Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch trần sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong vài ngày tới và có thể áp dụng từ tháng 10. Trong bối cảnh giá xăng dầu có xu hướng tăng liên tục, việc áp thuế môi trường kịch trần sẽ khiến các doanh nghiệp cạnh tranh khó khăn hơn.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có thể tăng kịch khung từ tháng 10
Văn phòng Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ Tài chính chuẩn bị tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường cho phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ ngày 11 đến 13/7). Nếu được thông qua, biểu thuế có thể được áp dụng từ tháng 10 tới, chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch đề ra trước đó.
Lý giải nguyên nhân lùi thời gian trình thông qua Nghị quyết về biểu thuế, đại diện Bộ Tài chính cho biết, nhằm giảm áp lực về lạm phát, việc điều chỉnh biểu thuế cần tránh tháng 9, thời điểm nhóm giá cả dịch vụ giáo dục thường sẽ có biến động nhân dịp năm học mới.
Trước đó, hồi đầu năm, trong một dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng lên kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng thêm 500 đồng thuế lên kịch trần 2.000 đồng/lít.
Mặc dù dự thảo về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Bộ Tài chính vấp phải nhiều phản ứng của dư luận, Bộ này vẫn cho rằng giá xăng Việt Nam hiện rẻ hơn nhiều nước và đề xuất này đã nhận được đồng thuận của nhiều Bộ, ngành khi đưa ra lấy ý kiến.
Giá xăng tăng liên tục từ đầu năm
Theo Dân trí, tại hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018 do Viện Kinh tế tài chính tổ chức vừa qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng nhóm giao thông tăng 5,68% do mặt bằng giá xăng dầu tăng cao.
Đại diện Bộ Công Thương cũng dự báo, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố, trong đó đáng lưu ý là giá của các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, xăng E5 tăng 1.368 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.291 đồng/lít và dầu hỏa tăng 2.437đồng/lít.
So với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5%-17,9%, góp phần đẩy CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, mục tiêu CPI bình quân cả năm 2018 Quốc hội đặt ra là dưới 4%.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê, nếu tới đây, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng kịch trần như đề xuất của Chính phủ sẽ tạo thêm sức ép lên mặt bằng giá cả, CPI sẽ bị tác động tăng thêm 0,27-0,29%.
Tăng thuế môi trường với xăng dầu, nhà xe sẽ tăng giá
Không chỉ tạo thêm áp lực cho lạm phát, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp vận tải “đứng ngồi không yên”.
Chia sẻ trên Thanh niên, ông Trần Nguyễn Lê Văn, Giám đốc Công ty Vé xe Rẻ – đơn vị đang kết nối bán vé xe cho hơn 300 nhà xe lớn nhỏ chạy các tuyến từ Nam ra Bắc, cho rằng việc tăng thuế xăng dầu kịch khung vào thời điểm này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Văn, chi phí về xăng dầu thường chiếm 30-40% tổng chi phí của nhà xe. Nếu đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường được thông qua, bắt buộc các hãng xe phải xin tăng giá chứ không “gánh” nổi và thị trường vận tải những tháng cuối năm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Ngoài ra, ông Văn còn bày tỏ lo ngại nếu nhà kinh doanh vận tải tăng giá, chắc chắn nhiều mặt hàng thiết yếu khác sẽ tăng theo. Lúc đó sẽ tác động trực tiếp đến với người tiêu dùng rất lớn.
Ông Lê Văn Khang, chủ xe chạy đường Đà Nẵng – Huế – Đồng Hới, khẳng định việc tăng giá vé chắc chắn sẽ xảy ra. Thời điểm này giá xăng dầu thế giới đang tăng. Nếu tăng kịch khung mức thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu lúc này, doanh nghiệp vận tải phải chịu mức tăng kép nên không thể không tăng giá cước.
Vỹ An