500 tỷ USD (hơn 11 triệu tỷ Việt Nam đồng) để “đóng băng lại” Bắc Cực: Đây là đề xuất mới nhất của giới khoa học gia nhằm cứu lấy Bắc Cực, hiện đang phải đối mặt với nguy cơ tan băng hoàn toàn vào mùa hè trong một thập niên tới do biến đổi khí hậu.
Tình thế khẩn cấp đòi hỏi biện pháp khẩn cấp, và đó là điều đang xảy ra tại Bắc Cực. Với nhiệt độ ấm hơn trung bình hàng năm đến 20 độ C vào cuối năm ngoái, viễn cảnh Bắc Cực trong tương lai đang cực kỳ ảm đạm.
Nhưng thay vì ngồi chờ băng biển biến mất tại khu vực với tốc độ chưa từng có, các nhà khoa học đang thai nghén một kế hoạch ‘điên rồ’ để ‘đóng băng lại’ Bắc Cực, bằng cách lắp đặt 10 triệu máy bơm nước chạy sức gió trên chỏm băng. Máy bơm sẽ phun nước biển lên bề mặt, để nó đông lại, từ đó khôi phục lượng băng biển thất thoát.
Băng ở Bắc Cực tan nhanh chưa từng thấy, và có dấu hiệu “tuyệt chủng”. (Ảnh: Internet)
Loài gấu không thích ứng kịp trước tốc độ tan băng ở Bắc cực. (Ảnh: Internet)
“Dường như biện pháp duy nhất của chúng tôi hiện nay là bảo mọi người ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch. Đây là một ý tưởng không tệ, nhưng cần nhiều hơn thế để ngăn chặn băng biển Bắc Cực biến mất”, trưởng nhóm nghiên cứu, nhà vật lý Steven Desch từ Đại học bang Arizona (Mỹ) trao đổi với tờ The Guardian.
Một nghiên cứu mới trình bày kế hoạch ‘đóng băng lại’ Bắc Cực của nhóm ước tính 10 triệu máy bơm nước chạy sức gió có thể làm dày thêm 1 mét cho lớp băng hiện tại, giúp chống chọi với tình trạng nhiệt độ toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng.
“Băng dày hơn đồng nghĩa băng tồn tại lâu hơn, nhờ đó giảm thiểu đáng kể mối đe dọa từ việc toàn bộ lượng băng biển biến mất khỏi Bắc Cực vào mùa hè”, Steven nói.
Ý tưởng là dựng lập hàng triệu máy bơm nước chạy sức gió xung quanh Bắc Cực, để xả nước biển lên bề mặt băng. Nước biển này sẽ đông lại tạo thành một lớp băng bổ sung, làm dày thêm chỏm băng hiện tại. Nhóm dự đoán bơm 1,3 m nước lên bề mặt sẽ khiến lớp băng dày thêm 1 m vì thể tích nước sẽ co lại khi đóng băng.
Mô phỏng một máy bơm chạy sức gió ở Bắc Cực. (Ảnh: Internet)
“Một điều đáng chú ý là một nửa băng biển Bắc Cực hiện có độ dày trung bình năm chỉ là 1,5 m nên việc làm dày thêm 1 m băng chỉ trong một mùa đông là một sự thay đổi đáng kể”, nghiên cứu cho hay.
Nghiên cứu cũng cho hay làm dày thêm 1 m băng cũng bằng như đẩy ngược thời gian trở lại 17 năm về trước.
Nhưng cần đến bao nhiêu máy bơm tất cả? Về điểm này các con số bắt đầu trở nên phức tạp:
“Diện tích biển Bắc Cực vào khoảng 107 km2. Nếu các máy bơm chạy sức gió được phân bổ trên 10% khu vực, thì sẽ cần đến khoảng 10 triệu máy bơm; nếu được phân bổ trên toàn bộ Bắc Cực, con số này sẽ tăng lên đến 100 triệu. Sẽ cần đến một tua-bin gió với cánh quạt có đường kính 6 m, và khối lượng 4.000 kg sắt. Để thả nổi tuabin này, cần một loại phao với khối lượng sắt tương đương. Để làm tròn, chúng tôi ước tính mỗi bộ thiết bị (tuabin + phao nổi) sẽ chứa khoảng 10.000 kg sắt”, nghiên cứu cho hay.
Như vậy, để xây dựng một hạm đội gồm 10 triệu máy bơm, sẽ cần đến khoảng 10 triệu tấn sắt. Nếu muốn huy động máy bơm trên toàn bộ Bắc Cực, sẽ cần đến 100 triệu tấn sắt. Đây là một con số rất lớn, nếu biết rằng Mỹ hiện sản xuất 80 triệu tấn sắt hàng năm, trong khi tổng sản lượng sắt toàn thế giới là 1.600 triệu tấn.
Dự án mới có chi phí ước tính khổng lồ – khoảng 500 tỷ USD, nghĩa là chính phủ nhiều nước sẽ phải cam kết góp vốn nếu muốn thiết lập “hệ thống điều hòa khổng lồ này” tại Bắc Cực.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học cân nhắc biện pháp ‘geoengineering’ [1] Bắc Cực để đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây nên. Một số đề xuất trước đó bao gồm việc nhuộm trắng Bắc Cực bằng cách rải các hạt aerosol màu sáng, nhằm phản xạ bức xạ mặt trời, hoặc phun nước biển vào khí quyển bên trên khu vực để tạo các đám mây chặn đứng bức xạ tiếp cận bề mặt địa cầu.
Nhưng trong tình trạng hiện nay, khi khu vực này đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, và nỗ lực chính trị nhằm giảm thiểu lượng phát thải CO2 cho tới nay chưa đạt hiệu quả, nguy cơ mất trắng hoặc phần lớn băng biển vào mùa hè ở Bắc Cực trong vài thập niên tới là rất cao. Viễn cảnh này sẽ có hậu quả nghiêm trọng đến không chỉ hệ sinh thái địa phương, mà còn toàn thế giới. Nếu băng biển biến mất, chúng ta không chỉ mất các loài động vật đang sụt giảm số lượng như gấu Bắc Cực và cá tuyết Bắc Cực, mà còn mất đi một trong những cơ chế lớn nhất Trái Đất hiện đang sở hữu để phản xạ bức xạ mặt trời vào không gian.
Theo Scientific American, sự chênh lệch giữa nhiệt độ Bắc Cực và những khu vực trung vĩ độ ở Châu Á, Bắc Mỹ và Châu Âu cuối năm ngoái là thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử. Điều này gây ra sự dao động lớn đến dòng tia – những cơn gió cực mạnh chịu trách nhiệm dịch chuyển hệ thống thời tiết vòng quanh Trái Đất – từ đó kích hoạt hiện tượng thời tiết cực đoan gần khu vực xích đạo, ví như sóng nhiệt (khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần), hạn hán, và tuyết rơi dày đặc.
Không phải chúng ta vừa bắt gặp tình trạng biến động thời tiết khó dự đoán và chưa từng có tiền lệ, chúng ta đang sống chung với nó.
Desch cho rằng chính sách các nước đang thực hiện để ngăn chặn hậu quả của biến đổi khí hậu là không đủ để cứu lấy Bắc Cực, bởi nó hiện đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp hai lần các mô hình khí hậu từng dự đoán cách đây chỉ vài năm.
Cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề. Dự án này quá lớn, và sẽ không bao giờ xảy ra với tình cảnh hiện tại. Nhưng có lẽ đã đến lúc con người nên liều lĩnh và thử thứ gì đó điên rồ – bởi chúng ta đã bắt đầu nhận thức được sự nguy hiểm khi tiếp tục duy trì tình trạng hiện nay.
Dự án này được trình bày khái quát trên tạp chí Earth’s Future.
Chú thích:
[1] Geoengineering: các kỹ thuật tác động trực tiếp lên địa cầu nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu
Quý Khải (theo Science Alert)
Xem thêm: