Thị trường vàng miếng tại Việt Nam dường như đã không còn đủ sức lấp lánh khi nhu cầu càng ngày càng giảm và thị trường lâu nay không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước ngày 9/1, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, với việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, đến nay thị trường vàng vẫn tương đối ổn định, doanh số mua bán vàng miếng trong hệ thống duy trì ở mức thấp, không còn “nóng” như trước đây.

“Từ đầu năm 2017 đến nay, giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định và biến động trong biên độ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp. Không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô,” ông Hưng phát biểu tại hội nghị, cho biết thêm rằng một phần nguồn vốn bằng vàng bước đầu đã được chuyển hóa để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm ngoái cho thấy, từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã không còn xảy ra tình trạng đổ xô đi mua vàng như trước, và thị trường vàng đã không còn phụ thuộc vào tỷ giá, không còn gây ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố khi đó cho thấy số doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh mua bán vàng miếng trên toàn quốc đã giảm từ khoảng 12.000 điểm trước đây xuống còn 2.242 điểm, nghĩa là chỉ còn lại khoảng 1/5.

Vàng miếng cũng đã trở nên kém hấp dẫn khi thị trường giờ đây không còn sự hiện diện của các sàn giao dịch vàng, cũng không còn hiện tượng làm giá.

Trong hội nghị ngày 9/1, Thống đốc Hưng cho biết, bên cạnh thị trường vàng ít biến động thì tỷ giá và thị trường ngoại tệ của Việt Nam trong năm qua cũng ổn định.

Ông Hưng cho biết quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong lịch sử, đạt hơn 53 tỷ USD.

Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm khoảng 1 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối trong những ngày đầu năm, vì con số dự trữ được ông Hưng công bố cuối năm 2017 là khoảng 52 tỷ USD.

Cũng theo vị thống đốc này, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2017 của Việt Nam đã giảm 0,5-1%/năm. Tín dụng năm qua chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh, chiếm 80% tổng dư nợ.

Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm lãi suất trên thị trường mở để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay hơn nữa.

Xuân Tú