Từng là những nền văn minh rực rỡ trong lịch sử, tuy nhiên tất cả đều chịu chung một số kiếp diệt vong do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nền văn minh Maya
Là nền văn minh cổ đặc sắc được xây dựng bởi người Maya từ cách đây khoảng 2000 năm, ở bán đảo Yucatán của Trung Mỹ, thuộc đông nam México, Bắc Guatemala và Hondurasngày nay.
Nền văn minh Maya đạt một trình độ cao không những về lĩnh vực xây dựng nhà nước mà còn phát triển rực rỡ cả lĩnh vực kiến trúc, toán học, thiên văn học và tính toán thời gian.
Vào khoảng thế kỷ thứ 8 và 9, nền văn minh Maya bắt đầu suy tàn, với rất nhiều các thành phố ở các vùng đất thấp bị bỏ hoang.
Các cuộc chiến tranh đã nhanh chóng vắt kiệt nguồn lực và con người Maya, cộng với khí hậu thay đổi, dẫn đến hạn hán và kết hợp nhiều lý do mà dẫn đến sự suy vong của văn minh Maya.
Những chứng cứ mà các nhà khoa học chứng minh được rằng vào thế kỷ thứ 9 ở đây có một biến động gây hạn hán tồi tệ nhất trong 7000 năm mới xảy ra một lần này đã góp phần làm suy kiệt văn minh Maya.
Đế quốc Khmer
Là một cựu đế quốc rộng lớn nhất Đông Nam Á đóng trên phần lãnh thổ hiện nay thuộc Campuchia, Miền Nam Việt Nam, Lào và Thái Lan. Đế quốc Khmer được thành lập vào năm 790 bởi Jayavarman II – một hoàng tử của triều đại Sailendra ở Java.
Angkor Wat, Campuchia từng là kinh đô của đế quốc Khmer, đồng thời là trung tâm đô thị tiền công nghiệp lớn nhất thế giới được xây dựng vào thế kỷ thứ 9.
Tuy nhiên, đến thế kỷ 15, Angkor Wat đã bị bỏ hoang do người dân khai thác quá mức các hệ sinh thái. Đồi trọc làm cho kênh bị bồi lấp khi mưa to. Sự phá hủy hệ thống thủy lợi đã dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng khác.
Nền văn minh Sông Ấn
Còn được gọi là Văn hóa Harappa, là một nền văn minh thời Cổ đại phát triển vào khoảng thời gian từ năm 2.800 trước Công Nguyên đến năm 1.800 trước Công Nguyên dọc theo sông Ấn nằm về phía tây bắc của tiểu lục địa Ấn Độ.
Cho đến nay, sự suy tàn của nền văn minh Harappa vẫn chưa được xác minh một cách chính xác. Theo Giáo sư Amos Nur và đồng nghiệp Prasad, khi xem xét lịch sử địa chấn, đã nhận thấy có những trận động đất thảm khốc đổ xuống vùng ven biển gần biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan.
Theo giả thuyết của họ, một hoặc nhiều chấn động lớn có thể đã làm vỏ trái đất di chuyển, kéo theo việc chặn dòng chảy của một con sông lớn trong vùng. Nền sản xuất nông nghiệp bị phá hủy, các trận lụt nghiêm trọng xảy ra và cuối cùng vùi lấp các thành phố dưới bùn lầy.
Người dân Pueblo cổ đại
Người dân cổ đại Pueblo còn được gọi là “Anasazi”, những người dân sống ở khu vực “Ngã tư” (Four Corners) của Đông Nam Hoa Kỳ tại đường giao nhau của các tiểu bang Utah, Arizona, New Mexico và Colorado.
Nền văn minh Pueblo là ví dụ nổi tiếng nhất về nền văn minh cổ đại biến mất do biến đổi khí hậu. Những dấu tích của nền văn minh này thể hiện trên những công trình Cliff Palace trong Công viên quốc gia Mesa Verde, Nhà Trắng (White House Ruins) và Pueblo Bonito tại mép phía Bắc của Chaco Canyon.
Sự diệt vong của nền văn minh Pueblo được các nhà cổ khí hậu học tại Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) giải thích, những ngôi làng tại Mesa Verde và hẻm núi Chaco dần tàn lụi, trùng hợp với thời điểm xảy ra một đợt hạn hán kéo dài tại lưu vực sông San Juan, trong khoảng thời gian từ năm 1130 – 1180.
Lượng mưa ít và môi trường sống khắc nghiệt dẫn đến tình trạng thiếu lương thực. Những áp lực này khiến cấu trúc xã hội của người Pueblo dần tan rã.
Bảo Nguyên tổng hợp
Xem thêm: