Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành một thông tư mới dẫn thực hiện các quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP vốn đang gây tranh cãi.
Thông tư 03/2018/TT-BGTVT được ký ngày 10/1/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Theo thông tư mới này, các ô tô nhập khẩu có thời điểm mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo Luật Hải quan hoặc về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam trước ngày 1/1/2018 thì được kiểm tra, cấp chứng chỉ chất lượng xe cơ giới nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT và Thông tư số 55/2014/TT-BGTVT.
Việc kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu đối với các xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam kể từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm có hiệu lực của Thông tư này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 116/2017/NĐ – CP, quy định tại Thông tư số 31/2011/TT – BGTVT và Thông tư số 55/2014/TT- BGTVT.
Các Chứng chỉ chất lượng xe cơ giới nhập khẩu đã cấp cho xe cơ giới nhập khẩu theo Thông tư số 31/2011/TT – BGTVT và Thông tư số 55/2014/TT – BGTVT vẫn có giá trị sử dụng để giải quyết các thủ tục hải quan, thu phí trước bạ, đãng ký xe, kiểm định lưu hành lần đầu hoặc để giải quyết các thủ tục khác khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Thông tư 03 nêu rõ hồ sơ đăng ký kiểm tra đối với các ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng phải có các loại giấy tờ cụ thể gồm: Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu; Bản sao giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; Bản sao giấy Chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô; Bản sao tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; bản sao Bản giải mã số VIN của nhà sản xuất xe (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu); bản sao Báo cáo thử nghiệm khí thải; bản sao Báo cáo thử nghiệm an toàn.
Ngoài ra, ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từ lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí tải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo đúng các quy định.
Đối với ô tô đã qua sử dụng có sự thay đổi từ nước ngoài về một số thông số kỹ thuật hoặc kết cấu so với xe xuất xưởng ban đầu của nhà sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu phải xuất trình các tài liệu của cơ quan quản lý phương tiện nước ngoài đối với xe đã thay đổi.
Với trường hợp ô tô nhập khẩu bị hư hại nặng trong quá trình vận chuyển về Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu được phép khắc phục một số hạng mục như: Thân, vỏ, buồng lái, thùng hàng có lớp sơn bị trầy xước; ắc quy không hoạt động.
Với trường hợp ô tô có dấu hiệu của việc tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung hoặc số VIN, số động cơ, cơ quan kiểm tra tiến hành trưng cầu giam định tại cơ quan giám định chuyên ngành để làm căn cứ cho việc cấp chứng chỉ chất lượng.
Nghị định 116 được công bố vào tháng 10 năm ngoái đã khiến nhiều hãng ô tô nước ngoài lo ngại rằng họ khó có thể xuất khẩu xe sang Việt Nam do có thêm nhiều rào cản và chi phí đội lên. Chẳng hạn, trước đây chỉ có lô xe đầu tiên của mỗi mẫu xe nhập khẩu mới bị kiểm tra khí thải và độ an toàn, nhưng Nghị định mới lại yêu cầu từng lô xe nhập khẩu vào Việt Nam đều phải được kiểm tra.
Theo tờ Nikkei, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản than phiền rằng việc kiểm tra khí thải gây ra sự lãng phí lớn về thời gian và tiền bạc.
Hai hãng xe hơi lớn nhất Nhật Bản là Toyota và Honda mới đây đã tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam từ đầu năm 2018.
Minh Tuệ