Tại thị trường Việt Nam, việc người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu đối với hàng tiêu dùng nhanh sẽ là một thách thức không nhỏ với các nhà sản xuất.

Báo cáo về xu hướng thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam công bố ngày 12/7 cho thấy người tiêu dùng Việt không chỉ quan tâm đến các nhu cầu cơ bản, mà còn cần thêm cả những nhu cầu mới nổi trong lĩnh vực sản phẩm này.

Theo Kantar Worldpanel, trong năm 2017, trung bình một ngày thị trường Việt đón nhận 16 sản phẩm mới của FMCG được tung ra thị trường. Trong đó, thực phẩm đóng gói chiếm 1/3.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy người tiêu dùng trong nước ngày càng bận rộn và ít mua sắm các mặt hàng FMCG hơn.

Trước đó, báo cáo của hãng nghiên cứu Nielsen công bố hồi tháng 5 cho thấy doanh số bán hàng của FMCG trong quý I/2018 giảm 1%. Theo đó, trong 6 nhóm ngành hàng lớn của FMCG, chỉ có nhóm ngành hàng đồ uống và thuốc lá có tốc độ tăng trưởng dương, đạt 0,6%. Bốn nhóm hàng còn lại là chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình, thực phẩm và sản phẩm từ sữa đều giảm sút.

Lý giải về sự sụt giảm này, Nielsen Việt Nam cho rằng sự thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về dịp lễ tết đang kéo theo những thay đổi trong hành vi mua sắm trong dịp này.

Rõ ràng, sự thay đổi liên tục trong nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng đang là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh, đòi hỏi các nhà sản xuất phải không ngừng cải tiến.

Tuy nhiên, Kantar Worldpanel khuyến cáo, việc tung ra quá nhiều sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng có thể sẽ gây khó khăn trong quản lý. Vì vậy, việc đầu tư vào nghiên cứu nhu cầu thay đổi liên tục của người tiêu dùng, cũng như đáp ứng những nhu cầu tiềm ẩn người tiêu dùng sẽ giúp các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, báo cáo của Kantar Worldpanel còn cho thấy kênh phân phối hiện đại (chủ yếu là hệ thống các siêu thị) – vốn là một trong những kênh bán lẻ đưa người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm FMCG một cách thuận lợi nhất – đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hay mua hàng online. Đặc biệt, mua sắm hàng tiêu dùng nhanh online đang tăng trưởng nhanh chóng, chủ yếu ở nhóm ngành hàng sức khỏe và sắc đẹp và có xu hướng liên tục thu hút thêm nhiều người mua mới.

Vỹ An