh một cách thần kỳ. Không chỉ vậy, mùi hương tỏa đi xa hàng trăm dặm, qua nhiều ngày vẫn không tản hết. Đây chính là huân hương trừ tà.
Theo ghi chép trong “Bác vật chí” của Trương Hoa, những người chết vì ôn dịch trong vòng ba ngày sau khi ngửi thấy mùi hương có thể hoàn hồn sống lại. “Hải nội thập châu ký” của Đông Phương Sóc cũng mô tả: “Mùi hương lan tỏa hàng trăm dặm, tử thi nằm dưới đất, ngửi khí liền tỉnh lại.” Trong “Hán Vũ Đế nội truyền” cũng có ghi chép tương tự, và các bản ghi chép về sau có nói đây là hương liệu được tiến cống cho triều Hán từ quốc gia phía Tây. Nó có nguồn gốc từ cây “Phản hồn thụ”, được đặt tên là “Phản hồn hương” vì tác dụng hoàn hồn phục sinh của nó.
Ngoài huân hương, còn có một bảo bối bất ly thân mà cổ nhân dùng để phòng dịch, đó là hương nang. Hương nang cũng giống như bội nang, được đặt tên theo hương liệu trong túi. Trong các ghi chép cổ đại, chúng còn được gọi là túi thơm, dung xú, hương đại hoặc hương bao. Nó thường được buộc vào dây thắt lưng hoặc sau khuỷu tay, và một số được buộc vào màn hoặc trên ghế xe.
Từ xa xưa, tiền nhân đã đeo hương nang bên mình để trừ tà, phòng bệnh.
Văn hóa thần truyền của Trung Quốc cổ đại giảng “Thiên nhân hợp nhất”, coi con người và thiên nhiên là chỉnh thể sinh mệnh, nhằm đạt đến trạng thái cộng sinh giữa thiên, địa, nhân và vạn vật. Hơn nữa, từ xa xưa, người Trung Quốc đã tin rằng “Vạn vật có linh”, tin vào “Luân hồi chuyển thế”. Góc độ nhận thức sự vật của cổ nhân khác với xã hội ngày nay, do đó cách họ nhìn nhận sự vật cũng khác với cách nhìn của chúng ta bây giờ. Như thể thực vật bề ngoài trông thật kín đáo, nhưng thực sự lại có năng lực tuyệt vời. Bạn nghĩ sao?
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch