Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 16/9 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Ông lão ‘gàn dở’ hay nhặt mũ hỏng và những hành động đượm màu nhân văn’
“Tôi muốn góp chút công sức cho những người khó khăn hơn, để giúp họ thêm nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Có như vậy tôi mới vui được” – ông Địch cười hiền chia sẻ về những chuyện mà hàng xóm coi là gàn dở.
Lâu nay, người dân tại phường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) đã quen với hình ảnh những chiếc mũ bảo hiểm hư hỏng, cũ nát trên thân cây ở đường Trần Hưng Đạo. Người làm ra “công trình” độc đáo đó là ông Nguyễn Hữu Địch (76 tuổi).
Ông Địch giải thích với Báo Công An Nhân Dân, từ mong muốn cảnh tỉnh mọi người về tác hại của mũ bảo hiếm kém chất lượng, ông đã lập ra “nghĩa địa mũ bảo hiểm” này.
Ở tuổi thất thập, nhiều người chỉ quanh quẩn nơi góc phố, trong nhà nhưng ông Địch hoàn toàn khác. Mỗi sáng, ông đi tập thể dục cùng bạn, sau đó đạp xe quanh phố, hễ thấy mũ bảo hiểm cũ hỏng, bị vứt bỏ lại nhặt mang về. Thấy vậy, nhiều người cho rằng ông “gàn dở” nhưng ít ai nghĩ ông nhặt mũ hỏng, sửa lại rồi gửi cho trẻ em nơi quê nghèo.
“Nhiều người rơi mũ nhưng không nhặt, có người chê mũ cũ, vứt đi. Tôi thấy tiếc rẻ, nhặt về lau chùi sạch sẽ, sửa sang lại rồi đem cho các cháu học sinh nghèo. Không về quê được thì tôi gửi xe khách đem về. Mấy thứ đồ bỏ đi này chẳng đáng giá là bao nhưng quan trọng là cái tình cái nghĩa” – ông Địch chia sẻ với Báo Lao Động.
Ông Địch hào hứng kể chuyện nhặt mũ hỏng. (Video: VTV News)
Không chỉ tích cóp mũ bảo hiểm cũ tặng cho trẻ em nghèo, dù trời nắng hay mưa, dưới gốc cây xà cừ ấy ông Địch vẫn ngồi chờ khách đi xe ôm.
Nhà ông Địch không nghèo đến nỗi phải chạy xe như mọi người vẫn thấy, ngược lại vợ chồng ông có lương hưu hàng tháng, thêm khoản tiền cho thuê nhà cũng đủ chi tiêu. Tuy nhiên, ông Địch vẫn muốn làm vì đó không phải là những cuốc xe bình thường mà là chuyến xe miễn phí cho người bệnh, người nghèo.
“Không phải vì tiền đâu, khách lên xe không cần mặc cả, tôi sẵn sàng chở miễn phí cho những người khó khăn. Khách bình thường tôi cũng lấy tiền nhưng không đáng là bao, khoản tiền đó dành để làm việc thiện” – ông Địch cười khi nhắc tới công việc “gàn dở” của mình.
Có lẽ ở đâu đó trên dải đất hình chữ S vẫn còn nhiều người “vác tù và hàng tổng” như ông Địch nhưng chính điều đó đã tạo nên gam màu ý nghĩa trong cuộc sống đầy bon chen, xô bồ.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!
———–
Đại Kỷ Nguyên News