Tổng thống Mỹ Donald Trump ra đòn biến ảo khó lường, Trung Quốc bối rối không biết đấu lại thế nào và lại đang dùng chiêu cũ để đối phó.

Tổng thống Donald Trump và chính sách “nước Mỹ trên hết” đang làm thay đổi triển vọng kinh tế và thương mại toàn cầu, và không nước nào có thể cảm nhận những cú sốc về chính sách và kinh tế rõ hơn Trung Quốc.

Có vẻ chính quyền Bắc Kinh đang bối rối chưa biết đối phó thế nào, bằng chứng là họ chỉ phản ứng giống như những cuộc khủng hoảng trước: bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Tuần qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm 74 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ cũng công bố gói chi tiêu trị giá 200 tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng những nơi yếu kém. Đồng nội tệ nước này đã giảm xuống mức 6,8 Nhân dân tệ/USD, làm lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc.

Những vũ khí này của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ đã được mọi người thấy trước đây.

Theo trang tin SCMP, sau cú sốc trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh đã hoảng sợ khi nhận được báo cáo khoảng 20 triệu lao động có nguy cơ mất việc làm. Trung Quốc đã nhanh chóng mở vòi tín dụng và để dòng tiền chảy ra.

Chương trình kích thích này tại thời điểm đó được xem như cứu tinh cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng giờ đây, nó lại là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự phụ thuộc vào vay nợ mà chính quyền Bắc Kinh đang phải vật lộn để kiềm chế.

Đối với một số người, động thái kích thích tài khóa và nhanh chóng bơm tiền tệ của Trung Quốc được xem là sức mạnh vì tính chủ động, quyết đoán và ngăn chặn được điều tồi tệ nhất. Nhưng trên thực tế, đó là dấu hiệu của sự bối rối. Ông Trump rõ ràng đã đẩy Trung Quốc vào thế phòng thủ.

Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã hiểu được các mối đe dọa đối với nền kinh tế và đã bắt đầu kiềm chế những rủi ro trong lĩnh vực tài chính, dòng chảy xuyên biên giới và hệ thống ngân hàng ngầm. Trung Quốc đã đạt được những thành công nhất định như sự tăng trưởng về tín dụng hoặc số ngân hàng ngầm đã giảm.

Bây giờ, phép tính lại thay đổi một lần nữa. Tổng thống Trump đã ghé thăm Trung Quốc trong năm đầu tiên nhận chức, thậm chí tuyên bố là bạn thân của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Trump cũng lập ra chiến lược tập trung vào Triều Tiên chứ không phải thương mại. Điều này đã khiến Trung Quốc lơ là trong việc đối phó với chính quyền Tổng thống Trump.

Ông Trump đã từng luôn gay gắt khi nhắc đến Trung Quốc và thương mại, nhưng chuyến thăm và trao đổi của ông với chính quyền Bắc Kinh vào tháng 11/2017 chỉ có sự cởi mở và lạc quan.

Nhưng cuộc chiến thương mại đã bắt đầu và có thể sẽ leo thang thêm trong những tuần tới. Những tác động lâu dài của một cuộc chiến thương mại là gì? Không ai nắm rõ. Cuộc chiến nổ ra có thể không nằm trong tính toán của Trung Quốc, khiến nước này không biết phải “đấu” thế nào.

Mỹ đánh thuế trị giá 34 tỷ vào hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 6/7. Phía Trung Quốc đồng thời cũng đáp trả với mức tương tự lên hàng hóa Mỹ.

Lần thứ hai, ngày 10/7, sau khi Mỹ tuyên bố tiếp tục thu thuế trị giá 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ biểu thị sự bất ngờ mà không có “đáp trả”.

Lần thứ ba, ngày 19/7, ông Trump cho biết, đã chuẩn bị thu thuế lên đến 500 tỷ USD đối với sản phẩm Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng không “đáp trả”.

Phân tích cho thấy, trong năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 505,5 tỷ USD, trong khi Trung Quốc chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ với trị giá chỉ khoảng 130 tỷ USD, do đó phía Trung Quốc khó có thể thu thuế với mức tương đương đối với hàng hóa Mỹ.

Lãnh đạo Trung Quốc thấy chính mình đang gặp thế khó. Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các phương tiện truyền thông “nhẹ giọng” về cuộc chiến thương mại với Mỹ. Các nhà lãnh đạo nước này đang cố gắng củng cố nền kinh tế trong nước, nhưng không thể đoán trước ông Trump muốn làm gì, nên cũng không thể đưa ra những chính sách về dài hạn.

Chính quyền Bắc Kinh đang gấp rút hành động để giảm thiểu những cú sốc sắp tới, nhưng các ngân hàng quốc doanh không thể hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp nhỏ mà chỉ có thể giúp đỡ các doanh nghiệp nhà nước. Đó là một phần nguyên nhân hệ thống ngân hàng ngầm nở rộ.

Đối với nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho dù trong hay ngoài nước theo sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc luôn sẵn sàng vung tay hàng nghìn tỷ USD cho các dự án hão huyền ít đem lại lợi nhuận.

Nếu các số liệu kinh tế bất lợi, Trung Quốc chỉ có thể kỳ vọng thêm vào sự trợ giúp từ PBOC – một ngân hàng trung ương không có sự lãnh đạo từ chính quyền.

Tuy Bắc Kinh có thể bị sốc bởi những thứ đang diễn ra trong thời điểm này, nhưng họ chưa đánh mất quyền kiểm soát các đòn bẩy quyền lực trong nền kinh tế. Sự phối hợp của một chính sách tiền tệ và tài khóa có thể ngăn chặn các tác động trong ngắn hạn, nhưng Trung Quốc còn chưa dọn dẹp hết các gói kích thích được tung ra trong đợt khủng hoảng tài chính mà giờ đây đã phải bắt tay vào một gói kích thích khác khi viễn cảnh kinh tế trở nên phức tạp hơn.

Bơm tiền vào một nền kinh tế vẫn còn đang dùng các biện pháp kích thích đã phát huy tác dụng trong quá khứ, nhưng lần này thực sự có thể sẽ khác.

Kiều Ngọc