Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để tăng thu và giảm bớt gánh nặng ngân sách, trong khi vẫn muốn vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam trong năm 2018 dự định thoái vốn gấp 6,5 lần năm ngoái.
Trong năm 2017, Nhà nước đã thu được 135.600 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD) sau những đợt bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước.
“Chúng tôi cần nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn nhưng chúng tôi muốn thu hút các nhà đầu tư tốt, những người có thể giúp các doanh nghiệp cải thiện năng lực quản trị”, ông Huệ cho biết.
Tài sản mà Chính phủ dự định bán “sẽ bao gồm các công ty đầu ngành về năng lượng, điện và xăng dầu”, ông nói.
Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017 với mức tăng trưởng GDP 6,81%, đang chịu sức ép lớn từ mức nợ công cao. Điều này hạn chế khả năng chi tiêu và đầu tư công của Chính phủ.
Theo HSBC, trong năm nay, mức nợ công có khả năng sẽ vượt mức trần theo quy định là 65% GDP. HSBC cũng cho rằng Việt Nam là quốc gia có nhu cầu lớn nhất trong việc củng cố tài khóa ở khu vực Đông Nam Á.
Các doanh nghiệp nhà nước đã từng là những nhà tuyển dụng lớn nhất, có doanh thu cao nhất và là các đầu tàu tăng trưởng chính. Tuy nhiên, hàng thập kỷ sau khi cải cách theo chính sách Đổi mới từ năm 1986, Chính phủ hiện đang phát triển nền kinh tế theo định hướng thị trường với việc giành nhiều sự quan tâm hơn cho các doanh nghiệp tư nhân.
Chính phủ đang mở rộng quy mô của tầng lớp trung lưu và dân số trẻ để thu hút các nhà đầu tư.
Khoảng 245 doanh nghiệp nhà nước sẽ được đưa ra đấu giá trên thị trường vào năm 2018, trong đó có 4 đợt thoái vốn dự kiến trong quý I/2018 của các công ty, bao gồm Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu duy nhất cả nước), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Trong số những đợt thoái vốn năm ngoái, thương vụ đáng chú ý nhất là việc bán cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá 4,8 tỷ USD cho công ty Thai Beverage Pcl và đối tác của họ vào tháng 12/2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm một phần do nhiều công ty gặp khó khăn trong việc đánh giá giá trị của mình. Chính phủ đang lên kế hoạch cho phép gia tăng hơn nữa mức sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả ngân hàng.
Theo Ngân hàng Thế giới, nợ công và nợ có bảo đảm của Việt Nam sẽ tăng lên mức 64,2% GDP vào năm 2019 từ mức 62,6% của năm 2017. Chính phủ có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 3,7% GDP trong năm 2018 từ mức 3,5% năm 2017.
Tăng trưởng kinh tế trong năm nay có thể bằng tốc độ của năm 2017 – cao hơn một chút so với mục tiêu 6,7% của Chính phủ – ngay cả khi có nguy cơ không đạt dự báo do chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.
“Có một số rủi ro và thách thức vẫn còn tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam nhưng thách thức lớn nhất là chúng ta muốn phát triển nhanh hơn nhưng đồng thời bền vững trong giai đoạn có những chuyển biến khó lường diễn ra trong nền kinh tế thế giới”, ông Huệ nói.
Năm 2017, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng thương mại cao hơn nhiều so với GDP, do đó những bất ổn toàn cầu nếu có sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại, đầu tư và tiền tệ của Việt Nam, ông Huệ đánh giá.
Quang Minh