Thời gian gần đây, các ngân hàng chạy đua trong việc đưa ra các ứng dụng ngân hàng điện tử trên nền di động để thu hút khách hàng. Các giao dịch chuyển khoản, gửi tiết kiệm, trả nợ vay, thanh toán hóa đơn như điện, nước, viễn thông được thực hiện tiện dụng qua Mobile banking.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội giúp thanh toán di động phát triển mạnh mẽ, khi thị trường bán lẻ (đặc biệt là thương mại điện tử) đang tăng trưởng ấn tượng, thẻ ngân hàng và điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến. Đồng thời, sự tham gia của các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ, hay còn gọi là Fintech, cũng làm cho thị trường thanh toán di động trở nên sôi động hơn.
Tính tới năm 2016, hơn 30 doanh nghiệp Fintech đã được thành lập tại Việt Nam, trong đó 2/3 cung cấp các dịch vụ thanh toán di động.
Các chuyên gia cũng cho rằng thanh toán di động tiếp tục là điểm sáng trong thị trường Fintech năm nay. Việc chuyển dịch từ internet banking sang mobile banking được xem là bước đột phá giúp cho các ngân hàng đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng.
Thanh toán di động đã góp phần xóa nhòa ranh giới giữa Online và Offline, giúp người dùng linh hoạt trong việc thanh toán khi mua hàng trên các trang mạng hay tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm. Các hình thức thanh toán qua di động gia tăng chóng mặt, với các công nghệ mới như mã QR, NFC (công nghệ giao tiếp tầm ngắn) hay mPos.
Ở góc độ thẻ thanh toán (thẻ ATM, tín dụng), sự xuất hiện của Samsung Pay cho phép người dùng nhập thông tin thẻ vào một số loại điện thoại Samsung mà không cần xuất trình thẻ khi thanh toán. Nhờ công nghệ NFC, người dùng chỉ cần mở ứng dụng và đưa điện thoại lại gần máy POS thông thường để thanh toán. Đến thời điểm hiện tại, các chủ thẻ ATM nội địa thuộc 7 ngân hàng là VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank, ABBank, Citibank đã có thể sử dụng dịch vụ này.
Quang Minh (th)