Thất bại đáng nhớ và nhục nhã nhất của Napoleon không phải trận Waterloo mà là lần bị vây ráp bởi một đàn thỏ đáng sợ.

Năm 1806, Đại quân Pháp đã khuất phục được nước Phổ trước khi vào Ba Lan, và cuối cùng đánh bại Nga trong trận Friedland ngày 14-6-1807. Trên nền tảng này Napoléon đã buộc Nga phải ký hòa ước Tilsit ngày 7-7-1807, tạm chấm dứt 2 năm chiến tranh liên tục trên lục địa châu Âu.

Friedland
Tranh vẽ Napoleon ăn mừng sau khi đánh bại quân Nga trong trận Friedland ngày 14-6-1807 (Ảnh: Wikiwand)

Đây có thể xem như thời kì Napoleon đạt đến đỉnh cao danh vọng. Sau lễ ký Hiệp ước Tilsit, để ăn mừng, vị vua nước Pháp tập hợp các chức sắc, sĩ quan của mình và lên kế hoạch cho một buổi săn thỏ. Ít ai biết rằng, trong một cuộc xoay vần kỳ quái, thay vì “đi săn” ông ta trở thành “kẻ bị săn”.

Cuộc săn thỏ nổi tiếng của Napoleon đã được tổ chức tại biệt thự của Nam tước Alexandre Berthier, một cố vấn thân cận của Napoleon. Để chuẩn bị, Berthier đã tự tay tập hợp và nhốt tất cả những con thỏ vào lồng. Ông ta làm việc này rất chu đáo trong niềm hân hoan thắng lợi và theo ghi chép, khoảng 3000 con thỏ đã được giữ trong chuồng. 

Napoleon Bonaparte năm 23 tuổi, trung tá của một tiểu đoàn tình nguyện viên Cộng hòa Corsican (Tranh của Henri Félix Emmanuel Philippoteaux)

Ngày đi săn, người của Berthier đặt những chiếc lồng dọc theo một cánh đồng lớn. Khi Napoleon và những vị khách của mình đến nơi, các lồng thỏ được mở. Theo dự tính, lũ thỏ sẽ chạy trên cánh đồng và những người thợ săn sẽ phi nước đại đuổi theo với súng ống trên tay.

Nhưng trong một tình huống khó tin, những con thỏ đã không chạy trốn để “bị săn”. Thay vào đó, chúng dàn quân với quân số đông đảo và nhanh chóng “tiến quân” về phía những người đàn ông “đi săn”. Đáng ngạc nhiên hơn, hầu hết những “chiến binh” thỏ nhắm mục tiêu vào chủ tướng phe địch – Napoleon, và tấn công đôi chân của ông, đè ông ấy té về về phía sau. 

Tranh biếm họa lũ thỏ bủa vây Napoleon (Ảnh: digital vortex)

Ban đầu, những người đàn ông đã có những tiếng cười vui vẻ trước hành động của lũ thỏ. Nhưng khi sự tấn công tiếp tục, cảm giác vui vẻ và kinh ngạc của họ biến thành sự sợ hãi thực sự. 

Hoàng đế và các thợ săn khác đã làm hết sức để đẩy lùi cuộc tấn công dữ dội của những “chiến binh” thỏ bằng bất cứ thứ gì họ có như roi da, gậy gộc và cả súng hỏa mai, nhưng đội hình thố quân không hề bị suy chuyển. Napoleon thậm chí còn bị loạng choạng dưới sức nặng và sự tấn công không ngừng của những “chiến binh” thỏ hung dữ.

Sau cùng, vị hoàng đế bất bại vang danh khắp châu Âu bị buộc phải rút lui về cỗ xe hoàng gia của mình để đảm bảo an toàn. Nhưng những “chiến binh” thỏ vẫn không ngừng “tấn công” gót chân của vị chủ soái, một “cánh quân” thậm chí còn “đột kích” được lên xe ngựa hòng “mưu sát” Napoleon bằng việc trèo lên áo khoác.

Việc tập kích của binh đoàn thỏ chỉ chấm dứt khi xe ngựa chở Napoleon chuyển bánh rời đi trong thất bại ê chề không bàn cãi.

Nam tước Berthier
Sự bất cẩn của Nam tước Berthier đã khiến Napoleon có một “trận đánh” thảm bại (Ảnh: Wikipedia)

Tại sao lũ thỏ lại tấn công thay vì bỏ chạy như thường lệ? Phải chăng chúng bị bệnh hay Berthier có ý đồ gì?.

Câu trả lời là không phải. Họ chỉ đơn giản là chọn sai giống thỏ. Nam tước Berthier có thể rất giỏi về quân sự, nhưng rõ ràng không phải là một chuyên gia về chăn nuôi. Thay vì săn lùng và bẫy những con thỏ rừng, ông ta đã ra lệnh cho người của mình mua những con thỏ thuần hóa được nuôi bởi những người nông dân ở các thị trấn gần đó. Khác với những con thỏ hoang dã sẽ chạy trốn theo bản năng, những con thỏ trong trang trại không sợ người và sau mấy hôm bị bỏ đói, chúng đã lao về phía những người đàn ông “đi săn” để tìm thức ăn.

Có điều, việc tại sao đám thỏ lại đặc biệt “yêu thích” Napoleon vẫn còn là một bí ẩn, có ý kiến cho rằng lũ thỏ thực sự cảm nhận được việc những người đàn ông với súng ống trên tay định làm với chúng nên quyết định ra tay trước.

Điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là Napoleon đã có một bữa tối không ngon chút nào vào ngày hôm đó. Thay vì món thịt thỏ tươi ngon, vị hoàng đế kiêu hãnh đã phải nhai bánh kẹp với vị đắng cay của “bại trận”.

Hoài Anh